Với quy định mới này, bên mời thầu “hết cửa” ngăn chặn, gây khó dễ khi nhà thầu tiếp cận HSMT/HSYC. Thông tư này cũng quy định về lộ trình mới trong đấu thầu qua mạng (ĐTQM) và có nhiều điểm mới tạo thuận lợi cho nhà thầu và các bên liên quan tham gia HTMĐTQG.
Công khai HSMT gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng
Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu (TTĐT), lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng (LCNTQM) và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả (TT11) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2020, thay thế Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (TT07).
Theo quy định mới tại TT11, đối với lựa chọn nhà thầu, trong quá trình đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, bên mời thầu phải đính kèm các tài liệu: quyết định phê duyệt HSMT, HSYC, yêu cầu báo giá; HSMT, HSYC, yêu cầu báo giá được phê duyệt.
HSMT, HSYC được phát hành trên HTMĐTQG ngay sau khi đăng tải thành công thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng. Đối với đấu thầu không qua mạng, trường hợp HSMT, HSYC được bán theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán HSMT, HSYC trước khi hồ sơ dự thầu (HSDT), hồ sơ đề xuất (HSĐX) được tiếp nhận.
Trong thời gian qua, tình trạng ngăn cản nhà thầu tiếp cận mua HSMT, HSYC đã trở nên phổ biến, gây bức xúc trong giới nhà thầu. Nhiều bên mời thầu sử dụng nhiều chiêu trò gây hạn chế cạnh tranh ngay từ khâu phát hành HSMT, HSYC. Báo Đấu thầu từng có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng này, trong đó phổ biến là hiện tượng người bán HSMT/HSYC đi vắng, không liên lạc được; hết HSMT/HSYC; HSMT/HSYC chưa kịp photo, chưa kịp đóng dấu; địa điểm phát hành HSMT/HSYC không rõ ràng; nhà thầu không được vào trụ sở bên mời thầu để mua hồ sơ khi không có người của bên mời thầu dẫn vào…
Với quy định mới tại TT11, việc bắt buộc bên mời thầu công khai HSMT/HSYC của tất cả các gói thầu lên HTMĐTQG được các nhà thầu đánh giá là bước tiến vượt bậc trong công khai thông tin về đấu thầu, giúp tăng cường cạnh tranh, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu.
Bước tiến vượt bậc này, theo Bộ KH&ĐT, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đấu thầu, công khai tối đa thông tin về đấu thầu, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu. HSMT/HSYC được phát hành trên mạng sẽ khắc phục triệt để tình trạng bên mời thầu cố tình không phát hành HSMT/HSYC cho các nhà thầu như đã xảy ra trong thời gian qua, đồng thời nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Quy định cụ thể các gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng
TT11 quy định về lộ trình lộ trình ĐTQM giai đoạn 2020 - 2025. Theo Bộ KH&ĐT, lộ trình mới này được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và tuân thủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 5464/VPCP-CN ngày 21/6/2019.
Theo đó, TT11 quy định lộ trình ĐTQM cho năm 2020, năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2025.
Cụ thể, năm 2020 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.
Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.
Tương ứng trong năm 2021 là các mức không quá 10 tỷ đồng và không quá 20 tỷ đồng; đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu và tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu.
Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu mua sắm tập trung.
Tạo thuận lợi hơn cho nhà thầu, nhà đầu tư
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 TT07, trước thời điểm đóng thầu 2 ngày làm việc, nhà thầu, nhà đầu tư chưa có xác nhận đăng ký thông tin trên HTMĐTQG không được tham dự thầu đối với các gói thầu, dự án có hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 của Luật Đấu thầu.
Nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà thầu khi tham gia HTMĐTQG, tại Điều 21 TT11 quy định về trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư theo hướng “mở” hơn so với quy định tại TT07.
Cụ thể, theo TT11, nhà thầu, nhà đầu tư phải đăng ký tham gia HTMĐTQG và được phê duyệt theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này trước khi xét duyệt trúng thầu để bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu. Trường hợp trong quá trình đánh giá HSDT, bên mời thầu phát hiện nhà thầu, nhà đầu tư chưa đăng ký tham gia Hệ thống thì bên mời thầu phải yêu cầu nhà thầu, nhà đầu tư hoàn thành việc đăng ký theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này. Khoản 2 Điều 6 của TT11 quy định cụ thể về việc đăng ký tham gia HTMĐTQG và quy trình xử lý hồ sơ đăng ký của nhà thầu, nhà đầu tư.
TT11 gồm 6 Chương 31 Điều và các Phụ lục ban hành kèm theo. Ngoài những nội dung nêu trên, TT11 cũng đưa ra các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong việc đăng tải thông tin về đấu thầu; quản lý và sử dụng chi phí đăng tải thông tin trong đấu thầu; giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả; xây dựng thông tin về pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, nhà đầu tư; tạo sự đồng bộ trong quá trình tổ chức đấu thầu trên mạng, từ khâu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phát hành E-HSMT, nộp E-HSDT, đánh giá E-HSDT; thống nhất cơ sở dữ liệu thông tin về đấu thầu trên HTMĐTQG...
Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh giới thiệu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn