Thêm nhiều quy định mới, thị trường ô tô sắp biến động mạnh

Thứ tư - 10/05/2017 18:32
(PL News) - Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô, do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, đã đưa ra nhiều điều kiện kinh doanh mới mà các DN kinh doanh ô tô sẽ phải thực hiện.
Thêm nhiều quy định mới, thị trường ô tô sắp biến động mạnh

 

 


Bỏ ủy quyền chính hãng

Dự thảo mới quy định doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp và DN nhập khẩu xe ô tô, phải thực hiện chế độ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho khách hàng; chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô khi bị lỗi kỹ thuật, vi phạm quy định, quy chuẩn và chi trả chi phí cho việc triệu hồi.

Với DN sản xuất, lắp ráp ô tô, phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất như nhà xưởng, dây chuyền lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử xe: sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô; đảm bảo các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

điều kiện kinh doanh ô tô, nhập khẩu ô tô, ủy quyền chính hãng, Thông tư 20

Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến

DN có dự án sản xuất, lắp ráp xe ô tô đã được xác nhận trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực, được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 3 năm. Sau thời hạn này, DN phải tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô tại Nghị định này.

Với DN nhập khẩu ô tô, phải được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu; có bộ phận quản lý hoạt động nhập khẩu ô tô, quản lý việc bán hàng, bảo hành và triệu hồi ô tô; có khu vực để ô tô nhập khẩu; có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phù hợp với loại xe ô tô nhập khẩu.

Đối với DN kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, phải đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng, trang thiết bị, dụng cụ, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đối với cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô theo quy định. Được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Giấy chứng nhận có thời hạn 3 năm kể từ ngày ký.

Như vậy, với dự thảo này, DN sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ phải thêm điều kiện quan trọng là có đường chạy thử dài tối thiểu 500m, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra được chất lượng của xe sản xuất, lắp ráp trước khi xuất xưởng.

Với DN nhập khẩu ô tô, thì không cần phải có Giấy ủy quyền chính hãngvề phân phối xe tại Việt Nam như quy định tại Thông tư 20 trước đây nữa. Để được Bộ Công Thương cấp mã số nhập khẩu ô tô, DN chỉ cần nộp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký DN, hoặc Giấy chứng nhận đầu tư và tài liệu chứng minh có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đáp ứng quy định.

Nghị định cũng quy định 3 phương án sở hữu cơ sở bảo hành dành cho DN nhập khẩu ô tô gồm: Cơ sở bảo hành bảo dưỡng là sở hữu 100% của DN, sở hữu tối thiểu 30% của DN và ký hợp đồng thuê.

Còn với kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, những DN không cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô thì không bắt buộc thực hiện những quy định tại Nghị định này.

điều kiện kinh doanh ô tô, nhập khẩu ô tô, ủy quyền chính hãng, Thông tư 20

Các DN kinh doanh, nhập khẩu ô tô đang chờ đợi Chính phủ ban hành điều kiện kinh doanh ô tô mới

DN ngóng chờ

Kể từ tháng 11/2016, kinh doanh ô tô được xếp vào các ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng đến nay, điều kiện kinh doanh ô tô vẫn chưa ra đời, khiến các DN hết sức lo lắng. Trước thềm gặp gỡ Thủ tướng với các DN sắp tới, Nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VBF) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đề nghị khẩn trương thiết lập các điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề ô tô theo đúng quy định.

Theo VBF, từ tháng 7/2017, ô tô sẽ trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Tức là, ngoài các quy định về kiểm đăng kiểm, hồ sơ, giấy phép kinh doanh, các DN phải đáp ứng những điều kiện mà cơ quan chức năng đưa ra mới được kinh doanh.

Vậy nhưng, chưa đầy 2 tháng nữa đến thời hạn thực thi Luật, các Bộ ngành và cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra điều kiện, tiêu chí để hướng dẫn DN, khiến DN không thể chủ động trong hoạt động kinh doanh.

VBF đề nghị, Bộ Công Thương, Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, DN có liên quan để thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết, khả thi và minh bạch cho sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu động cơ xe càng sớm, càng tốt.

Nhiều DN kinh doanh ô tô nhập khẩu không chính hãng cũng cho hay rất ngóng chờ Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh ô tô.

“Thời gian qua, một loạt DN nhập khẩu ô tô không chính hãng đã phải tạm ngừng hoạt động do đòi hỏi phải có Giấy ủy quyền chính hãng. Hiện chúng tôi đang chờ đợi Chính phủ ban hành điều kiện kinh doanh ô tô mới, để từ đó, xem có tiếp tục kinh doanh xe nhập khẩu nữa hay không, và muốn kinh doanh thì phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì. Thời điểm 1/7/2017 sắp đến, các DN rất lo lắng bởi còn phải đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động kinh doanh, nếu không rất bị động”, ông Nguyễn Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc, nói.

Tác giả bài viết: Trần Thủy

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây