Ảnh: Ông Long không thể ngồi trò chuyện với hàng xóm lâu được vì bệnh huyết áp cao sau những năm ngồi tù. Trong ảnh: bà Mai đang chăm sóc cho chồng khi ông Long thấy chóng mặt - Ảnh: NAM TRẦN/ báo Tuổi Trẻ
Nội dung vụ án Hàn Đức Long:
Bốn bản án tuyên tử hình đều bị hủy để điều tra lại
Qua thông tin trên báo chí, được biết như sau:
Khoảng 19h ngày 16/5/2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đi làm về thì phát hiện con gái mình là cháu Nguyễn Thị Yến (SN 2000) bị mất tích.
Sáng hôm sau, thi thể cháu Yến được tìm thấy ở ngoài đồng, với nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng bị hiếp dâm.
Cơ quan công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, để điều tra, truy tìm thủ phạm.
Sau 4 tháng điều tra, Cơ quan cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vẫn không xác định được ai là nghi phạm, nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời phát động quần chúng tố giác tội phạm.
Thời gian này, gia đình hàng xóm bà Ngô Thị Khuyến đã viết đơn tố cáo ông Hàn Đức Long từng hiếp dâm hai mẹ con mình. Đồng thời tố giác ông Long cũng chính là hung thủ hiếp dâm cháu Yến.
Từ tố giác này, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giam ông Hàn Đức Long để điều tra.
Hồ sơ vụ án thể hiện trong quá trình hỏi cung, ông Hàn Đức Long khai nhận mình đã hiếp dâm rồi giết cháu Yến.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang sau đó ra ra cáo trạng, truy tố Hàn Đức Long về hai tội danh: hiếp dâm trẻ em và giết người.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần 1), TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên Hàn Đức Long án tử hình.
Tiếp đó, TAND Tối cao xử phúc thẩm (lần 1) tuyên y án.
Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND xử Giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm nói trên để điều tra lại từ đầu.
Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long.
Như vậy, tới năm 2011 đã có 4 bản án tuyên tử hình đối với ông Hàn Đức Long.
Cuối năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TAND xử Giám đốc thẩm lại ra quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hàn Đức Long.
Vụ án được giao cho cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang điều tra lại một lần nữa.
Từ thời điểm này, có tin nói Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đơn thư kêu oan của vợ ông Hàn Đức Long, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội và căn cứ ngoại phạm được các luật sư đưa ra.
Mặc dù cơ quan CSĐT công an tỉnh Bắc Giang đã phải điều tra bổ sung tới lần thứ 7, nhưng bản Kết luận điều tra bổ sung ngày 4.4.2016 của cơ quan này đã bị VKSND tỉnh Bắc Giang đã trả lại.
Đến thời điểm tháng 6/2016, Công an tỉnh Bắc Giang vẫn không tìm ra được chứng cứ mới.
Trong tháng 6/2016, cơ quan cảnh sát điều tra đã đưa ông Hàn Đức Long về trại giam T6 của Bộ Công an, phối hợp cùng công an tỉnh Bắc Giang làm rõ một số nội dung chưa rõ.
Tháng 12/2016: được đình chỉ vụ án, trả tự do
Sau gần 6 tháng thẩm tra lại các chứng cứ buộc tội, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đi đến thống nhất dẫn đến kết quả làm THAY ĐỔI TOÀN DIỆN vụ án Hàn Đức Long.
Chiều muộn ngày 20/12/2016, công an tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp đưa ông Long từ trại giam T6 về tận nhà riêng. Dù đã cảm nhận từ trước, nhưng khi ông Long về đến nhà vẫn khiến cả gia đình ông òa vỡ hạnh phúc, tràn đầy nước mắt và sự bất ngờ của hàng xóm.
..............
Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:
1. Tối muộn ngày hôm qua 20/12/2016, tôi vào mạng xã hội Facebook và đọc thấy tin tử tù Hàn Đức Long được trả tự do, đình chỉ vụ án - từ nhiều nhà báo, luật sư đồng nghiệp. Trong đó có trang của luật sư Ngô Ngọc Trai, người đã rất nặng lòng và dành nhiều tâm huyết hỗ trợ kêu oan cho ông Hàn Đức Long. Tất nhiên, tôi cảm thấy thật xúc động, và vui, rất vui, như tất cả mọi người. Những thông tin, hình ảnh về cảnh ông Hàn Đức Long về tới nhà, trong vòng tay, niềm vui và nước mắt của chính ông, và người thân ... chắc chắn sẽ khiến cho những người "yếu mềm" rưng rưng mừng tủi. Xin được gửi lời chia vui đến gia đình ông Hàn Đức Long, đến những luật sư đồng nghiệp trực tiếp tham gia vào vụ án này. Nếu nói ông Hàn Đức Long là "người trở về từ cõi chết" cũng không hẳn là quá.
2. Ngoài lề, tôi cũng thấy có nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhân đó comment hỏi tin trên facebook về tử tù Hồ Duy Hải, liệu có ngày ấy cho Hồ Duy Hải hay không? Làm tôi không sao ngồi yên được, phải đứng lên đi đi lại lại trong nhà, chợt nghĩ đến gia đình Hồ Duy Hải, nhớ cũng những ngày này cách nay gần một năm cận tết âm lịch, chị Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) bất ngờ gọi điện cho tôi, nói "gia đình vừa vào thăm Hải. Hải nó buồn, hỏi "sao chủ tịch nước lâu minh oan cho con vậy?", nói "Hải nó biết tin vụ Huỳnh Văn Nén, nói "ông Nén còn có người ra nhận tội, còn con thì không". Rồi chị Loan khóc, nói "tôi buồn quá nên gọi cho luật sư. Luật sư thông cảm cho tôi". Hầu như rất hiếm khi chị Loan gọi điện như vậy, mà thường người gọi là chị Rưỡi (dì ruột). Chắc giờ này gia đình họ cũng không thể nào ngồi yên được rồi.
3. Về mặt tố tụng, tôi được biết ngoài việc được trả tự do, ông Hàn Đức Long còn được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang quyết định "đình chỉ vụ án" và "yêu cầu công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật". Đây là trường hợp đình chỉ vụ án do "hành vi không cấu thành tội phạm" - quy định tại Khoản 2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự (năm 2003). (xem điều luật bên dưới)
4. Như vậy, nói một cách khác, đã có thể khẳng định VKSND tỉnh Bắc Giang, có thể theo sự "chỉ đạo" từ cơ quan cấp trên, sau khi đã thống nhất, nay xác định ông Hàn Đức Long đã bị kết án oan, sai. Trời ơi, một người từng bị tới 4 bản án kết án tử hình vì phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em - mà nay được minh oan, khẳng định không phạm tội. Quá mừng, nhưng quả thật là ... kinh khủng và khó tưởng tượng! Kinh khủng cho ông Hàn Đức Long và gia đình ông, cho niềm tin của người dân nhìn vào "tài" cầm cân nảy mực của Tòa án tỉnh Bắc Giang, của cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang trước đây, trong vụ án này.
5. Có 2 điểm khác biệt và đáng chú ý trong việc đình chỉ vụ án Hàn Đức Long, nếu so với các trường hợp nổi tiếng không kèm trước đó - là trường hợp của các ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén. Đó là:
- Tuy họ đều cùng được đình chỉ vụ án, xác định không phạm tội - nhưng ông Chấn và ông Nén trước đó chỉ bị tuyên án "chung thân", trong khi ông Hàn Đức Long bị tuyên "tử hình". Như vậy ông Hàn Đức Long có lẽ là TỬ TÙ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC ĐÌNH CHỈ VỤ ÁN trong lịch sử tố tụng hình sự ở Việt Nam.
- Đặc biệt, trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén, đều đã tìm ra thủ phạm thực sự trước khi được đình chỉ vụ án, minh oan. Còn trong vụ án Hàn Đức Long, với kết quả như hiện tại, có thể thấy thủ phạm thực sự vẫn chưa xác định được là ai. Kẻ đó đã và đang bị "lọt" ngoài xã hội.
6. Theo đó, một câu hỏi không thể không đặt ra, là một khi đã xác định được ông Hàn Đức Long không phải là thủ phạm, thì với việc "đình chỉ vụ án", không tiếp tục điều tra, phải chăng là các cơ quan tiến hành tố tụng chính thức chấp nhận "chịu thua", chấp nhận để thoát người, lọt tội? Nếu vậy thì cũng thật là đau lòng và bất công cho gia đình nạn nhân quá.
7. Nhưng bất luận thế nào, theo tôi, trong bối cảnh như vậy, việc VKSND tỉnh Bắc Giang quyết định đình chỉ vụ án cũng là một sự dũng cảm và tôn trọng pháp luật rất đáng nể - theo nguyên tắc nếu không có đủ chúng cứ buộc tội, thì phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, có lợi cho bị can, bị cáo. Chứ không phải và không thể cố ép, cố buộc tội, kết tội cho bằng được. Bất chấp hậu quả có thể bị oan, sai.
8. Đến đây, tôi lại thấy thương và xốn xang cho thân phận tử tù Hồ Duy Hải, người đã và đang kêu oan suốt nhiều năm qua. Người đã bị điều tra, truy tố và xét xử một cách không khách quan, với hàng loạt sai phạm, vi phạm về tố tụng - mà chính các cơ quan tiến hành điều tra đã thừa nhận. (Nhưng vẫn không chấp nhận giám đốc thẩm, điều tra, xét xử lại). Tôi thầm mong và có thêm một chút hy vọng.
...........
Quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự (2003):
Điều 169. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án
1. Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự.
2. Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong những trường hợp sau đây:
a) Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y;
b) Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.
3. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
4. Trong trường hợp quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát cấp dưới không có căn cứ và trái pháp luật, thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền huỷ bỏ quyết định đó và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định truy tố.
Điều 107. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Tác giả bài viết: Ls Trần Hồng Phong
Nguồn tin: Bình Luận Án
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn