Máy cạp đất do ông Thức thuê san ủi mặt bằng để phi tang hiện trường vào sáng 7/4
Ủy ban nhân dân phường Bùi Thị Xuân nói gì ?
Trước việc Trung tâm PTQĐ thành phố không thừa nhận có sai phạm trong việc áp giá bồi thường, hỗ trợ thực hiện GPMB để thực hiện DA nâng cấp tuyến ĐT639B; chiều 14/3, chúng tôi có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Tường Vi – Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, đơn vị có chức năng xác nhận nguồn gốc tài sản. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Lê Sinh Trọng – cán bộ địa chính phường.
Mở đầu buổi làm việc, bà Vi chủ động thông tin, bà đã nhận đơn tố cáo khẩn cấp của ông Trần Văn Hải (người được cho là bị bồi thường ép trong số 5 hộ gia đình mua đất cùng một thửa đất có nguồn gốc từ ông phạm Khâm mà chúng tôi đã đề cập trong các bài viết trước) và bà đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu để sẵn sàng làm việc với các cơ quan có chức năng, kể cả cơ quan báo chí để làm sáng tỏ mọi chuyện. Bà Vi khảng khái tuyên bố: “Quan điểm của tôi là con người thì “nhân vô thập toàn”, nếu cơ quan có chức năng về kiểm tra mà phát hiện UBND phường làm sai thì tôi sẵn sàng nhận sai để rút kinh nghiệm (phớt lờ chế tài của pháp luật – PV) làm tốt hơn, không có vấn đề gì phải căng thẳng”.
Toàn cảnh nhà ông Thức trước khi được san ủi vào sáng 7/4 để phi tang hiện trường
Đề cập đến trường hợp 5 hộ gia đình mua lại đất có nguồn gốc của ông Phạm Khâm, bà Vi cho biết, UBND phường đã làm đúng quy trình các bước theo quy định pháp luật, công khai, khách quan. UBND phường đã giao cho cán bộ địa chính trực tiếp đi kiểm tra thực tế từng trường hợp để về tư vấn và làm tham mưu cho Hội đồng tư vấn đất đai của phường họp. “Tất cả các trường hợp này, UBND phường đã tổ chức họp xét, thành phần dự họp được cơ cấu đúng theo thành phần quy định, không có bất cứ trường hợp nào mà cán bộ địa chính và Chủ tịch phường xem xét riêng”, bà Vi nhấn mạnh và yêu cầu cán bộ địa chính photo cung cấp cho chúng tôi đầy đủ các giấy tờ có liên quan, đặc biệt là Biên bản “Về việc họp thông qua nguồn gốc sử dụng đất các hộ dân bị ảnh hưởng bỡi DA tuyến đường ĐT 639B”.
Trong một diễn biến khác, sáng 7/4, bất ngờ gia đình ông Thức đã thuê xe cạp đến san ủi các bức tường nhà mới xây dựng và toàn bộ cây bụi có trên thửa đất. Động thái của ông Thức được cho là để trả lại mặt bằng sạch cho đơn vị thi công nhưng rất bất thường vì nó diễn ra sau khi công luận lên tiếng. Theo Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh): “Như vậy có căn cứ để xác định hành vi của vợ chồng ông Thức nhằm để phi tang chứng cứ và trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật. Do đó cơ quan có thẩm quyền cần phải sớm vào cuộc để ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”
Cận cảnh bên trong nhà ông Thức trước khi san ủi
Mặt trước nhà ông Thức trước khi san ủi
Mặt sau nhà ông Thức trước khi san ủi
Hiện trường nhà ông Thức sau khi san ủi trắng sáng 7/4
Tuy nhiên khác với những gì bà Vi nói, toàn bộ quá trình cuộc họp được ghi lại trong Biên bản cuộc họp (được tiến hành vào lúc 8h ngày 06/4/2018 tại trụ sở UBND phường Bùi Thị Xuân, do bà Vi chủ trì) cho thấy không đúng với tinh thần công khai, khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật. Thành phần tham dự cuộc họp có 11 người nhưng trong đó hơn 09 là cán bộ (gồm có Chủ tịch UBMTTQ phường, Trưởng CA phường, Phó CT UBND phường, cán bộ Tư pháp, 03 cán bộ địa chính…); trong khi đó đại diện hộ dân, đối tượng mà người có đất bị thu hồi cần nhất thì chỉ có 2 người (nhưng trong đó có 01 người vắng mặt có lý do).
Nội dung diễn biến cuộc họp cho thấy được thực hiện rất sơ sài và gói gọn trong vòng 3 giờ đồng hồ (8h sáng đến 11 giờ), mặc dù có tới 23 trường hợp đều nằm trong tình trạng có đất và tài sản trên đất chưa được Nhà nước cấp quyền sở hữu. Sự sơ sài còn ở chỗ, tất cả đều thông qua giống như một “lập trình sẵn”: Cán bộ địa chính tóm tắt nguồn gốc tài sản bị thu hồi và cuối cùng kết thúc bằng ý kiến Hội đồng… “thống nhất”; không có ý kiến “không thống nhất” và không có ý phản biện độc lập của người tham dự cuộc họp, dù có cố “soi”. Theo đó trong số 23 trường hợp được thông qua, duy nhất trường hợp hộ ông Trần Văn Hải… có ý kiến Hội đồng: “
Kiểm tra lại thời điểm kết hôn, thời điểm xây dựng nhà sau ngày 01/7/2004”…
Tại buổi làm việc, chúng tôi tiếp tục truy vấn những vấn đề bất thường trong áp giá bồi thường đối với 5 trường hợp nổi cộm có liên quan đến việc mua đất từ hộ ông Phạm Khâm tại tổ 8, khu vực 7. Song, ông Lê Sinh Trọng – cán bộ địa chính phường (người được bà Vi, ủy quyền trực tiếp cung cấp thông tin cho báo chí) phủ nhận toàn bộ trách nhiệm với lý do “UBND phường chỉ có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc, không có quyền tham gia sâu việc áp giá của Trung tâm PTQĐ thành phố”.
Vậy dựa vào đâu để phường xác nhận gia đình ông Thức được bồi thường 121,9m2 đất ở, trong khi thực tế và theo xác nhận của Khu vực trưởng vợ chồng ông Thức đã rời bỏ khỏi thửa đất từ rất lâu? Còn các hạng mục có trên đất không có trong thực tế nhưng vẫn được bồi thường khống (đặc biệt là làm gì có sân trước có lát đá granite với diện tích gần 30m2 để rút ruột Nhà nước gần 20 triệu đồng, cho dù sau khi kiểm kê hộ gia đình có tháo dỡ thì trong vòng nửa năm, cây cối cũng không thể mọc lên um tùm và cao tới gần đầu người như vậy) ?
Trước câu hỏi dồn của PV, ông Trọng lúng túng tiếp tục đẩy hết trách nhiệm về Trung tâm PTQĐ thành phố: “Trong thành phần của Tổ công tác, bồi thường GPMB được cơ cấu đầy đủ các cơ quan có chức năng, do đó đúng sai như thế nào họ không thể không biết…”.
Căn cứ vào Biên bản họp Hội đồng tư vấn đất đai phường nói trên và đối chiếu các tài liệu lưu giữ, ngày 14/5/2018, bà Nguyễn Thị Tường Vi - Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân đã ban hành Văn bản số 77/UBND-ĐC về việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất gửi đến Trung tâm PTQĐ thành phố đề nghị giải quyết các thủ tục bồi thường, hỗ trợ về đất đai theo quy định của Nhà nước hiện hành.
Cần phải làm rõ sai phạm
Đó là tiếng nói của dư luận khi theo dõi loạt bài đăng tải trên báo Kinh doanh & Pháp luật. Trong khi đó, vợ chồng ông Trần Văn Hải bức xúc nói: “Khi nào mọi việc chưa được làm sáng tỏ, thì gia đình tôi kiên quyết chưa bàn giao mặt bằng để Nhà nước thi công”. Để làm rõ những căn cứ pháp lý, chúng tôi đã cuộc trao đổi với LS Lê Hoài Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định):
Luật sư Lê Hoài Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định)
PV: Quan điểm của LS như thế nào khi những người trực tiếp thực hiện cố tình phủ nhận và né tránh trách nhiệm?
Luật sư Sơn: Đến kỳ 3 này, theo tôi đã lộ diện quá rõ các dấu hiệu sai phạm trong công tác kiểm kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ và thực hiện tái định cư do Trung tâm PTQĐ thành phố Quy Nhơn và UBND phường Bùi Thị Xuân thực hiện tại tuyến ĐT639B (đoạn đi qua phường Bùi Thị Xuân). Như vậy có có căn cứ để xác định hành vi “vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015.
PV: Xin LS phân tích rõ hơn ?
Luật sư Sơn: Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB có trách nhiệm lập phương án BT, GPMB, TĐC và phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án BT, GPMB, TĐC theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án BT, GPMB, TĐC tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi…”. Như vậy chịu trách nhiệm chính trong công tác BT, GPMB là Trung tâm PTQĐ thành phố Quy Nhơn, UBND phường Bùi Thị Xuân là đơn vị phối hợp.
Tuy nhiên, diễn biến của quá trình thực hiện tổ chức lấy ý kiến về phương án BT, HT, TĐC (theo báo KD&PL phản ánh) cho thấy UBND phường đã bỏ qua các bước theo quy định pháp luật. Cụ thể là không tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất bị thu hồi; không tổ chức niêm yết công khai phương án BT, HT, TĐC tại trụ sở UBND phường và tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; không tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án BT, HT, TĐC; không tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án BT, HT, TĐC…”, trước khi hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.
PV: Trong vụ việc này, theo LS, sai phạm nghiêm trọng nhất của Trung tâm PTQĐ thành phố và UBND phường Bùi Thị Xuân là ở trường hợp nào ?
Luật sư Sơn: Đó là việc áp giá bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông Trần Xuân Thức. Có thể thấy, họ đã bất chấp quy định của pháp luật, cố tình hiểu sai chính sách bồi thường của UBND tỉnh được quy định tại khoản 7 Điều 12 Quyết định số 13/QĐ/2015/QĐ-UB, để áp giá bồi thường đất ở lên tới 121,9m2, trong khi thực tế chỉ có mỗi móng nhà hình thành từ năm 1996 (sau khi chuyển nhượng lại cho ông Trần Văn Hải còn lại 19,2m2) và vợ chồng ông Thức đã rời bỏ khỏi thửa đất này rất lâu. Như vậy chỉ riêng trường hợp ông Thức, nếu làm rõ đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 500 triệu đồng tiền bồi thường, hỗ trợ và 01 lô đất TĐC trị giá gần 2 tỷ đồng.
Nhà ông Trần Văn Hải là hộ duy nhất trong số 23 hộ bị ảnh hưởng phải GPMB nhưng không được bồi thường đất ở mặc dù có nhà ở được xây dựng trên nền nhà mua lại của ông Thức được xây dựng từ năm 1996 và đang ở thực tế
PV: Cùng một điều kiện như nhau (có nguồn gốc nhận chuyển nhượng đất màu, đều không có một trong các loại giấy tờ theo quy định) nhưng 04 trường hợp thì được bồi thường đất ở và được cấp đất TĐC, còn gia đình ông Hải thì ngược lại. LS có thấy có sự bất thường ?
Luật sư Sơn: Pháp luật giao cho cấp phường, xã được quyền xác nhận nguồn gốc đối với các trường hợp đất không có một trong các loại giấy tờ quy định theo pháp luật nhưng không có nghĩa là cho họ được toàn quyền quyết định, muốn “ban phát” cho ai cũng được. Cụ thể tại Điều 21 Nghị định 43/CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 quy định rất rõ: “
Đối với các trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định theo pháp luật, phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư… nơi có đất”. Có nghĩa là xác nhận của UBND phường, xã chỉ có giá trị để Trung tâm PTQĐ xem xét áp giá bồi thường, hỗ trợ khi có ý kiến của người từng cư trú cùng thời điểm với người có đất yêu cầu xác nhận. Vậy mà trong lúc UBND phường Bùi Thị Xuân chưa thực hiện công đoạn này, Trung tâm PTQĐ thành phố vẫn chấp nhận cho qua là trái quy định pháp luật.
Như vậy toàn bộ những bất thường và những dấu hiệu sai phạm trong công tác kiểm kê, áp giá bồi thường tại tuyến ĐT 639B (mà báo Kinh doanh & Pháp luật đã đề cập trong loạt bài điều tra), trước hết thuộc về trách nhiệm của ông Đỗ Văn Sáng – GĐ Trung tâm PTQĐ thành phố, người đứng đầu của cơ quan có chức năng làm công tác bồi thường, GPMB; tiếp theo là thuộc về trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Tường Vi – Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân, người đứng đầu cơ quan có chức năng xác nhận nguồn gốc tài sản. Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc trong số báo tới.