Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2018

Thứ năm - 01/02/2018 20:11
(vneconomy) - Nhiều chính sách, quy định mới quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2018...
Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2018

Quy định về chữ ký số nêu rõ: quy định: việc ký số được thực hiện thông qua phần mềm ký số và được thông báo thành công hoặc không thành công khi ký trên văn bản điện tử.

Những quy định mới về tính thế thu nhập doanh nghiệp, về bảo hiểm xã hội, ngành dịch vụ Logistics, quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử, sử dụng vật liệu không nung, khai thác tàu thuyền quá niên hạn…là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2018.

Trường hợp không tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định, từ 1/2, phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người (quy định cũ là 1 triệu đồng) để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trích nộp cho các quỹ cho tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm tự nguyện cho người lao động sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ sở kinh doanh có hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế VAT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế VAT theo tháng, quý.

Sửa đổi quy định về bảo hiểm xã hội

Nghị định 161/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Điều 12 Nghị định 21/2016/NĐ-CP định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm của cơ quan bảo hiểm xã hội, có hiệu thi hành từ ngày 15/2 nêu rõ 

Từ 15/2 bỏ quy định về việc cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội được trích một phần khoản phạt lãi chậm nộp phát hiện qua thanh tra để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng 3 loại bảo hiểm là bảo hiểm y tế, xã hội và tự nguyện.

Quy định mới về logistics

Nghị định 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, có hiệu lực từ ngày 20/2 quy định về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng: trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp logistics thì thực hiện theo quy định đó.

Trường hợp pháp luật không quy định thì trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng do hai bên thỏa thuận.

Trường hợp doanh nghiệp logistics và khách hàng không có thỏa thuận thì thực hiện như sau:

Nếu khách hàng không có thông báo trước về trị giá hàng hóa thì doanh nghiệp logistics phải bồi thường tối đa 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường; Nếu khách hàng đã thông báo trước, mức bồi thường của doanh nghiệp logistics không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics theo hình thức vận tải hàng hóa đường bộ thì có thể hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. Tuy nhiên, 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.

Ưu đãi đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Nghị định 04/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2 quy địnhh: các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu công nghệ công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm.

Riêng các dự án có quy mô từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Không chỉ thế, các doanh nghiệp này còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với: Đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất có mặt nước, công viên sử dụng công cộng; Đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập; Đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao; Đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại Khu công nghệ cao…

Mức phạt khai thác tàu thuyền quá niên hạn

Nghị định 142/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải có hiệu lực từ ngày ½ quy định: đối với hành vi khai thác tàu thuyền quá niên hạn sử dụng sẽ bị xử phạt tiền từ 65 - 75 triệu đồng đối với nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú du lịch ban đêm.

Phạt tiền từ 55 - 65 triệu đồng đối với phương tiện chuyên vận tải hành khách có sức chở trên 12 người mà không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu đệm khí; Phạt tiền từ 45 - 55 triệu đồng đối với phương tiện chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở khí hóa lỏng, tàu đệm khí.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn từ 2 - 3 tháng.

Đáng chú ý, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đến 300 ngàn đồng với hành vi bơi lội hoặc làm mất trật tự công cộng trong khu vực cảng. Hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc hoặc hành vi vô ý có thể gây cháy, nổ trên tàu thuyền cũng sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung

Thông tư 13/2017/TT-BXD về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, có hiệu lực từ 1/2 quy định đối với các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước thì tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật liệu không nung được quy định như sau:

Với các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ và Đông Nam bộ, tối thiểu 90% tại các khu đô thị từ loại 3 trở lên; tối thiểu 70% tại các khu vực còn lại. Với các tỉnh còn lại, tối thiểu 70% tại các khu đô thị từ loại 3 trở lên; tối thiểu 50% tại các khu vực còn lại. 

Quy định về dùng chữ ký số

Thông tư 41/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước có hiệu lực từ 5/2, quy định: việc ký số được thực hiện thông qua phần mềm ký số và được thông báo thành công hoặc không thành công khi ký trên văn bản điện tử.

Trường hợp quy định người có thẩm quyền ký số trên văn bản điện tử, thông qua phần mềm ký số thì người có thẩm quyền sử dụng khóa bí mật cá nhân để thực hiện việc ký số vào văn bản điện tử.

Trường hợp cơ quan, tổ chức ký số trên văn bản điện tử, thông qua phần mềm ký số thì văn thư được giao sử dụng khóa bí mật con dấu của cơ quan, tổ chức để thực hiện việc ký số vào văn bản điện tử.

Thông tư 41 được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước. Bộ Thông tin và truyền thông cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác áp dụng.

Ngoài ra, một số quy định mới về quản lý chi phí liên quan đến đầu tư phát triển đô thị, về trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế, hỗ trợ ăn trưa với trẻ mầm non, tiêu chuẩn ngoại ngữ với hướng dẫn viên du lịch quốc tế…cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2018.

Nguồn tin: vneconomy.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây