Bão số 9 chỉ còn cách Vũng Tàu 60km, gió giật cấp 13
Vũng Tàu cấm tắm biển, học sinh nghỉ học tránh bão số 9
14h30: Trung tâm Sài Gòn bắt đầu có mưa to kèm gió rít mạnh. Trên đường phố ô tô di chuyển phải bật đèn. Một số đoạn đường xảy ra tình trạng ùn tắc do mưa lớn, hạn chế tầm nhìn.
Giao thông ùn ứ cục bộ trên đường Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1) |
Du khách che ô đi mưa trên đường phố Sài Gòn |
12h45: Vũng Tàu vẫn tiếp tục có mưa to, gió giật mạnh cấp 8-9, nhất là ở khu vực ven biển.
Để đảm bảo an tòan giao thông, lực lượng chức năng TP Vũng Tàu đã cắt cử người tới thu dọn cây xanh ngã đổ.
Công nhân công viên canh xanh dọn dẹp cây đổ trên đường phố Vũng Tàu. Ảnh: Báo BRVT |
Cây xanh bật gốc trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh: Báo BRVT |
Đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu ngập nặng. Ảnh: Báo BRVT |
Gió bão mạnh cuốn bay mái nhà ở Phước Thái, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu, mắc trên đường dây điện. Ảnh: Báo BRVT |
Tấm tôn của một nhà dân ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu bị gió tốc dính lên đường dây điện |
Cây xanh trong trường THCS Phước Thắng, TP Vũng Tàu bị gió giật ngã |
11h30: Thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TP.HCM) trời tiếp tục mưa lớn, gió mỗi lúc một mạnh dần. Nhiều cây xanh bị ngã, tét nhánh trên các con đường thị trấn vắng người qua lại.
Theo ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch huyện Cần Giờ, ước tính thiệt hại ban đầu có 2 ngôi nhà tốc mái, 5 cây xanh bật gốc, ngã đổ.
"Hiện tại diễn biến mưa bão khá bất thường, tuy nhiên lực lượng chức năng vẫn ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho dân là trên hết' - lời ông Dũng.
Đường ở thị trấn Cần Thạnh bị ngập |
Cây xanh bật gốc trên đường Duyên Hải đè lên dây điện đoạn qua khu phố Miễu Nhì, thị trấn Cần Thạnh làm khu vực này bị mất điện. |
Mưa bão làm tét nhánh cây trên đường phố Cần Giờ |
Tại các điểm tập kết, tránh trú bão, sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường. |
11h25: Theo ghi nhận của PV, từ trưa nay, tại nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện mưa nặng hạt kèm theo gió cấp 5-6. Trời âm u khiến người điều khiển phương tiện phải bật đèn khi di chuyển.
Khu trung tâm quận 1 mưa khá nặng hạt; nhiều du khách nước ngoài phải mang áo mưa, che dù để dạo bộ. Họ tỏ ra thờ ơ, thậm chí không quan tâm đến việc bão số 9 đổ bộ vào TP.
Đường Lê Duẩn, quận 1 vắng người qua lại |
Người dân di chuyển khó khăn trên đường Phạm Văn Đồng (Quận Thủ Đức) |
Du khách mặc áo mưa, che ô di chuyển tại khu trung tâm Sài Gòn |
Mưa mưa nặng hạt kèm theo gió cấp 5-6 sáng nay tại TP.HCM |
11h: Do ảnh hưởng của sự cố mưa lũ sói mòn đường sắt ở Ninh Thuận trong cơn bão số 9, nhiều chuyến tàu bị hủy chuyển.
Cụ thể, lúc 11h30, ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc chi nhánh đường sắt Sài Gòn cho biết, 2 chuyến tàu từ Sài Gòn SE 22 chạy lúc 11h50 và SQN4 chạy lúc 19 h sẽ bị hoãn.
10h30: Vũng Tàu có mưa nặng hạt, gió giật mạnh. Nhiều tuyến đường trung tâm thành phố bắt đầu ngập nước, vắng người qua lại. Cây xanh ở đường Thùy Vân, Trương Công Định bị gió quật ngã.
Cây dương bị quật ngã trên đường Thùy Vân, Vũng Tàu |
Một số người dân điều khiển xe máy trên đường bị gió lớn quật ngã |
Đường phố Vũng Tàu tại thời điểm 10h sáng nay |
Phó chủ tịch UBND Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc cho biết, bão đã áp sát gần bờ, khu vực Hòn Bà (mũi Nghinh Phong, TP Vũng Tàu) có mưa lớn, gió giật cấp 8-9. Tới thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản.
8h40: Theo thông tin của VietNamNet, từ tối qua, mưa to đã làm tuyến đường sắt từ ga Kà Rôm đến ga Phước Nhơn (tỉnh Ninh Thuận) bị ngập nặng nhiều đoạn, có nơi sâu 1 mét.
Ngoài ra do mưa lớn, nền đường sắt bị trôi một đoạn dài 100m khiến các đoàn tàu Bắc - Nam không thể đi qua.
Lũ cuốn trôi nền đường sắt tại 1382+600 khu giang Ka Rôm - Phước Nhơn, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Page CLB đam mê đường sắt |
Theo một quan chức ngành đường sắt, từ tối qua tất cả các tàu Bắc - Nam chạy đến khu vực Cà Ná, Hòa Tân bị ảnh hưởng nên buộc phải dừng lại dọc các trạm, ga Nha Trang.
“Đợt này chúng tôi không biết khắc phục bao lâu vì hiện nay đường sắt qua khu vực đang bị ngập rất nặng. Trong khi đó, mưa lũ vẫn đang đổ từ trên núi xuống”- ông nói thêm.
Còn theo ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Vận tải đường sắt Sài Gòn chi nhánh tại Nha Trang, do ảnh hưởng của đường sắt tại Ninh Thuận bị hỏng, ít nhất 3 đoàn tàu SE1, SE3 và SE21 với hơn 1.000 khách phải dừng lại tại các ga ở tỉnh này.
7h30: Theo ghi nhận của P.V VietNamNet, rạng sáng 25/11 huyện Cần Giờ (TP.HCM) trời âm u, có mưa nhỏ và gió mạnh dần lên. Đến 7h30 sáng nay, bắt đầu có mưa lớn, gió giật mạnh.
Biển Cần Giờ lúc 6h30 sáng nay |
Chợ Cần Giờ sáng nay thưa vắng người |
Tại TP Vũng Tàu, từ 7h sáng nay bắt đầu có mưa nặng hạt, gió giật mạnh. Người dân đều đóng kín cửa và không ra đường. Các tuyến phố ven biển ít người qua lại.
Xe ô tô của lực lượng chức năng vẫn rảo qua các khu phố phát thông tin cảnh báo tới người dân và du khách.
Đường phố Vũng Tàu lúc 7h sáng nay |
Biển Vũng Tàu khá âm u và gió bắt đầu mạnh lên |
Người dân Vũng Tàu tiếp tục chằng chống bão tại khu bãi Trước |
Tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận): mưa kéo dài từ 13 giờ ngày 24/11 đến khoảng 22 giờ tối cùng ngày, mưa lớn kéo dài liên tục suốt đêm. Đến 9 giờ sáng nay (25/11) chỉ còn xuất hiện những cơn mưa nhỏ. Mặc dù trời mưa nhưng ghi nhận tại Phan Thiết không có gió lớn, nhà tốc mái hay cây ngã đổ.
Trao đổi với PV, ông Bùi Thế Nhân - Bí thư huyện uỷ đảo Phú Quý cho biết, từ chiều qua trên đảo có mưa và sóng lớn. Tuy nhiên đến sáng nay trời đã có nắng nhẹ, gió đã trở lại bình thường như mùa gió bấc trên đảo.
Về thiệt hại, ông Nhân cho biết đến sáng nay ghi nhận 2 thiệt hại nhẹ là một thuyền đậu trong cảng bị hư lái do va đập và 1 chiếc xuồng nhỏ bị chìm.
Mưa nhẹ tại TP Phan Thiết sáng nay |
Trong khi đó ở đảo Phú Quý trời nắng nhẹ |
Tại các tỉnh Tây Nam Bộ: khu vực ven biển như huyện Bình Đại (Bến Tre) liên tục có mưa nhỏ. kèm theo gió giật mạnh.
Tại huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông (Tiền Giang) trời mưa nặng hạt, gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, rà soát lại các phương án để chủ động ứng phó kịp thời với cơn bão số 9.
Từ 22h hôm qua, các bến phà, đò sang huyện Tân Phú Đông sẽ ngưng hoạt động, vì ảnh hưởng của cơn bão số 9. Huyện Tân Phú Đông đã sơ tán 3.139 người ngoài đê đến nơi tránh, trú an toàn, đồng thời, chằng chống 687 căn nhà thô sơ.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đến hỏi thăm sức khoẻ những người dân được sơ tán tránh bão tại Đồn biên phòng Cửa Đại (xã Thừa Đức) vào sáng nay. |
Thời tiết huyện ven biển Bình Đại (Bến Tre) sáng nay |
Bão cách Vũng Tàu 60km
Bão số 9 giật cấp 13, chỉ còn cách Vũng Tàu 60 km, dự báo trong sáng nay sẽ đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Lúc 4h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12; sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4h chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn