Quy định mới từ tháng 3 về lương, ngành nghề nghỉ hưu trước tuổi

Thứ hai - 01/03/2021 21:49
(TVLMP) - Từ 1/3/2021, giáo viên được tăng lương; người lao động ở 1.838 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được về hưu trước tuổi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phạt tiền 1-2 triệu nếu mang tài liệu vào phòng thi

Nghị định 04 của Chính phủ có hiệu lực từ 10/3 và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Nghị định quy định, phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi. Hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi sẽ bị phạt từ 8-12 triệu đồng.

Hành vi vào khu vực tổ chức thi, chấm thi khi không được phép, mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Việc cho mượn hoặc dùng văn bằng chứng chỉ của người khác sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Người nước ngoài vi phạm một số điều khoản sẽ phải chịu phạt tiền, sau đó bị trục xuất.


Giáo viên công lập không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Các thông tư từ 01 đến 04 do Bộ GD&ĐT ban hành, áp dụng từ 20/3 quy định về cách tính lương cho viên chức là giáo viên bậc mầm non đến THPT.

Trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên được quy định: Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Cũng theo các thông tư này, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:Người thi tuyển viên chức để được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc nâng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên (công lập) sẽ không bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, khác với quy định cũ.

Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98).

Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 - 4,98).

Giáo viên THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38).


1.838 nghề, công việc được về hưu trước tuổi

Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới được ban hành kèm theo Thông tư 11/2020 của BLĐTBXH áp dụng từ 1/3 gồm 1838 nghề, công việc.

Cụ thể có các lĩnh vực như: Khai thác khoáng sản, cơ khí luyện kim, xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi, thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông…

Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm được về hưu trước tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp:

Trường hợp không bị suy giảm khả năng lao động: Lao động nam từ đủ 55 tuổi 3 tháng, nữ từ đủ 50 tuổi 4 tháng và có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động: Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.


Kéo dài thời hạn bảo hiểm xe máy bắt buộc 

Theo Nghị định 03 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 1/3.

Thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm, tối đa là 3 năm đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự. 

Bên cạnh đó, Nghị định bổ sung 1 trường hợp thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm là xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an.Với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm. 


Thu nhập 2 triệu đồng/tháng là nghèo đa chiều 

Nghị định 07 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ 15/3. 

Ngoài tiêu chí về thu nhập, Chính phủ quy định thêm tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản để xác định nghèo đa chiều. Số này bao gồm các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ) là việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. 

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số) sẽ gồm việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. 

Chuẩn hộ nghèo tại nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. 

Chuẩn nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Nguồn https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quy-dinh-moi-tu-thang-3-ve-luong-nganh-nghe-nghi-huu-truoc-tuoi-716076.html

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh giới thiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây