Cán bộ nghỉ hưu vi phạm có thể bị xoá tư cách chức vụ

Thứ tư - 17/04/2019 06:13
Tuỳ mức độ vi phạm, cán bộ đã nghỉ hưu có thể phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Cán bộ nghỉ hưu vi phạm có thể bị xoá tư cách chức vụ

 


Sáng nay, UB TVQH cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, bên cạnh ý kiến tán thành, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm thì những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không...

Cán bộ nghỉ hưu vi phạm có thể bị xoá tư cách chức vụ
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Về vấn đề này, dự thảo luật đã bổ sung vào Điều 84 quy định, cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

“Quy định như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu là “đối tượng khác” so với cán bộ, công chức.

Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau.

Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo UB TVQH cho phép quy định chi tiết ở nghị định”, ông Lê Vĩnh Tân nói.

Thẩm tra dự thảo luật, UB Pháp luật của QH tán thành bổ sung quy định này vì điều này là thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương “xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo luật, UB Pháp luật đề nghị tách nội dung này thành điều riêng quy định theo hướng: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.

“Tương ứng với từng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu.

Đồng thời, cần quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện”, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay.

Sẽ bỏ chế độ “viên chức suốt đời”

Dự thảo luật cũng đề nghị bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của viên chức để khắc phục tình trạng tâm lý viên chức suốt đời.

Theo ông Tân, đề xuất này là nhằm thực hiện các nghị quyết của TƯ khóa 12. Theo đó, tại dự thảo, Chính phủ đề xuất phương án, từ sau khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/1/2020), sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra” tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Với phương án này, sẽ không thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới, kể cả trường hợp hết thời hạn lần thứ 2 (theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn).

Cán bộ nghỉ hưu vi phạm có thể bị xoá tư cách chức vụ
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Để xin ý kiến UB TVQH, Chính phủ đưa ra phương án 2 giữ quy định như hiện hành; đồng thời, bổ sung quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, đa số tán thành phương án 1 của Chính phủ vì quy định như vậy tạo được sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm.

“Quy định này đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ”, ông Định nói.

Tuy nhiên, phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày dự thảo luật này có hiệu lực. Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này của bộ luật Lao động theo hướng mở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật vì theo Điều 22 của bộ luật Lao động thì không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần.

Bên cạnh đó, theo ông Định, một số ý kiến tán thành phương án 2 vì quy định như vậy tạo tâm lý yên tâm cho người lao động là viên chức (hợp đồng làm việc), bảo đảm thống nhất với bộ luật Lao động, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức, đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu.

Tuy nhiên, theo phương án này cần nghiên cứu sửa đổi đồng bộ một số quy định liên quan, bảo đảm mạnh mẽ hơn cơ chế có “đóng” có “mở” để đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc (như gắn việc đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động luôn nỗ lực, cố gắng); đồng thời, bảo đảm quyền của người lao động.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây