Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo luật hình sự hiện hành, trong bối cảnh luật mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) không còn tội danh này (ảnh trên báo Giáo dục VN)
Tự ý chỉ đạo PVN góp 800 tỷ đồng vào OceanBank
Cụ thể, theo báo Tuổi Trẻ, được biết như sau:
- Năm 2006, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được thành lập mới một ngân hàng cổ phần dầu khí, trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ. PVN đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm một số trang thiết bị để thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, năm 2008 PVN không tham gia vào việc thành lập ngân hàng này nữa mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
- Ông Đinh La Thăng - chủ tịch HĐQT PVN giai đoạn từ 2008 đến 2011 - đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát OceanBank, phương án góp vốn cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc góp vốn vào ngân hàng này.
- Ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT OceanBank) việc góp vốn vào ngân hàng này, đồng thời ông Đinh La Thăng cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định. Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng cũng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào OceanBank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% vốn điều lệ OceanBank.
- Dù được Hội đồng thành viên và thư ký báo cáo về việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn.
Bản Kết luận điều tra xác định: Việc ông Thăng làm trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho PVN tại OceanBank. Do vậy, ông Đinh La Thăng đã có dấu hiệu phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" - theo điều 165 Bộ luật hình sự hiện hành (bộ luật năm 1999).
Trong vụ án này, cùng ông Đinh La Thăng còn có 6 bị can khác, bị đề nghị truy tố các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Bị đề nghị truy tố "thần tốc" nhưng liệu có "giơ cao đánh khẽ"?
Ngày 8/12/2017, ông Đinh La Thăng đã bị Cơ quan điều tra Bộ công an bắt tạm giam. Ngay trong ngày và trước đó, ông bị khởi tố bị can, đình chỉ sinh hoạt đảng, cho thôi Đại biểu QH.
Với việc có bản Kết luận điều tra vào ngày 20/12/2017, cho thấy chỉ sau 12 ngày bị khởi tố và bắt tạm giam, cơ quan điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Thăng.
(Ghi chú: Theo trình tự tố tụng, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển sang Viện kiểm sát cùng cấp để lập thành Cáo Trạng đưa ra truy tố, sau đó tiếp tục chuyển hồ sơ sang Toà án để đưa ra xét xử". Đây là một "kỳ tích" thần kỳ chưa từng thấy trong lịch sử tố tụng hình sự tại Việt Nam. Đồng thời thể hiện nhiều điểm bất ngờ, thậm chí đáng quan ngại! (vì gấp quá rất dễ thiếu sót, theo tôi). Trên thực tế, rất nhiều vụ án cả năm trời vẫn chưa hoàn tất Kết luận điều tra, nhiều lần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tuy nhiên, do ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố theo Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, trong khi tại Bộ luật hình sự mới (năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017) lại không còn tội danh này nữa, mà luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 tới đây - nên nếu tới ngày 1/1/2018 tới đây chưa có Cáo trạng, chưa đưa ra xét xử - thì điều luật 165 sẽ không còn để mà truy tố, xét xử ông Đinh La Thăng nữa.
(Xem mục lục các điều luật bên dưới).
Trong Bộ luật hình sự mới (2015) cũng không có tội danh tương ứng với tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" - theo điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Thuộc nhóm "các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế".
Trong khi đó, tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự mới (năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) về "hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian" quy định như sau:
"3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành".
Quy định trên là một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật hình sự nói chung. Đó là nguyên tắc áp dụng tình tiết CÓ LỢI cho bị can, bị cáo - khi có sự thay đổi về pháp luật.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 20/6/2017, Quốc Hội ban hành Nghị quyết số: 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết, về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định như sau:
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
Hiểu một cách đơn giản, là nếu một người có hành vi có dấu hiệu phạm tội theo luật cũ, nhưng nay theo luật mới thì hành vi đó không còn bị xem là hành vi phạm tội nữa, thì điều luật mới sẽ được áp dụng cho người đó. Tức là ông Đinh La Thăng sẽ được áp dụng theo Bộ luật hình sự mới. Tức sẽ không bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" nữa - vì trong luật hình sự mới không còn tội danh này.
Với diễn biến như hiện nay, theo đánh giá sơ khởi và chủ quan của tôi, nhiều khả năng ông Đinh La Thăng sẽ được áp dụng tình tiết mới về luật, và "có lợi" như nói trên. Trừ khi là vụ án sẽ được đưa ra xét xử chỉ trong vài ngày tới (trước ngày 1/1/2018). Theo đánh giá của tôi, khả năng này hầu như là không tưởng, vì hiện chưa có Cáo trạng của Viện kiểm sát, Toà chưa nghiên cứu hồ sơ, luật sư chưa tiếp cận hồ sơ - chỉ còn thời gian 1 tuần, thì làm sao mà kịp đưa ra xét xử? Do vậy, liệu có khả năng đây là một trường hợp "giơ cao đánh khẽ" chăng?
Trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, trường hợp một nguyên Uỷ viên Bộ chính trị bị truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa có tiền lệ. Do vậy, hãy cùng chờ xem diễn biến tiếp theo của vụ án này sẽ hấp dẫn và kịch tính ra sao.
Ps. Tất nhiên nếu ông Đinh La Thăng bị xem xét, truy cứu về những sai phạm khác, tội danh khác thì sẽ là một câu chuyện khác.
* Quy định tại Bộ luật hình sự mới (2015, sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực từ 1/1/2018)
(không có tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng):
Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
....
Mục lục
Chương XVIII
CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
Mục 1. CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT, KINH DOANH, THƯƠNG MẠI
Điều 188. Tội buôn lậu
Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi
Điều 196. Tội đầu cơ
Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
Điều 198. Tội lừa dối khách hàng
Điều 199. Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
Mục 2. CÁC TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC THUẾ, TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG, CHỨNG KHOÁN, BẢO HIỂM
Điều 200. Tội trốn thuế
Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Điều 202. Tội làm, buôn bán tem giả, vé giả
Điều 203. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
Điều 204. Tội vi phạm quy định về bảo quản, quản lý hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
Điều 205. Tội lập quỹ trái phép
Điều 206. Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Điều 207. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Điều 208. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác
Điều 209. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán
Điều 210. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán
Điều 211. Tội thao túng thị trường chứng khoán
Điều 212. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán
Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
Điều 214. Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Điều 215. Tội gian lận bảo hiểm y tế
Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Mục 3. CÁC TỘI PHẠM KHÁC XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ
Điều 217. Tội vi phạm quy định về cạnh tranh
Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí
Điều 220. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 221. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 223. Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 224. Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Điều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai
Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai
Điều 230. Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Điều 231. Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ
Điều 232. Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
Điều 233. Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng
Điều 234. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã
.......
* Tại Bộ luật hình sự năm 1999 có tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng":
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.