Vụ án cố ý gây thương tích ở huyện Mang Yang (Gia Lai): Vì sao 2 lần Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung (?!)

Thứ tư - 15/08/2018 04:31
(PhapluatNews) - Sau gần 1 năm điều tra và gia hạn điều tra, ngày 14/3/2017, Viện KSND huyện Mang Yang chính thức truy tố bị can Lê Thị Hòa thường trú tại 336, Trần Hưng Đạo, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang ra trước TAND để xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại làng Đê rơn, xã ĐăkDJrăng, huyện Mang Yang (Gia Lai). Hơn 5 tháng trôi qua, phiên tòa sơ thẩm vẫn chưa diễn ra vì 2 lần TAND cùng cấp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, còn người bị hại liên tục gửi đơn kêu oan…
Vụ án cố ý gây thương tích ở huyện Mang Yang (Gia Lai): Vì sao 2 lần Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung (?!)
             
                                   Bị hại Huỳnh Quốc Việt
 

   Tóm tắt nội dung vụ án: Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Mang Yang, do mâu thuẫn từ vụ xô xát trước đó chưa được giải quyết, nên vào vào lúc 17 giờ ngày 12/05/2016, tại cổng nhà rẫy của Lê Thị Hòa (SN 1962) tại làng Đê rơn, xã ĐăkDJrăng, huyện Mang Yang đã xảy ra vụ đánh nhau giữa một bên là Huỳnh Quốc Việt (SN 1974), trú tại thôn Châu Thành, xã Đăk Yă, huyện Mang Yang và một bên là gia đình bà Lê Thị Hòa... Hậu quả để lại Huỳnh Quốc Việt bị thương tật 8%.

      Bất ngờ thay đổi đối tượng gây án (?)

     Theo lời khai của Huỳnh Quốc Việt tại Cơ quan điều tra, vào khoảng thời gian trên khi 4 cha con ông cùng đi trên chiếc xe mô tô vừa đến cách cổng nhà rẫy của bà Lê Thị Hòa khoảng 10m thì bất ngờ nhìn thấy 5 người (gồm bà Hòa, con trai Đỗ Thanh Hoài, em trai Lê Viết Đồng, con gái và con rể bà Hòa) từ trong nhà bà Hòa chạy ra trên tay mỗi người đều cầm một khúc cây dài khoảng 1,2m – 1,5m. Khi đối diện với cha con ông thì Đỗ Thanh Hoài lập tức dùng khúc cây bổ thẳng vào đầu ông. Cú đánh mạnh đến mức làm bể ngay mũ bảo hiểm đang đội trên đầu và làm ông ngã nhào xuống lòng đường. Liền theo đó, con trai bà Hòa dùng cây đè vào cổ ông và ngồi lên người khiến ông không thể nào ngồi dậy được. Các người còn lại trong gia đình cầm cây và dùng chân đá, đạp và bổ túi bụi vào đầu, vào bụng và chân của ông… mặc cho các con ông kêu khóc van xin. Thấy ông còn cựa quậy, họ tiếp tục khiêng ông vào trong sân, khóa trái cổng không cho các con ông vào, rồi tiếp tục dùng cây gỗ đánh vào người ông, máu từ mũi và miệng trào ra khiến ông bất tỉnh nhân sự. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, ông loáng thoáng nhìn thấy Hoài đang dùng dây trói tay chân mình lại…
                                                                
   Trong Biên bản thực nghiệm điều tra, động tác cầm cây gây án của bị can ngược lại so với Bản cung khai ngày 10/3/2017
   
     Như vậy nếu lời khai của bị hại có cơ cơ sở thì cả nhà Lê Thị Hòa cùng tham gia đánh hội đồng ông Việt, trong đó Đỗ Thanh Hoài là hung thủ chính. Kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Mang Yang (trong Sơ kết điều tra số 47/SKĐT ngày 25/11/2016) cũng đã nhận định đối tượng gây án phù hợp với lời khai của bị hại: “… Sau khi mâu thuẫn cãi vã lẫn nhau thì gia đình của Lê Thị Hòa gồm Đỗ Thanh Hoài, sinh năm 1994 là con trai của Hòa, Lê Viết Đồng – sinh năm 1970 là em trai của Hòa cùng trú tại tổ 6, thị trấn Kon Dơng đã có hành vi đánh Huỳnh Quốc Việt gây thương tích”. Thế nhưng đến Kết luận điều tra số 19/KLĐT ngày 24/02/2017 thì Lê Viết Đồng và Đỗ Thanh Hoài bất ngờ được Cơ quan điều tra loại ra ngoài vòng tố tụng và “thế thân” vào đó là Lê Thị Hòa (?).

      Theo đó, Đồng và Hoài không trực tiếp đánh bị hại mà chỉ có hành vi ôm bị hại lại để can ngăn. Ngay cả hành vi dùng đoạn dây trói bị hại cũng do một mình Lê Thị Hòa thực hiện. Căn cứ vào kết luận Cơ quan điều tra, ngày 14/3/2017, Viện trưởng Viện KSND cùng cấp đã quyết định truy tố duy nhất bị can Lê Thị Hòa ra TAND huyện xét xử về về tội: “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

     Ngay sau khi nhận được thông báo kết quả điều tra, ông Việt lập tức có đơn khiếu nại hành vi tố tụng của điều tra viên Nguyễn Đình Thống vì cho rằng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Người làm chứng DJrung thường trú làng Đơ rơn, xã Đak Djrăng cũng có đơn tố cáo và yêu cầu phúc cung…

      Bộc lộ nhiều khuất tất trong điều tra, truy tố

      Có thể thấy quá trình điều tra và truy tố của các cơ quan tố tụng ở huyện Mang Yang đối với vụ án đã bộc lộ nhiều khuất tất. Trước hết, đó là sự bất thường trong việc loại Đỗ Thanh Hoài và Lê Viết Đồng ra ngoài vòng tố tụng. Bất thường vì từ Sơ kết đến Kết luận điều tra, Cơ quan điều tra không làm rõ và cung cấp được chứng cứ thuyết phục về việc thay đổi đối tượng gây án là có căn cứ pháp luật. Trong khi đó Biên bản thực nghiệm điều tra – được cho là chứng cứ mới, được tiến hành vào ngày 21/02/2017 (do điều tra viên Nguyễn Đình Thống – Công an huyện Mang Yang thực hiện có sự chứng kiến của kiểm sát viên Võ Đăng Khoa – Viện KSND huyện Mang Yang) để lại nhiều hoài nghi về tính không khách quan.

      Thời điểm xảy ra vụ án vào lúc 17h (chập choạng tối) nhưng việc thực nghiệm lại tiến hành vào lúc 14h30. Chữ ký “Đồng” trong Biên bản thực nghiệm liệu có phải là chữ ký thật, trong khi trước đó trong tất cả các bản cung tại Cơ quan điều tra Lê Viết Đồng đều lăn tay (?). Tại bản cung ngày 10/3/2017 - BL177, 178 (do kiểm sát viên Võ Đăng Khoa thực hiện), bị can Hòa khai tư thế cầm cây khi đánh Việt, “tay phải cầm phía trên, tay trái tôi cầm phần dưới”, nhưng khi thực nghiệm thì bị can làm ngược lại. Đặc biệt là động tác đập bể mũ bảo hiểm của bị hại – một trong những căn cứ góp phần làm sáng tỏ nhận định về khả năng đơn độc gây án của bị can, lại không mô tả trong thực nghiệm điều tra…
                          
Báo Kinh doanh & Pháp luật đăng tải ngày  7/8/2018

     Giấy chứng nhận thương tích số 34/CN-BVĐHYD-HAGL ngày 28/6/2016 của Bệnh viện Y dược – Hoàng Anh Gia Lai đã cho biết Huỳnh Quốc Việt bị đa thương tích: “Bầm đầu mặt, glasgow 15 điểm, đồng tử 2,2mm, PXAS (+). Sưng nề mặt, ngực, bụng, sưng nề mu tay, chân trái. Chẩn đoán: Đa chấn thương: Chấn thương đầu mặt + Xuất huyết kết mạc mắt phải + Chấn thương ngực tràn dịch màng phổi + Gãy xương bàn ngón V chân trái”… Điều đó cho thấy các thương tích trên mình bị hại phải không phải do một người thực hiện, càng không thuyết phục khi xác định thủ phạm lại là một người phụ nữ chân yếu tay mềm đã ngoài 50 tuổi.      

     Trong khi đó “tại phiên tòa, bị cáo Hòa xác định không đánh vào vùng đầu của người bị hại” (Quyết định số 07/2017/HSST-QĐ ngày 29/9/2017 của TAND huyện Mang Yang về yêu cầu điều tra bổ sung). Mặt khác, các cơ quan tố tụng cũng không làm rõ được cơ chế nào tác động làm cho bị hại bị gãy xương bàn ngón 5 chân trái như trong kết quả giám định mô tả... Từ đó cho thấy sự bất cập trong đánh giá chứng cứ của điều tra viên và kiểm sát viên chưa phù hợp với quy định tại Điều 66 Bộ luật TTHS năm 2003.

     Mặc dù Lê Viết Đồng và Đỗ Thanh Hoài không thừa nhận hành vi dùng cây gỗ đánh vào người Huỳnh Quốc Việt nhưng trong tất cả các bản cung cả hai đều thừa nhận đã ôm bị hại để khống chế hành vi. Theo luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), như vậy có cơ cơ sở để xác định hành vi của Đồng và Hoài là hành vi đồng phạm. Ông Sơn phân tích: “Nếu Lê Viết Đồng không ôm bị hại thì bị can Lê Thị Hòa không có cơ hội để gây án. Chính vì vậy tại các bản cung, Lê Thị Hoà đều khai nhận: “Khi thấy Đồng ôm Việt, tôi bực tức nên đã nhặt một cây ở sân dài khảng 81cm, đường kính 2,5cm chạy đến đánh nhiều nhát vào người của Việt…”; và khi thấy “Việt và Hoài bị ngã xuống đất thì Lê Thị Hòa đi nhặt một đoạn dây sắn rừng màu xanh mang lại nơi Việt đang nằm để trói chân Việt lại”.

      Mặt khác, trả lời câu hỏi của điều tra viên về tư thế ôm ông Việt khi bị can Hòa gây án, Lê Viết Đồng đáp: “Khi chị tôi dùng cây đánh Việt thì tôi đang ôm Việt từ phía sau, mặt của tôi quay vào lưng của Việt, còn mặt của Việt thì quay đối diện với Hòa”. Rõ ràng là trong tình huống này, nếu Đồng có ý định ngăn cản không cho ông Việt đánh bà Hòa thì tại sao không ôm từ phía trước sẽ dễ dàng khống chế ông Việt hơn, trừ phi mục đích của Đồng là giúp sức để bị can Hòa dễ dàng thực hiện hành vi gây án.

      Trong khi đó trước phiên tòa và trong Đơn tố cáo gửi đến các cơ quan có chức năng tố cáo điều tra viên Nguyễn Đình Thống làm sai lệch hồ sơ vụ án, ông DJrung khẳng định nội dung trong bản cung được lập vào lúc 7h ngày 15/9/2016 cho rằng ông không chứng kiến sự việc là không chính xác. Theo ông DJrung, đó là sản phẩm tự biên tự diễn của điều tra viên Nguyễn Đình Thống, sau khi “lừa” ông ký khống vào 3 tờ giấy trắng trong trạng thái có hơi men (sau khi ông đã nhậu cùng với 4 người bạn tại một quán cháo vịt, ở thị trấn Kon Dỡng) vào ngày 13/02/2017. Lý do, vào thời điểm xảy ra vụ án, ông thả bò ở gần đó và đã nghe tiếng kêu cứu của con ông Việt nên ông đã kịp thời có mặt tại hiện trường và chứng kiến có tổng cộng 5 người trong gia đình bà Hòa cùng đánh hội đồng ông Việt.

     Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

     Đó là nhận định của thẩm phán Trương Nam Trung – Chủ tọa phiên tòa đối với vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại làng Đơ Rơn vào 12/5/2016. Sau khi quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần đầu không được Viện trưởng Viện KSND cùng cấp chấp thuận, ngày 29/7/2017, thẩm phán Trung đã ký tiếp Quyết định số 07/2017/HSST-QĐ quyết định yêu cầu điều tra bổ sung lần 2. Nội dung Quyết định cho biết lý do trả hồ sơ: “Xét thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được và có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại điểm a, c, khoản 1 Điều 179 Bộ luật TTHS”.

     Theo đó, trong 2 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, thẩm phán Trương Nam Trung nêu rõ những thiếu sót và vi phạm tố tụng của Cơ quan điều tra: “Trong quá trình điều tra chưa xác định được nguyên nhân, ai gây ra các chấn thương vùng đầu mặt, chấn thương xuất huyết kết mạc mắt phải của người bị hại. Tại phiên tòa bị cáo xác định không đánh vào vùng đầu của người bị hại. Người làm chứng là ông DJrung có lời khai tại phiên tòa có nội dung quan trọng khác với lời khai tại Biên bản ghi lời khai của người làm chứng (BL147), nhưng Biên bản ghi lời khai không có chữ ký của điều tra viên nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án”.

      Trước đó trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần đầu, thẩm phán Trung nhấn mạnh: “Điều tra xác định ngoài bị can Hòa thì còn có ai tham gia gây thương tích cho người bị hại hay không?”.

      Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ án.
                                                                                                

Tác giả bài viết: Minh Trung

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 2.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây