Vụ nhà báo Nguyễn Hoài Nam kiện báo Thanh Niên: thua sơ thẩm, chờ phúc thẩm

Thứ bảy - 15/04/2017 06:32
(PL News) - Đầu tháng 1/2017 vừa qua, TAND quận 3 TP. HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên bác toàn bộ 3 yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn (nhà báo Nguyễn Hoài Nam) là: đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian 2006-2010, đòi lại tiền "phạt nhuận bút"và hủy quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó nhà báo Nguyễn Hoài Nam đã kháng cáo. Hiện phiên tòa phúc thẩm chưa diễn ra, sau khi bị hoãn vào hôm nay 27/3/2017. 
Thanh Niên là một tờ báo lớn, có trụ sở tại TP.HCM (ảnh minh họa)
Thanh Niên là một tờ báo lớn, có trụ sở tại TP.HCM (ảnh minh họa)

 



Tôi thường không thích "ồn ào" về những vụ án mà mình đang tham gia. Trong vụ án nhà báo Nguyễn Hoài Nam kiện báo Thanh Niên, tôi được nhà báo mời làm luật sư từ hơn 1 năm trước, đã tham gia trải qua nhiều giai đoạn: từ khởi kiện, hòa giải, cho đến xét xử sơ thẩm, kháng cáo. Song vì trên trang cá nhân (facebook) của nhà báo Nguyễn Hoài Nam, đã nhiều lần thông tin về vụ án này, có nhắc đến tôi, nên tôi thấy cũng nên chia sẻ thêm vài thông tin tại đây. Thuần túy về mặt khoa học pháp lý.

Mặt khác, trên thực tế Nguyễn Hoài Nam là một nhà báo có thể nói là dũng cảm. Đặc biệt rất say mê nghề nghiệp và có nhiều thành tích đã được thừa nhận, ghi nhận (nhiều giải thưởng báo chí quốc gia). Ngay trong tháng 3/2017 này, Nguyễn Hoài Nam đã có một tác phẩm phóng sự truyền hình về việc triệt phá đường dây trộm cắp xăng dầu rất lớn. Từ nguồn tin của anh Nam, Bộ công an đã lập chuyên án riêng và phá án thành công. Phóng sự này được Đài truyền hình quốc gia VTV giới thiệu và phát sóng nhiều kỳ. Nên tôi thấy có trách nhiệm chia sẻ thông tin về vụ án này, để góp phần trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Nguyễn Hoài Nam.

Cụ thể nhà báo Nguyễn Hoài Nam đã khởi kiện báo Thanh Niên về 3 vấn đề sau:

1. Yêu cầu báo Thanh Niên đóng BHXH thời gian 2006- 2010:

Sau thời gian thử việc, anh Nam đã được báo Thanh Niên tuyển dụng làm việc từ năm 2006 đến năm 2015 (10 năm). Nhưng trong giai đoạn thời gian từ 2006 - 2010, báo Thanh Niên chỉ khoán lương, mà không làm hồ sơ cho anh Nam tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định. Điều này làm mất quyền lợi của người lao động. Đặc biệt là trong việc xét hưởng lương hưu sau này (căn cứ vào số năm tham gia BHXH).

Trong quá trình giải quyết vụ án, phía anh Nam đã yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Cụ thể là gửi công văn hỏi Phòng LĐTBXH xem anh Nam có được hưởng BHXH giai đoạn 2006- 2010 không? Phòng LĐTBXH quận 3 (TP.HCM) đã có văn bản trả lời, xác định báo Thanh Niên có trách nhiệm phải cho anh Nam tham gia BHCXH, đồng thời hướng dẫn báo Thanh Niên lập hồ sơ, đóng tiền BHXH  ... cho anh Nam ngay, rất cụ thể.

Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm đã bỏ qua văn bản/chứng cứ nói trên, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của anh Nam với lý do "đã hết thời hạn khởi kiện". Về phía báo Thanh Niên thì khẳng định do đã khoán hết cho anh Nam, bao gồm cả tiền BHXH. Do vậy báo không chấp nhận yêu cầu của anh Nam.

Do vậy, anh Nam đã kháng cáo nội dung này.

2. Trả lại số tiền bị "phạt nhuận bút":  

Anh Nam cho rằng việc mình bị báo Thanh Niên phạt tiền (khoảng trên 16 triệu đồng, trừ vào khoản "phụ cấp công việc") là không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể tại khoản 2 Điều 128 Bộ luật lao động quy định Người sử dụng lao động cấm “không được dùng hình thức PHẠT TIỀN, CẮT LƯƠNG thay việc xử lý kỷ luật lao động”.

Ngay trong Thỏa ước lao động tập thể hay Nội quy lao động của Báo cũng không hề có quy định Tổng biên tập có quyền phạt tiền đối với phóng viên.

Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm đã bác yêu cầu của anh Nam, vì cho rằng đã “hết thời hiệu giải quyết tranh chấp” và đây là chế tài phần “thu nhập tăng thêm chứ không phải phạt tiền”.

Do vậy, anh Nam đã kháng cáo nội dung này.

3. Rút lại Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: 

Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng việc báo Thanh Niên đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với mình không đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể: Ngày 7/10/2015, báo TN ra Quyết định số 71/QĐ-TN, chấm dứt HĐLĐ đối với anh Nam. Theo báo Thanh Niên, lý do anh Nam bị chấm dứt hợp đồng lao động là do anh đã không có đủ số bài báo được đăng trên báo giấy Thanh Niên - theo quy định tại Quy chế định mức nhuận bút của phóng viên”. (Ghi chú: Quy chế này Tổng biên tập báo ban hành từ năm 2011, gần nhất có sửa đổi, bổ sung ngày 4/3/2015).

Phía anh Nam cho rằng báo Thanh Niên đã áp dụng sai quy định của pháp luật. Vì theo Điều 38 Bộ luật lao động quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động thì người lao động phải "thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ". Trong khi đó:

- Công việc theo HĐLĐ của anh Nam “phóng viên”, có trách nhiệm viết bài “theo sự phân công của Ban biên tập và Phụ trách đơn vị”. Hoàn toàn không có quy định nào bắt buộc ông Nam phải có đủ số bài đăng trên báo.

-  Theo Điều 12 Nghị định 05/2015 hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động, thì quyền đơn phương chấm dứt hợp HĐLĐ của người sử dụng lao động được quy định như sau: "Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

- Trong quá trình giải quyết vụ án, phía anh Nam đã nhiều lần nêu 2 vấn đề cần làm rõ là:

1. Việc báo Thanh Niên sử dụng “Quy chế định mức nhuận bút phóng viên” do Tổng biên tập đơn phương đưa ra và sửa đổi, trong khi không lấy ý kiến Công đoàn cơ sở trước khi thông qua, cũng như không hề quy định trong Thỏa ước lao động tập thể, nhưng lại sử dụng như là “Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ” - theo quy định tại Nghị định 05/2015 là không đúng pháp luật.

2. Không có bằng chứng nào thể hiện anh Nguyễn Hoài Nam không hoàn thành công việc theo hợp đồng. Vì: Với tư cách là một phóng viên, ông Nam thường xuyên làm công việc của mình, thường xuyên đăng ký đề tài, đi viết bài và gửi Tòa soạn – trong suốt thời gian mà bị đánh giá là “không hoàn thành công việc theo hợp đồng”. Lý do ông Nam không được đăng bài là do bị Phó tổng biên tập, người được giao toàn quyền quyết định đăng/không đăng bài trù dập, không cho đăng. Lý do: anh Nam tố cáo vị này tiêu cực.

Quá trình giải quyết vụ án, Nguyễn Hoài Nam đã cung cấp cho Tòa sơ thẩm:

- 37 bản Báo cáo tuần đã gửi cho Ban thể hiện hầu hết đều là đề tài thời sự nổi cộm, phù hợp tiêu chí mục tiêu hoạt động của báo và được chấp thuận cho viết.

- Nhiều chục bài báo đã gửi cho Tòa soạn, đều có chất lượng và nội dung tốt (đã qua tới bản thảo 3, bản thảo 4 - tức là sẵn sàng đăng) nhưng lại không được Phó tổng biên tập cho đăng. Thể hiện tại ảnh chụp màn hình tòa soạn điện tử báo Thanh Niên.

- 6 bài báo đăng trên báo Pháp luật TP.HCM, báo Công an TP.HCM, báo Tiền Phong - là những bài báo đã nộp nhưng không được cho đăng.

Ngoài ra, anh Nam còn đề nghị báo Thanh Niên cung cấp các bài viết mình đã gửi Tòa soạn cho Tòa để được xem xét. Nhưng phía báo Thanh Niên chỉ trả lời đơn giản là “không còn lưu”.

Xét xử sơ thẩm, Tòa án quận 3 đã không xem xét đến các chứng cứ nói trên của anh Nam. Cho rằng báo Thanh Niên đã chấm dứt HĐLĐ với anh Nam là đúng.

Do vậy, anh Nam đã kháng cáo nội dung này.

Hoãn phiên tòa phúc thẩm

Ngày hôm nay 27/3/2017 đã diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm, xem xét các nội dung kháng cáo của nhà báo Nguyễn Hoài Nam. Tôi (luật sư Trần Hồng Phong) tiếp tục là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Nam tại phiên tòa này.

Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn, do đại diện (theo ủy quyền) của báo Thanh Niên vắng mặt.



Trước đó, lúc 6h cùng ngày 27/3/2017, nhà báo Nguyễn Hoài Nam có đưa lên trang cá nhân của mình một đoạn clip với nội dung cho rằng báo Thanh Niên và thẩm phán sơ thẩm đã "ngồi xổm" trên pháp luật. Đây là quan điểm cá nhân của anh Nam, tôi không có ý kiến (bao gồm cả những thông tin "bên lề" vụ án) vì đây là quan điểm cá nhân. Quý vị xem xong, có thể đưa ra đánh giá, nhận xét của riêng mình. Trong clip, ở phần phiên tòa, tôi là người hỏi và phía báo Thanh Niên là người trả lời - về những tình tiết liên quan đến các nội dung khởi kiện.

Liên quan đến phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn chúng tôi cũng đã chuẩn bị cơ bản về phương án bảo vệ quyền lợi và những vấn đề cần làm. Nói chung, tôi chỉ mong kết quả xét xử bảo đảm được sự công bằng, khách quan và đúng pháp luật.

Tác giả bài viết: Ls. Trần Hồng Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây