Áp thấp gây gió giật cấp 10, miền Trung tiếp tục mưa lớn, Nam Bộ mát mẻ

Thứ hai - 31/12/2018 22:05
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Áp thấp gây gió giật cấp 10, miền Trung tiếp tục mưa lớn, Nam Bộ mát mẻ

 

 

Áp thấp gây gió giật cấp 10, miền Trung tiếp tục mưa lớn, Nam Bộ mát mẻ - Ảnh 1.

Sơ đồ dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng nay 1-1, tâm áp thấp nhiệt đới cách Huyền Trân khoảng 140km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 10.

Khả năng thành bão trong 24 giờ tới

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. 

Đến 7h ngày 2-1, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 400km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75kmh), giật cấp 10.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 7h ngày 3-1 tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 210km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 7h ngày 4-1, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 240km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão kết hợp với không khí lạnh mạnh nên vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh.

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh.

Miền Trung mưa lớn, nguy cơ ngập, sạt lở đất

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong đêm qua một số nơi thuộc các tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Suối Sung 57mm; Đập Kiều: 48mm, Đá Trải: 31mm, UBND xã Sông Hinh 50,6mm.

Nhận định trong sáng nay 1-1, khu vực này tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng phổ biến từ 30-40mm, cục bộ có nơi 60mm.

Trung tâm cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp và đô thị ở các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đặc biệt là huyện Sông Hinh (Phú Yên), Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, dự báo ngày và đêm nay có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24giờ, có nơi trên 150mm/24giờ). Sau đó mưa vừa, mưa to còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 3, 4-1.

Tại Nam Bộ, sáng 31-12 do không khí lạnh khuếch tán mạnh nên nhiệt độ khu vực này giảm khoảng 2oC. Ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định thời tiết mát mẻ ở Nam Bộ còn kéo dài trong vài ngày nữa.

Miền Bắc: 1 người chết do rét

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 31-12 rét đậm, rét hại tiếp tục bao trùm khu vực Bắc Bộ. Nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là - 0,6oC, xuất hiện hiện tượng băng giá. Tại Hà Nội nhiệt độ vẫn rất thấp ở mức 8,6oC.

Dự báo trong khoảng hai ngày tới, nhiệt độ các khu vực trên dự báo tăng nhẹ 0,5-1oC, vì vậy tình trạng rét vẫn còn tiếp diễn.

Tại Thanh Hóa, chiều 31-12, bà Trần Thị Hoa - chủ tịch UBND phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa - cho biết sáng cùng ngày, người dân phát hiện ông Trần Lư (54 tuổi, quê huyện Yên Định, Thanh Hóa) chết trên xe ba bánh đậu trên đường Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn.

Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định có thể ông Lư chết do thời tiết giá rét dưới 10oC vào đêm 30-12. Người dân ở khu vực này cho biết ông Lư thường đi lại trên tuyến đường này để mưu sinh, đêm về ngủ dưới gầm cầu vượt Phú Sơn, đường Dương Đình Nghệ.

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây