Về vụ án giết người và gây rối trật tự công cộng xảy ra ở An Nhơn (Bình Định): Có dấu hiệu bỏ sót người, lọt tội  (!?)

Thứ sáu - 20/10/2017 09:55
(Phapluat News) - Diễn biến vụ án và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy có căn cứ xác định vụ án giết người và gây rối an ninh trật tự xảy ra tại xã Nhơn An, thị xã an Nhơn (Bình Định) do TAND tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm có dấu hiệu bỏ sót người, lọt tội…
Báo Kinh doanh & Pháp luật đặt dấu hỏi có hay không bỏ sót người, lọt tội ?
Báo Kinh doanh & Pháp luật đặt dấu hỏi có hay không bỏ sót người, lọt tội ?
   
     Bị cáo: Tôi không giết người
 
     Kết luận số 225/2015/PY-TT ngày 11/12/2015 của Trung tâm Pháp y tỉnh Bình Định cho biết, nguyên nhân Trần Công Thịnh chết là do bị 12 vết đâm trên người, dẫn tới: “Suy hô hấp, suy tuần hoàn do vết thương thấu ngực, đa vết thương”. Bản kết luận đã mô tả rất chi tiết, trong tổng cộng 12 vết thương, có 6 vết thương trên đầu (vùng trán trái; đuôi mày trái; thái dương trái; đuôi mày phải, bầm tụ máu hố mắt phải, xây xát gò má phải; vết thương má phải); 6 vết thương trên mình (ngực trái; vai phải; bả vai trái; xây xát 1/3 dưới cẳng tay phải; mặt ngoài và mặt trong cánh tay trái; xây xát da gối trái). Mổ tử thi vùng thái dương trái thấy vết thương có bờ mép sắc gọn, có độ vát da về phía dưới, bờ trên vuốt, bờ dưới tù, sâu tới xương sọ; vết thương cánh tay trái bờ mép sắc gọn đầu trên vuốt, dưới tù; mổ ngực trái vết thương góc dưới vuốt, góc trên tù, phổi trái xẹp, khoang màng phổi có máu không đông và tụ máu ½ thùy dưới phổi trái.

      Tóm tắt vụ án: Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, vào khoảng 20h ngày 02/12/2015 tại thôn Tân Dương, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định (trước tiệm Internet 949 của chị Nguyễn Thị Sang) đã xảy ra vụ đánh nhau giữa nhóm Nguyễn Hoài Nhựt, Ngô Tuấn Quan với Nguyễn Hoàng Lợi và Nguyễn Hữu Tiến. Vụ án sau đó đã lôi kéo gần 30 thanh niên ở trong và ngoài địa phương cùng tham gia. Hậu quả để lại là cái chết của Trần Công Thịnh, theo các cơ quan tố tụng xác định là do Phan Tấn Đăng gây ra.

    Ngày 14/01/2016, Kết luận số 69/C45 (DD5) của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng cho biết: “Trên con dao có máu của Trần Công Thịnh, không có máu của Nguyễn Hoài Nhựt”. Từ 2 kết luận trên cùng với kết quả điều tra kéo dài hơn 1 năm, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định kết luận Phan Tấn Đăng là hung thủ gây ra cái chết đối với Trần Công Thịnh, theo đó Viện KSND cùng cấp đã quyết định truy tố Đăng tội “Giết người” theo điểm n, khoản 1 Điều 39 BLHS.

    Thế nhưng trước tòa, bị cáo Phan Tấn Đăng một mực kêu oan cho rằng mình chỉ đâm trúng người vào cánh tay và chân, không đâm ở đầu nạn nhân. Lời khai của Đăng trước tòa cũng phù hợp với lời khai của bị cáo trước đó tại kết luận của Cơ quan điều tra: “…sau khi giải vây cho Hải thì Đăng đâm một thằng trúng ở hai tay”. Sau đó tại trước tiệm Internet Hà Tiên (Phước Hưng), Đăng lấy ra một con dao dài 25cm, loại dao gấp, chỉ vào dấu máu còn dính ở trên dao và “nói với cả nhóm là đã dùng dao này đâm hai người trúng ở chân và tay lúc đánh nhau”. Bị cáo Phan Văn Trung cũng thừa nhận chỉ nghe Đăng kể lại là đâm trúng có mấy nhát vào người nạn nhân.

     Luật sư Hồ Khá – người bào chữa cho bị cáo Đăng cho rằng, lời khai của các bị cáo trước HĐXX còn nhiều mâu thuẫn, không thống nhất. Bị hại bị tử vong là do bị 12 vết thương trên người, không thể một mình bị cáo Đăng gây ra được trong đêm tối. Trong khi đó không có bằng chứng nào cho thấy giữa bị cáo và bị hại có mâu thuẫn nhau khiến cho bị cáo phải cố sát để trả thù. Theo luật sư Khá, cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm mà đó là tội phạm chính, còn bị cáo Đăng chỉ là đồng phạm gây ra cái chết của bị hại. “Do đó cần phải điều tra bổ sung để làm sáng tỏ các tình tiết còn hoài nghi trước khi đưa ra xét xử để tránh truy tố người bị oan, bỏ lọt tội phạm” - LS Khá đề nghị nhưng không được HĐXX chấp nhận.
 
     Còn nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ (?!)
 
     Về chi tiết Phan Tấn Đăng đâm nhiều nhát vào người Trần Công Thịnh, Cáo trạng số 01/QĐ-KSĐT ngày 22/12/2016 của Viện KSND tỉnh Bình Định mô tả: “… lúc này, Đăng chạy đến đứng phía sau lưng Thịnh và dùng tay phải đang cầm dao đâm nhiều nhát vào vùng vai và tay phải của Thịnh và dùng tay phải đang cầm dao đâm nhiều nhát vào vùng vai và tay phải của Thịnh; Thịnh bị đâm thì liền quay người lại đứng đối diện, hơi chếch về phía tay phải của Đăng, dùng tay trái chụp nắm cổ áo Đăng giựt mạnh và dùng tay phải đánh vào vùng cằm, cổ nên Đăng la lớn: “Thả tao ra !” đồng thời dùng dao tiếp tục tiếp tục đâm nhiều nhát vào vùng vai bên trái và ngực trái của Thịnh; bị đâm trúng nhiều nhát vào người nên Thịnh buông tay thả Đăng ra. Rồi sau đó Đăng cầm dao bỏ đi…”.
                                 
                                            Cáo trạng của VKS và Kết luận CSĐT có nội dung trái ngược nhau

     Trong khi đó tại Kết luận số 26/KLĐT ngày 29/7/2016 của Cơ quan CSĐT Công an Bình Định mô tả: “… khi Đăng chạy đến thì thấy Hải đứng sát hàng rào lưới B40, Thịnh đứng sát bên cạnh Hải. Đăng đứng cách Thịnh và Hải khoảng 1m. Thịnh tiến đến đứng ở phía đối diện, hơi chếch về phía tay phải của Đăng giằng giựt mạnh qua lại và dùng tay phải đánh trúng vào vùng cằm, cổ trái của Đăng. Đăng bảo Thịnh thả ra nhưng Thịnh vẫn tiếp tục giằng giựt mạnh cổ áo Đăng. Đăng dùng dao vẫn đang cầm ở tay phải đâm nhiều nhát trúng vào người Thịnh làm Thịnh buông Đăng ra. Đăng bỏ đi…”
 
     Như vậy kết luận của CSĐT không có các tình tiết Đăng dùng dao từ phía sau đâm nhiều nhát vào vùng vai và tay phải của Thịnh; và cũng không có tình tiết đâm nhiều nhát vào vùng vai bên trái và ngực trái của Thịnh như mô tả trong cáo trạng của VKS. Đặc biệt là bị cáo chỉ gây án khi bị hại nắm cổ áo bị cáo giằng giựt mạnh không chịu buông ra chứ không phải chủ động từ trước. Đáng lưu ý là, cả hai văn bản đều không thấy có tình tiết nào mô tả bị cáo Đăng đâm nhát dao nào vào đầu của bị hại. Nếu dựa vào kết luận của Cơ quan điều tra thì rõ ràng là cái chết của bị hại không thể do một mình bị cáo Đăng gây ra.
                                                         
                                 Trước khi gây án bị cáo Đăng bị tổn thương cơ thể 45% (trong đó tổn thương sọ 40%)
 
Luật sư Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư Bình Định): “Trước khi gây án, bị cáo Phan Tấn Đăng là bị hại trong một vụ án (xảy ra trước đó hơn 1 năm) bị dập não, tụ máu, vỡ lún xương sọ phải phẫu thuật lấy bỏ xương lún để lại khuyết sọ đáy phập phồng kích thước 3,8cm x 5,4cm. Kết luận giám định pháp y cho biết Phan Tấn Đăng bị tổn thương cơ thể 45%, trong đó tổn thương phần đầu là 40%. Tại thời điểm Đăng gây án trên phần đầu vẫn chưa phẫu thuật đặt lại xương sọ, bị cáo đang bị bị hại đánh vào cằm vào cổ, và giựt mạnh cổ áo. Do đó không loại trừ yếu tố bị cáo Đăng giết người (nếu có) là trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thế nhưng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bỏ qua tình tiết rất quan trọng này. Nếu tình tiết này được HĐXX xem xét thì tội danh giết người đối với bị cáo Đăng sẽ bị truy tố theo Điều 95 BLHS mới thỏa đáng”.
 
     Liên quan đến cái chết của bị hại, cả Kết luận của CSĐT và Cáo trạng của VKS đều cho biết: Để giải vây cho Hải đang bị Thịnh ôm giữ, Phan Minh Trung đã cầm hai tay 2 cục đá, một cục ném trúng Thương, Thương ôm đầu bỏ chạy. Cục đá còn lại, Trung đánh 2-3 cái vào vùng trán và đuôi mắt của Thịnh. Điều đó có thể hiểu cái chết của bị hại không thể không có liên quan đến hành vi của Phan Minh Trung tác động. Song các cơ quan tố tụng chỉ truy tố bị cáo Trung với tội danh: “Gây rối trật tự công cộng”, và được HĐXX cho hưởng mức án 9 tháng tù treo (!?)

     Trong khi đó, kết quả mổ tử thi bị hại cho thấy ở vùng thái dương trái của bị hại có vết thương bị đâm “sâu tới xương sọ”, bờ mép vết thương “sắc gọn có độ vát da về phía dưới, bờ trên vuốt, bờ dưới tù”. Có nghĩa là vết thương được tạo ra không phải chỉ do cục đá của Phan Minh Trung tác động vào mà là do một vết dao của một hung thủ giấu mặt đâm chí mạng vào trán của bị hại. Cần lưu ý là, tang vật của vụ án thu giữ, ngoài một con dao gấp dài 25cm bằng kim loại màu sáng trắng, mũi dao nhọn, phần rộng nhất lưỡi dao 2cm, lưỡi dài 13cm (được cho là của bị cáo Phan Tấn Đăng), tại hiện trường Cơ quan điều tra còn thu giữ có tổng cộng 11 hung khí. Trong đó có 07 hung khí bằng kim loại, gồm 03 cái rựa; 02 cây mã tấu tự tạo; 01 thanh kim loại; và 01 con dao bằng kim loại, kiểu xếp dài 13cm, dao có màu đen, xám kiểu cạp nong, mũi dao nhọn… Vụ án xảy ra trong đêm tối (từ lúc 20h ngày 02/12/2015 và kết thúc cùng ngày) với chừng ấy hung khí và có hơn 20 thanh niên tham gia, trong đó có 6 bị cáo chính thức bị truy tố trước pháp luật. Do đó không loại trừ ngoài Phan Tấn Đăng trực tiếp đâm bị hại còn có đồng phạm, thậm chí là hung thủ chính như luật sư Hồ Khá đã tranh luận với đại diện VKS trước HĐXX.

    Ngay cả cha của bị hại, đến phiên tòa xét xử chính thức (lần thứ 3), ông Trần Văn Tuấn cũng không thể nào tin được một mình bị cáo Đăng là hung thủ gây ra cái chết oan uổng đối với con trai ông. “Tôi đề nghị HĐXX phải làm sáng tỏ nghi vấn, sau khi đâm Thịnh, bị cáo Đăng có đưa dao cho bị cáo Phan Minh Trung, Nguyễn Đình Hải hay một hung thủ nào đó đâm nhiều nhát vào người con trai tôi ?” – ông Tuấn hoài nghi nói.

    Do không đủ căn cứ để buộc tội “Giết người” đối với bị cáo Đăng nên HĐXX đã xác nhận: “Tòa án đã 02 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung đề nghị làm rõ nhưng VKS không chấp nhận mà vẫn giữ nguyên quyết định truy tố. Do đó, HĐXX không có đủ căn cứ để xác định 12 vết thương là do bị cáo Đăng gây ra…” (trích nhận định của HĐXX tại Bản án số 32/2017/HSST ngày 15/9/2017). Nhận định như vậy nhưng chính HĐXX lại mâu thuẫn khi cho rằng nguyên nhân dẫn tới cái chết của bị hại là do Phan Tấn Đăng gây ra nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS với khung hình phạt 12 năm tù.

     Được biết bị cáo Đăng đã làm đơn kháng cáo kêu oan lên cấp phúc thẩm.
 
Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định): “Theo kết luận của Cơ quan CSĐT có gần 30 đối tượng tham gia vụ án, trong đó có ít nhất một nửa trong số đó trực tiếp có hành vi gây rối trật tự công cộng. Thế nhưng ngoài bị cáo Phan Tấn Đăng bị truy tố về tội Giết người, và 5 đối tượng gồm Nguyễn Hoài Nhựt, Ngô Tuấn Quan, Nguyễn Đình Thương, Nguyễn Hữu Tiến và Phan Minh Trung bị truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng; các đối tượng còn lại không bị các cơ quan tố tụng có biện pháp chế tài nào, kể cả xử lý hành chính. Như vậy là không thỏa đáng, có dấu hiệu bỏ sót người lọt tội, không đủ tính răn đe phòng ngừa tội phạm”

Tác giả bài viết:  TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây