Một số Luật gia, Luật sư nhận định, bên cạnh nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của CQĐT trong việc xử lý tin báo, tố giác của công dân thì những vướng mắc, bất cập và “khoảng trống” của pháp luật hình sự hiện hành (bao gồm cả BLHS và BLTTHS) là một nguyên nhân cơ bản khiến cho việc khởi tố, điều tra và xử lý hình sự các vụ XHTDTE bị chậm trễ, khó khăn và thậm chí không thể giải quyết được.
“Căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can”… gây nhiều tranh cãi
Theo trình tự giải quyết vụ án hình sự, thì khi nhận được tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng hay kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước…(các căn cứ quy định tại Điều 143 BLTTHS 2015) thì cơ quan tiếp nhận (CQĐT, VKS) phải xác định xem “có dấu hiệu tội phạm” hay không để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, thế nào là “có dấu hiệu tội phạm” lại là một vấn đề được nhận thức và giải thích khác nhau, xuất phát từ cách quy định quá chung chung của BLTTHS:
Thứ nhất, có quan điểm cho rằng “dấu hiệu tội phạm” theo quy định tại Điều 143 BLTTHS 2015 là dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm (CTTP) trong lý luận về CTTP (bao gồm: chủ thể, khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan). Và như vậy, những người nhận thức “dấu hiệu tội phạm” theo quan điểm này xác định phải có đủ 4 yếu tố CTTP mới đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự.
Đồng tình với quan điểm của ông Đỗ Văn Đương về việc khi khởi tố vụ án hình sự, chưa cần phải có đủ các yếu tố CTTP, nhưng thạc sĩ luật học Lưu Thanh Hùng (Học viện An ninh nhân dân) lại đưa ra quan điểm thứ ba: “dấu hiệu tội phạm” trong căn cứ khởi tố vụ án quy định tại Điều 143 BLTTHS năm 2015 được hiểu không hoàn toàn giống các đặc điểm của tội phạm trong khái niệm tội phạm và dấu hiệu của các yếu tố CTTP trong lý luận về CTTP. Theo đó, Th.s Lưu Thanh Hùng cho rằng: “dấu hiệu tội phạm” với ý nghĩa là căn cứ khởi tố vụ án phải được hiểu theo nghĩa chung là những biểu hiện, những “khía cạnh” của tội phạm. Tức là khi có sự việc diễn ra thì chỉ cần xác định sự việc đó có biểu hiện nào đó, khía cạnh nào đó của tội phạm cụ thể (như là có tài sản bị chiếm đoạt, có người bị thiệt mạng…) là có thể khởi tố vụ án, chứ không cần thiết phải xác định đầy đủ các đặc điểm của tội phạm rút ra từ khái niệm tội phạm và các dấu hiệu trong CTTP.
Như vậy, từ một quy định chung của BLTTHS về căn cứ khởi tố vụ án lại có các quan điểm hoàn toàn khác nhau, thì hiển nhiên sẽ xảy ra thực trạng có vụ án được khởi tố nhanh, có vụ án lại bị khởi tố chậm trễ, thậm chí không được khởi tố và chìm vào quên lãng. Bởi thế nào là “có dấu hiệu tội phạm” còn phải phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của những người có trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm…
Về căn cứ khởi tố bị can, khoản 1 Điều 179 BLTTHS năm 2015 quy định “Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm thì CQĐT ra quyết định khởi tố bị can”. Quy định này đã cho thấy quan điểm thứ nhất về căn cứ khởi tố vụ án là không chính xác. Thế nhưng trên thực tế vẫn cứ tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về căn cứ khởi tố vụ án như đã đề cập ở trên. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới tiến độ cũng như kết quả xử lý các vụ án hình sự nói chung và đặc biệt là các vụ án XHTDTE nói riêng. Bởi chỉ khi có quyết định khởi tố vụ án, các hoạt động điều tra tiếp theo mới được tiến hành để xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can cùng những biện pháp ngăn chặn tạm thời, đảm bảo bị can không bỏ trốn hoặc trốn tránh.
Theo LS. Lê Văn Luân, vẫn biết rằng mỗi vụ án xảy ra trên thực tế hoàn toàn không giống nhau nên BLTTHS chọn cách quy định chung chung “có dấu hiệu tội phạm” để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, khoa học hình sự đã xác định được các đặc điểm, các thuộc tính của tội phạm rút ra từ khái niệm tội phạm cũng như xác định được các yếu tố CTTP bằng cách liệt kê thì BLTTHS cũng nên cụ thể hóa được thế nào là “có dấu hiệu tội phạm” để tạo căn cứ pháp lý thống nhất cho các CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đúng pháp luật và đúng thời hạn. Đồng thời nhìn vào đó, người dân có thể tự mình “giám sát” việc CQĐT giải quyết đơn tố cáo, tin báo tội phạm…như thế nào? Ra quyết định khởi tố hay không ra quyết định khởi tố có đúng căn cứ của pháp luật hay không?
Trở lại với căn cứ khởi tố bị can, để xác định được một người cụ thể đã thực hiện hành vi tội phạm đồng thời đảm bảo tránh oan sai, thì rõ ràng CQĐT cần phải thận trọng hơn và phải thông qua các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Theo đó, Điều 108 BLTTHS tiếp tục quy định: “Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự”. Tuy nhiên thế nào là “đủ” lại tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ, nhận thức và ý chí chủ quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên… “Khoa học Điều tra hình sự có phân định chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp và vai trò của mỗi loại trong việc xác định tội phạm nhưng rõ ràng là rất khó để đưa ra được công thức chung rằng bao nhiêu chứng cứ trực tiếp, bao nhiêu chứng cứ gián tiếp thì đủ để chứng minh một tội phạm. Tuy nhiên BLTTHS hiện hành “giao phó” việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ cho ý chí chủ quan của cá nhân người tiến hành tố tụng thì ắt sẽ không tránh được có hiện tượng: vụ án đã có đủ căn cứ khởi tố bị can nhưng CQĐT vẫn “ngâm” vì cho rằng chứng cứ chưa đầy đủ, chưa rõ ràng!” – LS. Lê Văn Luân chia sẻ.
Cũng theo LS. Luân: “Các vụ XHTDTE ở Việt nam hầu như được các CQĐT tạo “tiền lệ” là phải có “dấu vết vật chất” mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trong khi đó “Lời khai, lời trình bày” đã được quy định là một trong các nguồn chứng cứ (Điều 87 BLTTHS) nhưng các CQĐT thường xem nhẹ lời khai của người làm chứng, lời khai của bị hại. Lẽ ra CQĐT cần áp dụng thêm một loạt các hoạt động điều tra khác như là thực nghiệm hiện trường, đối chất, nhận dạng kết hợp với lời khai của nhân chứng, lời khai của bị hại và cả nghi phạm để có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nhưng hầu hết các CQĐT chỉ luôn bó buộc vào “giám định”. Cho nên, với những vụ án XHTDTE mà không để lại dấu vết vật chất sẽ gần như bế tắc”.
Cần có quy trình tố tụng đặc biệt
“Khi làm việc với Cục cảnh sát hình sự về loại tội phạm XHTDTE, chúng tôi luôn nhận được cam kết ưu tiên điều tra, xử lý. Thế nhưng thực tế là rất nhiều vụ vẫn bị kéo dài lê thê, dai dẳng” – đó là phản ánh chung của nhiều nhà chức trách hoạt động trong các cơ quan bảo vệ trẻ em. Cùng với nhận định như vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng: Với các vụ án XHTDTE cần có quy trình tố tụng đặc biệt thì mới có thể xử lý nhanh chóng và tránh gây tổn thương cho các em nhỏ.
Lý giải về điều này, một số chuyên gia phân tích: Khi bị XHTD, ngoài việc phải chịu tổn thương về thể xác, thì các em nhỏ còn phải chịu những tổn thương rất lớn về mặt tinh thần. Thậm chí những tổn thương này còn có thể theo các em dai dẳng suốt cuộc đời. Nếu áp dụng thủ tục tố tụng thông thường khó tránh khỏi làm gia tăng mức độ tổn thương về tinh thần cho các em nhỏ. Bởi khi lấy lời khai, khi đối chất…đối mặt với công an nhiều lần dễ khiến tinh thần các em trở nên hoảng loạn. Với quy trình tố tụng đặc biệt dành riêng cho các vụ XHTDTE thì ngoài những nguyên tắc chung phải tuân thủ, cần có cách điều tra riêng biệt cho phù hợp với trẻ em. Ví dụ như: khi Điều tra viên lấy lời khai, thực hiện đối chất với các em thì cần có sự hỗ trợ của chuyên viên tư vấn tâm lý hoặc việc lấy lời khai được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia tâm lý dưới sự giám sát gián tiếp của Điều tra viên. “Ngoài ra có thể áp dụng những biện pháp tư pháp thân thiện khác đối với đối tượng đặc biệt như trẻ em” – đó là quan điểm của LS. Lê Văn Luân. Cũng theo LS. Luân: “Thời hạn giải quyết vụ án và vấn đề ưu tiên xử lý nhanh chóng các vụ XHTDTE cũng cần được quy định riêng trong một điều luật. Có như vậy mới đặt trách nhiệm của các CQĐT lên cao nhất có thể”.
Đồng thời, LS. Lê Văn Luân cũng cho rằng, đối với các vụ XHTDTE, cần quy định bắt buộc Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia điều tra với CQĐT trong tất cả các giai đoạn. Theo đó, với quy trình tố tụng đặc biệt dành riêng cho các vụ XHTDTE, cần bắt buộc sự có mặt liên tục của Kiểm sát viên trong quá trình tố tụng (từ khởi tố, truy tố bị can cho đến hoàn tất kết luận điều tra, yêu cầu truy tố bị can) và cùng thực hiện các hoạt động điều tra, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ với CQĐT. Đó là biện pháp tốt nhất để đảm bảo tính khách quan và tuân thủ pháp luật của các CQĐT khi giải quyết các vụ án XHTD có đối tượng cần quan tâm đặc biệt là trẻ em
“Khoảng trống” của BLHS ?
BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) mới quy định bốn tội danh liên quan đến XHTDTE (dưới 16 tuổi), đó là: Tội Hiếp dâm trẻ em, tội Cưỡng dâm trẻ em, tội Giao cấu với trẻ em và tội Dâm ô đối với trẻ em. Đến BLHS năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành) có bổ sung thêm một tội danh mới là: Tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”.
Tuy nhiên, một Luật gia đánh giá: số lượng điều luật ít ỏi cùng mức phạt còn khá nhẹ đối với các tội XHTDTE là một “khoảng trống” của BLHS trong vấn đề bảo vệ trẻ em để chúng có thể phát triển một cách an toàn.
Theo LS. Lê Văn Luân, khái niệm dành cho hành vi “Dâm ô” là hoàn toàn vắng bóng trong các quy định của pháp luật. Ngay cả BLHS 2015 có sự sửa đổi, bổ sung nhưng cũng chưa quy định rõ ràng “hành vi quan hệ tình dục khác” trong tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là gì, cũng như chưa phân hóa cụ thể từng mức độ khác nhau của hành vi dâm ô nên đã gây khó khăn trong việc xử lý hình sự và trong các thủ tục tố tụng đối với chứng cứ liên quan đến tội danh “Dâm ô đối với trẻ em”.
Từ những phân tích trên, LS. Lê Văn Luân kiến nghị: BLHS cần phải cụ thể hóa và phân hóa một cách rõ ràng đối với hành vi “dâm ô” cả về mặt nội hàm pháp lý lẫn trách nhiệm hình sự.
Cụ thể: Dâm ô, không chỉ là hành vi xâm hại trực tiếp cơ thể nạn nhân, mà có thể là bất kỳ hành vi “quấy rối tình dục” gián tiếp nào như gạ gẫm, gợi ý, rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận các “hành vi tình dục” một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn…
Do đó, để giải quyết vấn đề này, LS. Lê Văn Luân kiến nghị gửi tới Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội… cùng nhiều cơ quan có thẩm quyền khác, về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung tội danh liên quan đến XHTDTE. Trong đó cần hình sự hóa bốn hành vi “dâm ô” sau đây: Tội chủ định gặp trẻ em với mục đích dâm ô (áp dụng hình phạt phạt tiền hoặc phạt tù 2 – 4 năm); Tội chủ ý khiêu dâm với trẻ em (áp dụng hình phạt tiền hoặc phạt tù 1 – 2 năm); Tội chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục (áp dụng hình phạt phạt tiền hoặc phạt tù 2 – 4 năm); Tội chủ ý chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em (áp dụng hình phạt phạt tiền hoặc phạt tù 12 tháng, 18 tháng hoặc 24 tháng).
Đồng thời đối với người phạm tội XHTDTE cần cấm vĩnh viễn việc hành nghề liên quan đến trẻ em, không được tiếp cận trẻ em và phải bị theo dõi, công khai tên tuổi, danh tính trên trang thông tin quốc gia, cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nếu tái phạm hoặc vi phạm các quy định về “khoảng cách an toàn” với trẻ em sẽ bị bắt giam trở lại.
Cuối cùng, với tư cách một luật sư tham gia bảo vệ cho nhiều trường hợp trẻ em bị XHTD, hơn ai hết, thấu hiểu được “nỗi đau” của bị hại là các em nhỏ cũng như của gia đình các em, Ls. Lê Văn Luân chia sẻ: “Hy vọng rằng, các cơ quan lập pháp sẽ có sự lưu tâm, xem xét để bổ sung bốn loại tội danh liên quan đến XHTDTE như trên. Từ đó, chúng ta mới có thể bảo vệ trẻ em từ xa và hoàn toàn có cơ sở cũng như căn cứ pháp lý để xử lý hình sự các hành vi tình dục tương ứng đối với trẻ em – những đối tượng cần được xã hội quan tâm, bảo vệ đặc biệt!”
Tác giả bài viết: Đàm Lan
Nguồn tin: Pháp lý Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn