Vụ tôm hùm chết chưa từng có ở Phú Yên: Dân nghi doanh nghiệp xả thải, tỉnh cầu cứu 2 bộ

Thứ bảy - 03/06/2017 20:02
“Việc người dân nghi ngờ cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng xả thải làm tôm chết hàng loạt vẫn chưa có cơ sở xác định” - ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết tại buổi họp báo do UBND tỉnh chủ trì vào ngày 2.6 thông tin về việc tôm hùm nuôi của người dân ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) chết hàng loạt nhiều ngày qua.
Người dân điêu đứng vì lượng tôm hùm chết chưa từng có ở vịnh Xuân Đài (TX. Sông Cầu, Phú Yên). Ảnh: N.B
Người dân điêu đứng vì lượng tôm hùm chết chưa từng có ở vịnh Xuân Đài (TX. Sông Cầu, Phú Yên). Ảnh: N.B

 


“Thiệt hại là cực kỳ khủng khiếp!”

Ông Thế thốt lên như vậy và cho hay trước mắt chính quyền địa phương đang tập trung toàn lực để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống sản xuất. Báo cáo tại buổi họp báo cho biết, hiện nay công tác lấy mẫu để xác định nguyên nhân đã được các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện. UBND tỉnh cũng đã có công văn đề nghị Bộ NNPTNT và Bộ TNMT hỗ trợ, điều tra nguyên nhân.

Thống kê nhanh của các xã, phường có tôm chết (chủ yếu là xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu) cho biết tính đến 9h30 ngày 1.6, đã có 769 nghìn con tôm chết thuộc 502 hộ tại các vùng nuôi. Ước tính thiệt hại trên 700 tỉ đồng. Trong số các hộ nuôi bị thiệt hại, tỉ lệ số hộ nuôi mất trắng lên đến 70 - 80%, số còn lại đều thiệt hại trên 50%. Đời sống của các hộ dân đang rất khó khăn và bị áp lực lớn về nợ nần ngân hàng.

Theo đề nghị của UBND tỉnh Phú Yên, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Tổng Cục thủy sản, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Đề tài nghiên cứu về tôm hùm của Đại học Nông lâm Thủ Đức phối hợp với Chi cục Thủy sản Phú Yên... lấy mẫu môi trường và mẫu tôm hùm để phân tích, tổng hợp kết quả phân tích từ ngày 11-26.5. Kết quả, cảm quan nước có mùi hôi tanh, màu chuyển sang nâu không bình thường, hàm lượng ôxy hòa tan thấp, nhiệt độ trong nước cao...

Kết quả phân tích mẫu bệnh tôm hùm nuôi của các hộ giám sát có biểu hiện bám lưới, trồi lên mặt lồng rồi chết với tỉ lệ từ 20 - 100% số tôm trong lồng nuôi. Qua phân tích 12 mẫu tôm, kết quả 4/12 (chiếm 33,3%) mẫu dương tính với Rickettsia like bacteria (RLB) và 7/12 mẫu dương tính với V.alginolyticus. Ngoài ra, tảo silic có mặt ở cả 9/9 mẫu nước tại các cùng nuôi thị xã Sông Cầu. Bên cạnh đó, mật độ vi khuẩn vibrio vượt giá trị giới hạn cho phép ở mẫu nước thu được tại Phước Lý và Phú Mỹ. Hàm lượng PO4-P (0,221 - 0,246 mg/l) tại vị trí ven bờ vượt ngưỡng cho phép. Hàm lượng chất hữu cơ và sulfua trong mẫu trầm tích cao.

Phát hiện 2 ống xả thải

Sau khi phát hiện tôm hùm chết, Trung tâm Giống - Kỹ thuật thủy sản Phú Yên cũng đã lấy mẫu nước tại vùng có tôm hùm chết để kiểm tra. Kết quả cho thấy môi trường nước ở đây bị ô nhiễm trầm trọng. Tuy vậy, nghi ngờ Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng (đóng tại xã Xuân Phương, thị xã sông Cầu, Phú Yên) xả nước thải làm tôm hùm nuôi chết hàng loạt, nhiều ngày qua, người dân ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương đã bao vây nhà máy này, yêu cầu chính quyền vào cuộc làm rõ.

Ông Phạm Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết, chính quyền phải liên tục đối thoại để trấn an người dân bình tĩnh chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu từ cơ quan chức năng. UBND tỉnh Phú Yên cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định nguyên nhân có phải do Công ty TNHH Nguyễn Hưng xả thải làm tôm hùm chết. Trong khi đó, bà Lê Đào An Xuân - Phó Giám đốc Sở TNMT Phú Yên - cho hay, cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Hưng hiện có 2 ống xả thải ra biển (1 ống được sở cấp phép và 1 dự phòng). 

2 tháng qua, Công ty TNHH Nguyễn Hưng bị sự cố hệ thống xử lý nước thải, phải dùng xe di chuyển nước thải sang khu vực khác để xử lý. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không báo cáo với cơ quan chức năng về việc thay đổi phương án xử lý này. Hiện cơ sở chế biến thủy sản này tạm dừng sản xuất, chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm, nguồn nước vùng nuôi tôm và mẫu nước thải từ cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Thế cho biết, do tôm chết trên diện rộng, phải lấy mẫu ở nhiều điểm khác nhau dẫn đến chỉ số kiểm định sẽ khác nhau, trong khi tỉnh thì chuyên môn có hạn. Vì vậy, để kết luận được, tỉnh đã đề xuất Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, các cơ quan chức năng có sự hỗ trợ, cùng đưa ra những kết quả kiểm định mẫu đó ở nhiều vị trí thu thập khác nhau để có đối chiếu, so sánh, lúc đó mới đưa ra kết luận khách quan, đúng đắn nhất.

Kiến nghị Chính phủ cho cơ chế, chính sách hỗ trợ

Rất nhiều hộ dân bị thiệt hại đã vay ngân hàng với số tiền lớn để đầu tư nuôi tôm hùm. Họ như đang ngồi trên lửa, đối mặt với nguy cơ tái nghèo. Về vấn đề này, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết, UBND tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách - xã hội. Dù chưa có công bố nguyên nhân và mức độ thiệt hại nhưng các ngân hàng đã rà soát danh sác các hộ là khách hàng để có sự chuẩn bị các phương án xử lý. UBND tỉnh cũng kiến nghị bộ, ngành, Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ khu vực nuôi tôm hùm bị chết.a

Nguồn tin: LĐO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây