Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó chủ tịch xã Hà Mãn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) kể, quá trình đấu giá cây sưa 200 tuổi đã có lúc xảy ra xô xát.
Xô xát đẩy lên khi chính quyền xã đồng ý sang tên cây sưa với giá 26 tỷ đồng. Tiền bán cây thay vì nộp vào kho bạc thì UBND xã chọn phương án chia tiền theo nhân khẩu cho nhân dân thôn Đông Cốc.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân dẫn đến những phản ứng, thậm chí xô xát của người dân thôn Đông Cốc là do thắc mắc về giá trị của cây sưa bị giảm đi gần một nửa so với năm 2012, khi có người ra giá 49 tỷ.
Ngoài ra, nhiều người dân không đồng tình với phương án sử dụng tiền bán cây của UBND xã.
Cây sưa 200 tuổi ở thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn được hạ giải chiều 25/3 |
Mâu thuẫn vì chia tiền bán cây
Trước tình hình trên, xã Hà Mãn họp bàn đưa ra 3 phương án sử dụng số tiền 26 tỷ.
Cụ thể: Đầu tư xây dựng nông thôn mới; Gửi ngân hàng để sử dụng tiền lãi vào mục đích phúc lợi xã hội và chia tiền theo nhân khẩu (tổng số nhân khẩu thôn khoảng 1.400 người).
Ông Nguyễn Văn Thỏa, Bí thư chi bộ thôn cho biết: “Chúng tôi phải dự hơn 40 cuộc họp bàn, có cuộc họp căng thẳng phát sinh nhiều mâu thuẫn”.
Cuối cùng, UBND xã quyết định triển khai phương án mỗi nhân khẩu trong thôn được chia 10 triệu đồng, và 5 triệu đồng đối với trường hợp con gái trong thôn đi lấy chồng xa.
Ngày 19/1/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn đồng ý cho địa phương hạ giải cây sưa.
Ngày 11/4/2016, UBND huyện Thuận Thành ra công văn đồng ý cho UBND xã Hà Mãn, thôn Đông Cốc tổ chức hạ giải cây sưa.
Bí thư chi bộ thôn Đông Cốc Nguyễn Văn Thỏa cho biết phải trải qua hàng chục cuộc họp mới đi đến thống nhất |
Đã chia cho dân 17 tỷ
Trưởng thôn Đông Cốc Nguyễn Văn Mận cho biết, việc chia tiền cho người dân được tổ chức từ ngày 26/1 cho đến nay đã bàn giao xong hết.
"Bà con nhận được tiền rất phấn khởi" - ông Mận thông tin.
Theo số liệu của UBND xã, hiện đã bàn giao cho dân khoảng 17 tỷ đồng. Số dư còn gần 9 tỷ được sử dụng vào việc xây dựng nông thôn mới dưới sự giám sát của ban đại diện cộng đồng gồm 52 thành viên.
UBND xã xem xét xây dựng cầu mới thay cho cầu Đông Cốc đã hơn 50 năm tuổi |
Phó chủ tịch xã nói rõ: "Số tiền này sẽ được sử dụng vào việc xây dựng hệ thống đường bê tông, đặc biệt là làm cầu dân sinh".
Với người dân thôn Đông Cốc, việc nhận số tiền này được ví như "lộc thánh" nên họ đã mua trâu bò, máy cày tăng gia sản xuất. Có gia đình dùng tiền để cơi nới, sửa sang nhà cửa…
Ông Nguyễn Văn Đàm bên đống gạch gia đình mua về để sửa sang nhà cửa sau khi nhận được tiền bán sưa |
Ông Nguyễn Văn Đàm (78 tuổi) chia sẻ: "Gia đình tôi nhận được 70 triệu đồng và đã gửi tiết kiệm”.
Bà Nguyễn Thị Ninh (50 tuổi) thuộc hộ nghèo sẽ dùng số tiền 20 triệu nhận được để cơi nới nhà.
“Việc làm của chính quyền xã Hà Mãn khi công khai minh bạch tiền bán cây và giao nhận công tâm khiến tôi rất hài lòng và đồng thuận” - ông Đàm bày tỏ.
Tác giả bài viết: Đoàn Bổng
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn