Các cơ quan có thẩm quyền thực thi, theo dõi tình hình thực thi Công ước phòng, chống tra tấn

Thứ tư - 14/08/2019 21:31
Các cơ quan trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều trực tiếp hoặc gián tiếp có trách nhiệm triển khai thực hiện Công ước…
Các cơ quan có thẩm quyền thực thi, theo dõi tình hình thực thi Công ước phòng, chống tra tấn

Đầu tiên, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp và giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước (Điều 69 Hiến pháp năm 2013), trong đó có xây dựng, sửa đổi, ban hành và giám sát việc thực hiện các đạo luật có quy định về cấm tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội (Điều 94 Hiến pháp năm 2013); có trách nhiệm triển khai thực hiện Công ước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, chống oan, sai trong quá trình thực thi công vụ. Chính phủ gồm 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó các cơ quan có trách nhiệm chính trong việc triển khai Công ước là: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và truyền thông…

cac co quan co tham quyen thuc thi theo doi tinh hinh thuc thi cong uoc phong chong tra tan
Ảnh minh họa

TAND là cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 102 Hiến pháp năm 2013). Hệ thống TAND gồm 4 cấp: TAND tối cao, 3 TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh, 710 TAND cấp huyện, 1 tòa án quân sự Trung ương, 9 tòa án quân sự cấp Quân khu, 17 tòa án quân sự cấp khu vực. Căn cứ Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21-01-2016 của Chánh án TAND tối cao quy định việc tổ chức các tòa án chuyên trách tại TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và tương đương, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã được tổ chức trong hệ thống Tòa án Việt Nam tại TAND TP HCM (năm 2016).

Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 107 Hiến pháp năm 2013). Hệ thống VKSND gồm 4 cấp: VKSND tối cao, 3 VKSND cấp cao, 63 VKSND cấp tỉnh, 710 VKSND cấp huyện; 1 Viện kiểm sát quân sự trung ương, 11 Viện kiểm sát quân sự Quân khu và tương đương, 28 Viện kiểm sát quân sự khu vực.

Ngoài ra, còn kể tới hệ thống các cơ quan chuyên biệt, gồm hệ thống cơ quan điều tra. Theo quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự 2004 (sửa đổi, bổ sung các năm 2006, 2009), hệ thống cơ quan điều tra gồm: Cơ quan điều tra trong CAND, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và cơ quan điều tra của VKSND tối cao.

Cơ quan điều tra tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa. Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của CAND, QĐND theo quy định của pháp luật.

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan điều tra và quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn như tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao…; bổ sung kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đối với hệ thống cơ quan quản lý và thi hành án hình sự thì theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 201013 quy định hệ thống tổ chức thi hành án hình sự gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự, gồm: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan thi hành án hình sự, gồm: trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc Quân khu; cơ quan thi hành án hình sự CA cấp tỉnh; cơ quan thi hành án hình sự CA cấp huyện; cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu. Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, gồm: Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc CA cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu; UBND xã, phường, thị trấn; đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương.

Đối với hệ thống cơ quan quản lý và thi hành tạm giữ, tạm giam, theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định hai hệ thống cơ quan gồm cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam.

Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam gồm: Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong CAND: cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an; cơ quan thi hành án hình sự CA cấp tỉnh; cơ quan thi hành án hình sự CA cấp huyện. Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam trong QĐND: Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh.

Hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam: trại tạm giam thuộc Bộ Công an; trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; trại tạm giam CA cấp tỉnh; trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương; nhà tạm giữ CA cấp huyện; nhà tạm giữ cơ quan điều tra hình sự khu vực trong QĐND; buồng tạm giữ của Đồn biên phòng ở biên giới, hải đảo xa trung tâm hành chính cấp huyện.

Ngoài ra còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cá nhân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác có trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội (Điều 9 Hiến pháp năm 2013).

Các tổ chức, cá nhân có quyền tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và thực thi Công ước. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp huy động Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hội xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo cơ chế cộng tác viên (Điều 6 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật).

 

 

Tác giả bài viết: Thái Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây