Xét xử sơ thẩm vụ cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Nhơn Hậu (Bình Định): Do đâu bị hại kháng cáo kêu oan ?

Thứ năm - 04/10/2018 23:29
Theo luật sư thương tích để lại trên người nạn nhân có cơ sở để xác định bị cáo đã dùng cây cuốc bổ thẳng vào người nạn nhân để cố sát nhưng bất thành. Trong khi đó theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” với hậu quả để lại chỉ 4% nên được hưởng mức án… treo. Ngay sau khi Bản án vừa tuyên, bị hại lập tức có đơn kháng cáo kêu oan.
Xét xử sơ thẩm vụ cố ý gây thương tích  xảy ra tại xã Nhơn Hậu (Bình Định): Do đâu bị hại kháng cáo kêu oan ?

                                     
  Báo Kinh doanh và Pháp luật cho rằng có căn cứ để xác định hành vi cố sát của bị cáo            
 

 
Còn nhiều tình tiết khuất tất

Theo Cáo trạng của Viện KSND thị xã An Nhơn, vào lúc 13h ngày 07/11/2017, bà Mai Thị Hoa ở thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn đã dùng cuốc nạo vét rãnh thoát nước chạy dọc theo tường nhà bà Lê Thị Hồng, hai bên đã xảy ra lời qua tiếng lại. Mâu thuẫn tiếp tục đẩy lên khi Trần Thị Bích Vân nhập cuộc xô xát với bà Hoa và sau đó lôi kéo thêm Trần Ngọc Nghĩa (đều là con bà Hồng). Thấy vợ mình bị gia đình bà Hồng uy hiếp, ông Thái Lương Ba đã rút vội một đoạn cây tre dài khoảng 1,5m từ trong nhà chạy ra định đánh Nghĩa nhưng sau đó chạy đến đập vào ống nhựa và máng thoát nước bằng tôn của nhà bà Hồng.

Lập tức, Trần Ngọc Nghĩa chạy đến lấy cây cuốc của nhà bà Hoa (cán bằng tre dài khoảng 1,6m, lưỡi bằng kim loại hình vòng cung) chạy đến bổ theo hướng từ trên xuống vào đầu trên đoạn cây tre ông Ba đang cầm, lưỡi cuốc trượt dọc theo thân đoạn tre trúng vào mu bàn tay phải của ông Ba, gây ra thương tích. Ông Ba bỏ chạy thì Nghĩa tiếp tục rượt theo, lưỡi cuốc rơi trên đường. Chạy đến ngã ba đường bê tông, vừa thấy ông Lê Văn Hóa (người cùng thôn) đi bộ đến nên ông Ba đã ôm lưng ông Hóa để né tránh nhưng vẫn bị Nghĩa tiếp tục dùng cán cuốc đánh tới tấp, sau đó đánh trúng vào cánh tay phải của ông Ba…
 

Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015:  “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt

 
Hành vi của bị cáo gây ra để lại hậu quả (theo kết quả giám định pháp y): ông Ba bị tổn hại sức khỏe 04%. Tuy nhiên theo các cơ quan tố tụng thị xã An Nhơn bị cáo đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 chứ không phải cố sát ông Ba. Theo đó tại phiên tòa sơ thẩm (diễn ra 6 -7/9/2018), Hội đồng xét xử TAND thị xã An Nhơn đã tuyên xử bị cáo Trần Ngọc Nghĩa chịu mức án 9 tháng tù treo, và buộc bị cáo bồi thường thiệt hại cho bị hại số tiền trên 31 triệu đồng. Không đồng ý, ông Ba đã viết đơn kháng cáo kêu oan lên cấp phúc thẩm.

Theo ông Ba, Trần Ngọc Nghĩa đã cầm cuốc bổ thẳng vào người ông nhiều nhát để cố sát nhưng không thành (vì ông đã lùi kịp thời và đưa tay lên chống đỡ), chứ không phải bổ vào đầu đoạn cây tre như cơ quan điều tra kết luận. Sau khi ông bỏ chạy, Nghĩa rượt đuổi theo vẫn còn lưỡi cuốc dính trong cán, chỉ đến khi ông núp sau lưng ông Hóa, Nghĩa bổ liên tục nhiều nhát không trúng vào người ông va thẳng xuống mặt đường bê tông thì lưỡi cuốc mới văng ra khỏi cán. Ngoài ra với tình trạng thương tổn sức khỏe để lại trên người ông khá nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức lao động nhưng kết quả giám định chỉ có 4% là không phù hợp, theo đó ông có đơn đề nghị giám định lại nhưng cơ quan điều tra không chấp nhận.

 Cố sát hay cố ý gây thương tích (?)

Theo Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), nhìn từ kết luận giám định pháp y số 08/2018/PY-TgT ngày 10/012018 của Trung tâm Pháp y tỉnh Bình Định cho thấy hành vi của bị cáo không đơn giản là cố ý gây thương tích. Bỡi các tổn thương để lại trên người nạn nhân như cơ quan có chức năng mô tả: “Vết thương mu bàn tay phải gây rách da cơ kéo dài xuống kẽ liên ngón IV – V, dây đứt gân duỗi ngón IV, toác bao khớp bàn – ngón IV, vỡ đốt 1 ngón IV đã điều trị. Hiện để sẹo mặt mu bàn tay phải từ xương bàn IV đến kẽ liên ngón IV – V, kích thước 7x0,2cm, hạn chế vận động gấp, duỗi bàn – ngón IV, giảm cảm giác mặt mu ngón IV-V” chỉ có thể được gây ra từ một lực tác động rất mạnh và nó được hình thành từ ý chí cố giết người của bị cáo. Do đó mặc dù bị giảm lực đáng kể (nhờ lưỡi cuốc đã trượt trên thân đoạn tre trước khi trúng vào mu bàn tay phải của bị hại) nhưng vẫn gây ra thương tích cho bị hại khá nghiêm trọng, làm đứt gân duỗi ngón IV, toác bao khớp bàn – ngón IV, vỡ đốt 1 ngón IV…

Hành vi cố sát càng bộc lộ rõ nét hơn khi ông Ba đau đớn ôm bàn tay bị đứt gân bỏ chạy nhưng Nghĩa vẫn không buông tha mà tiếp tục rượt đuổi theo. Trong lúc bỏ chạy, ông Ba may mắn gặp được ông Hóa, những tưởng sau khi ôm lưng ông Hóa sẽ ngăn cản được sự hung hãn của Nghĩa nhưng trái lại bị cáo vẫn nhào tới bổ tới tấp. Chưa hết sau khi ông Ba buông ông Hóa bỏ chạy thì Nghĩa vẫn tiếp tục truy đuổi đến cùng và đánh trúng vào cánh tay phải ông Ba trước khi ông ngã xuống… “Nếu vào thời điểm đó, ông Ba chạy không may bị vấp ngã và cũng không gặp được ông Hóa giữa đường (góp phần cho bị cáo phân tâm) thì hậu quả mà Trần Ngọc Nghĩa gây ra cho ông Ba chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó”, luật sư Lê Hoài Sơn giả thuyết và khẳng định.

Cùng mô típ lời khai trái chiều giữa bị cáo và bị hại, tại phiên tòa sơ thẩm, trong khi bị cáo Nghĩa khai lưỡi cuốc đã văng ra đường trước khi rượt đuổi ông Ba; thì ngược lại theo ông Ba, sau khi ông bỏ chạy, Nghĩa rượt đuổi theo vẫn còn lưỡi cuốc trong cán, chỉ đến khi ông núp sau lưng ông Hóa, Nghĩa bổ liên tục nhiều nhát không trúng vào người ông va thẳng xuống mặt đường bê tông thì lưỡi cuốc mới văng ra khỏi cán. Theo luật sư Lê Hoài Sơn, nếu lời khai của ông Ba có cơ sở càng củng cố thêm hành vi côn đồ và ý chí cố sát nhưng không thành của bị cáo.

Phiên tòa sơ thẩm bộc lộ nhiều tình tiết mâu thuẫn, khuất tất chưa được làm sáng tỏ khiến cho bị hại và những người tham dự phiên tòa chưa thật sự tâm phục, khẩu phục. Thế nhưng thay vì trả hồ sơ điều tra bổ sung (có thể thực nghiệm lại hiện trường hoặc lấy lời khai bổ sung các nhân chứng, vì thời điểm xảy ra vụ án có rất đông người dân chứng kiến) để làm rõ sự thật, thì HĐXX cho rằng lời khai của bị cáo có căn cứ, theo đó xác định bị cáo chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích”.                                                                                
                                         
                        Bàn tay phải của ông Ba bị đơ không cầm nắm được, ảnh hưởng sức lao động rất nghiêm trọng
 
 
Liên quan đến việc ông Thái Lương Ba đề nghị giám định lại nhưng không được cơ quan CSĐT Công an thị xã An Nhơn chấp nhận, Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) cho rằng có căn cứ để ông Ba đề nghị giám định lại thương tật theo quy định của pháp luật. Vì các tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của ông Ba là rất lớn (hiện bàn tay phải ông Ba bị cứng đơ không cầm nắm được) và theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y tỉnh Bình Định ngày 10/01/2018 cho thấy phù hợp với tỷ lệ thương tật được quy định tại điểm 5.4 mục III (4-6%),  điểm 5.4.1 Mục IV (4-5%) và điểm 7.2 mục IV (2%) - Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định về tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y. Theo đó tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên đối với ông Thái Lương Ba được xác định 4% là không phù hợp”

Tác giả bài viết:  VŨ LÊ MINH

Nguồn tin: Kinh doanh và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây