Xử phúc thẩm kỳ án gỗ trắc: Các bị cáo kêu oan, VKS muốn tăng hình phạt

Thứ tư - 03/07/2019 21:21
Ngày 3/7, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Quảng Trị). Vụ án kéo dài đến nay đã gần 8 năm, lô gỗ trắc tang vật đã bị đem bán khi vụ án chưa được đưa ra xét xử.
Xử phúc thẩm kỳ án gỗ trắc: Các bị cáo kêu oan, VKS muốn tăng hình phạt
Trần Thị Dung, Trương Huy Liệu, Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành (từ phải sang trái) tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Giang Thanh

Yêu cầu hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án

Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt các bị cáo vì tội “buôn lậu” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì 21,5m3 gỗ giáng hương. Cụ thể, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Trương Huy Liệu (SN 1959) 1 năm 16 ngày tù, Trần Thị Dung (SN 1961, cùng trú tại Hướng Hóa, Quảng Trị) 9 tháng tù treo vì tội “Buôn lậu”. Các bị cáo Đỗ Lý Nhi (SN 1972, trú tại Đông Hà, Quảng Trị, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (SN 1962, trú tại Đông Hà, Quảng Trị, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan khu thương mại quốc tế Lao Bảo) 9 tháng tù treo và Đỗ Danh Thắng (SN 1955, trú tại Hải Châu, TP Đà Nẵng, nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Đà Nẵng) 6 tháng tù treo cùng vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo kêu oan. Bị cáo Liệu và Dung cho rằng, hoàn toàn không có gỗ giáng hương trong lô gỗ trắc, yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan khẳng định hồ sơ xuất, nhập khẩu của Công ty Ngọc Hưng lập đúng quy định, bởi vậy việc thông quan là đúng, các bị cáo bị oan sai.

Theo bị cáo Liệu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C46 - Bộ Công an) đã hai lần nêu quan điểm: Công ty Ngọc Hưng không buôn bán trái phép, không phạm tội buôn lậu, quy định tại Điều 153 BLHS năm 1999 (Điều 188 BLHS năm 2015).

Ngày 6/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án. Sau khi Tổng cục Hải quan chuyển hồ sơ vụ án sang C46, ngày 6/6/2012, C46 có công văn gửi Tổng cục Hải quan kết luận“Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”. Sau đó, phúc đáp Công văn số 2056 ngày 8/7/2015 của C44, ngày 31/7/2015, C46 có công văn khẳng định việc khai báo không đúng về số lượng, chủng loại gỗ so với thực tế xuất khẩu không phải là hành vi “buôn bán trái phép”, căn cứ Điều 153 BLHS thấy đó không phải là tội phạm.

Bị cáo Liệu cũng cho rằng, nếu bị cáo có hành vi khai không đúng chủng loại, khối lượng hàng hóa thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính chứ không thể khởi tố hình sự vì nguồn gốc lô gỗ là gỗ nhập khẩu từ Lào, có đóng thuế nhập khẩu và xuất khẩu, chứ không phải là gỗ lậu.

VKS đề nghị tăng hình phạt

Tuy nhiên, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng lại có quyết định kháng nghị một phần bản án về tội Buôn lậu đối với các bị cáo Trần Thị Dung, Trương Huy Liệu và xử lý vật chứng. Đồng thời, đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Liệu, Dung và tịch thu sung công số tiền hơn 62 tỷ đồng mà TAND TP Đà Nẵng tuyên trả cho 2 bị cáo.

Quyết định kháng nghị của VKS cho rằng, có đủ căn cứ để khẳng định bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung chỉ đạo làm giả hồ sơ nhập khẩu và xuất khẩu nhằm hợp thức hóa nguồn gốc gỗ không hợp pháp.

Về cách đo khối lượng gỗ, VKS giữ quan điểm kết luận giám định số 783 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam ngày 26/12/2012 là có cơ sở và cho rằng kết luận giám định số 151 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam (lập ngày 12/4/2012 - là căn cứ để TAND TP Đà Nẵng dùng để xét xử sơ thẩm) không chính xác.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan kháng cáo kiến nghị của TAND TP Đà Nẵng ở phiên sơ thẩm về việc yêu cầu Tổng cục Hải quan làm rõ việc bắt giữ tang vật là lô gỗ trắc nhưng không lập biên bản thu giữ ngay làm ảnh hưởng quá trình điều tra.

Trong ngày hôm qua, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã hoàn thành các thủ tục phiên tòa và bước vào phần xét hỏi. Trong những ngày tới, phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi và tranh luận.

Như tại phiên sơ thẩm trước đó, hôm qua trong phiên tòa phúc thẩm, các Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục theo dõi và giám sát. Sáng 3/7, ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị trực tiếp có mặt để theo dõi phiên tòa. Theo ông Thắng, vụ án kéo dài nhiều năm, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự oan sai, thiếu trách nhiệm trong quá trình tố tụng. “Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát vụ án này với mong muốn vụ án sẽ được xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền lợi của người dân và sự nghiêm minh của pháp luật”, ông Thắng cho biết. 

 

 

 

Tác giả bài viết: GIANG THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây