Cao tốc 34 nghìn tỷ đồng xuống cấp: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm đầu tiên?

Thứ sáu - 26/10/2018 23:46
Về đường cao tốc 34 nghìn tỷ Đà Nẵng-Quảng Ngãi vừa thông xe đã xuống cấp nghiêm trọng, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì nó gây mất niềm tin cho nhân dân. Với cương vị là Bộ trưởng, là tư lệnh ngành, để đơn vị cấp dưới xảy ra sai phạm nên phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Cao tốc 34 nghìn tỷ đồng xuống cấp: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm đầu tiên?

 

 
Cao tốc 34 nghìn tỷ đồng xuống cấp: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm đầu tiên?

Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài 140km với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, trước thời điểm dừng thu phí, mỗi ngày tuyến cao tốc này thu được 500 đến 800 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, tuyến đường cao tốc đang xuống cấp một cách nghiêm trọng dù mới chính thức thông xe được hơn 1 tháng, khiến dư luận dấy lên nghi ngại về chất lượng thi công dự án này. 

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân dẫn tới mặt đường cao tốc mới đưa vào sử dụng đã bong tróc. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong vụ việc này. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thành lập đoàn thanh tra đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Khi có kết luận thanh tra, nếu có sai phạm thì sẽ xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm.


Bộ GTVT thanh tra đột xuất dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi .

Liên quan đến câu chuyện đường cao tốc mới đưa vào khai thác nhưng bị bong tróc xuống cấp, PGS.TS Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường đại học GTVT Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra kỹ lưỡng để đưa ra đánh giá đúng về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỏng đường. Nếu chất lượng công trình không đảm bảo do nhà thầu làm ẩu thì chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm. Trong đó, Bộ GTVT và hội đồng nghiệm thu Nhà nước là những cơ quan nghiệm thu ký vào các biên bản công trình đạt chất lượng, cho thông xe đều phải chịu trách nhiệm.

TS.Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông JICA cho rằng, đường cao tốc vừa mới đi vào hoạt động đã bị hư hỏng là do chất lượng công trình kém. Tuy nhiên, kém ở đâu thì cần phải làm rõ từ các đơn vị liên quan, cụ thể: Đơn vị thi công đã làm đúng với thiết kế và quy hoạch chưa? Đơn vị khảo sát thiết kế, giám sát thi công cũng phải có trách nhiệm. Cũng theo TS.Đức, chủ đầu tư và Bộ GTVT cũng như hội đồng nghiệm thu phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề để nhận lỗi khi công trình yếu kém.

Nhìn nhận về vụ việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu ý kiến: Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tuyến đường cao tốc hơn 34 nghìn tỷ đồng xuống cấp chỉ trong vòng 1 tháng là trong quá trình xây dựng chưa đúng theo quy trình thiết kế, ăn bớt vật tư rồi thi công cẩu thả… Rất nhiều đơn vị có liên quan như đơn vị giám sát, đơn vị tư vấn, thi công, đơn vị chủ đầu tư... cũng có thể hợp tác với nhau để “rút ruột” công trình mới dẫn đến tình trạng như hiện nay. Trước sự việc nghiêm trọng trên, các cơ quan chức năng, Bộ GTVT, các đoàn thanh tra phải vào cuộc một cách quyết liệt để làm rõ những vấn đề đang xảy ra.

Cũng theo ông Hòa, để xảy ra vấn đề trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, gây mất niềm tin cho nhân dân người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm. Với cương vị là Bộ trưởng, là tư lệnh ngành, để đơn vị cấp dưới xảy ra sai phạm nên phải chịu trách nhiệm đầu tiên.


Trên thế giới ít có trường hợp mặt đường bong tróc khi vừa đi vào sử dụng.

Trong thời gian qua, nhiều con đường quốc lộ, đường cao tốc thậm chí có những công trình vừa thi công xong, chưa nghiệm thu đã xuống cấp. Cao tốc Long Thành – Dầu Giây với tổng số vốn đầu tư 20 nghìn tỷ lún, nứt ngay sau khi thông xe; rồi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhanh chóng xuống cấp trở thành tuyến đường liên tục phải sửa chữa để đảm bảo an toàn và còn rất nhiều các công trình khác nữa. Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa thì đây là một thực trạng đáng buồn, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Đó là hệ quả của sự tắc trách, vô trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị chủ quản trong vấn đề này.

Nhiều chuyên gia giao thông, pháp lý khi được PV  tham vấn ý kiến đều chung một nhận định, công trình, dự án nào có sai phạm thì các cá nhân, tổ chức gây ra sai phạm phải bị xử lý nghiêm để không chỉ làm bài học răn đe mà còn thể hiện sự thượng tôn của pháp luật.

Chất lượng đường cao tốc ở Việt Nam được quy định cụ thể trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012 về Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu và thiết kế. 

Theo TCVN 5729:2012 do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Bộ GTVT biên soạn ban hành năm 2012, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy 2 chiều riêng biệt (không bắt buộc số làn tối thiểu - PV), không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác...  

Đường cao tốc chia 4 cấp: cấp 60 và 80 (km/giờ) áp dụng ở địa hình khó khăn vùng núi, đồi cao và những vùng có hạn chế khác, cấp 100 và 120 (km/giờ) cho vùng đồng bằng.

Trên thế giới, hầu như các nước phát triển đều xây dựng mạng lưới đường cao tốc để phục vụ giao thông đi lại của người dân cũng như phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên theo ghi nhận, rất ít các trường hợp đường cao tốc bong tróc mặt đường khi mới đưa vào vận hành sử dụng như chúng ta.

Tác giả bài viết: Xuân Hòa

Nguồn tin: theo Thời đại:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây