Tranh chấp QSDĐ tại phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn): Có cơ sở để xác định đất có nguồn gốc do gia đình ông Khoa khai hoang tạo lập  

Thứ năm - 06/09/2018 22:17
(PhapluatNews) - Sau hơn 40 năm khai hoang tạo lập và đưa vào khai thác liên tục, ổn định, thửa đất lâm nghiệp của gia đình ông Khoa bất ngờ bị nhiều chủ thể tranh chấp. Để bảo vệ quyền lợi của gia đình, ông Khoa đã liên tục làm đơn khiếu nại, chính quyền địa phương đã nhập cuộc nhưng đối tượng tranh chấp phớt lờ, bất chấp quy định của pháp luật…
Tranh chấp QSDĐ tại phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn): Có cơ sở để xác định đất có nguồn gốc do gia đình ông Khoa khai hoang tạo lập  
                                 
Mặc dù đất chưa được công nhận hợp pháp nhưng 2 chị em bà Hồng đã coi thường pháp luật ngang nhiên bê tông hóa mặt bằng, xây dựng hoàn thành các kiot để kinh doanh dịch vụ ăn uống.
 
     Bỗng dưng… bị tranh chấp
 
     Theo lời trình bày của ông Võ Hồng Khoa, ở tổ 18, KV4, phường Ghềnh Ráng, năm 1976, cha ông là Võ Hồng Thanh cùng gia đình đã bỏ công sức ra khai hoang vỡ hóa tạo lập nên một thửa đất lâm nghiệp rộng gần 400m2, nằm ở sườn núi thuộc khu vực 3, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn và đưa vào trồng bạch đàn, hoa màu nhằm để cải thiện kinh tế gia đình. Thửa đất có giới cận, phía Đông giáp hàng rào kẽm gai của Xí nghiệp Vật tư lâm sản; phía Tây giáp đất rẫy của ông Nguyễn Xướng và bà Sáu Nghi; phía Bắc giáp đất rẫy của ông Tưởng và ông Mười Xin.
 
     Lời trình bày của ông Khoa phù hợp với xác nhận của các nhân chứng sống lâu năm ở tại địa phương (vào ngày 24/5/1996): ông Phan Thanh Thế, Nguyễn Xuân Hiếu, Phạm Hùng Tấn Long, Đặng Thị Lương. Trong đó đáng lưu ý là xác nhận của 2 hộ có đất rẫy liền kề: ông Nguyễn Xướng có đất rẫy giáp liền về phía Tây; và ông Nguyễn Tưởng, giáp liền về phía Bắc.
                    
 Chữ ký của ông Nguyễn Xướng lúc còn sống (năm 1996) xác nhận ranh giới đất của gia đình ông Khoa giáp liền với đất của ông về phía Tây
  
        Từ đó gia đình ông liên tục canh tác và quản lý sử dụng thửa đất đó. Bằng chứng là trên thửa đất vẫn còn nhiều gốc bạch đàn khai thác, có đường kính bình quân 30cm. Cho đến cuối năm 1995 (19 năm sau), lúc này cha ông bị đau nặng, việc quản lý thửa đất không thường xuyên. Lợi dụng, vợ chồng ông Dương Viết Hòa và bà Trần Thị Mai Điểu ở tổ 13, KV5, phường Ghềnh Ráng đã “nhảy dù” vào thửa đất ngang nhiên dọn dẹp lại mặt bằng để trồng cây màu. Tranh chấp giữa 2 bên xảy ra, UBND phường Quang Trung đã tiến hành hòa giải nhưng bất thành…
                       

“Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” (khoản 1 Điều 208 Luật Đất đai 2013)

     Trong lúc vụ tranh chấp còn dở dang, thì vào tháng 5/2018, thửa đất nằm ở sườn núi của gia đình ông Khoa lại phát sinh “sóng gió” mới. Vin vào lý do đất có nguồn gốc cha mẹ mua lại của người khác có giới cận kéo dài về phía Đông giáp liền với Xí nghiệp Lâm sản Bông Hồng, hai chị em bà nên bà Nguyễn Thị Sanh (ở 07 La Văn Tiến, TP. Quy Nhơn) và Nguyễn Thị Hồng (tổ 20, KV4, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn) đã mặc định quyền sử dụng đất của mình bao gồm cả phần đất của gia đình ông Khoa. Theo đó mặc dù đất chưa được Nhà nước công nhận hợp pháp, hai chị em bà Hồng, bà Sanh đã ngang nhiên thuê máy đào, máy xúc… cấp tập san ủi mặt bằng giữa thanh thiên bạch nhật, đầu tư xây dựng và đưa vào kinh doanh nhà hàng Bếp Nhà ngay giữa lòng thành phố Quy Nhơn, bất chấp quy định của pháp luật và xem thường chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan có chức năng và chính quyền địa phương.
 

       Ông Đinh Như Đồng – cán bộ Địa chính, xây dựng phường Ghềnh Ráng: “Phần đất tranh chấp giữa hai hộ thuộc một phần thửa đất số 29, tờ bản đồ số 24, đo vẽ năm 2001, loại rừng sản xuất, tổng diện tích 26.348,1m2, không có tên chủ sử dụng

     Có cơ sở bác đơn tranh chấp (!)

     Diễn biến của quá trình giải quyết tranh chấp cho thấy có căn cứ xác định thửa đất có nguồn gốc do gia đình ông Khoa tạo lập từ năm 1976.
 
     Tại Biên bản cuộc họp tham gia ý kiến về tranh chấp đất đai giữa hộ ông Võ Hồng Khoa với vợ chồng ông Dương Viết Hòa và bà Trần Thị Mai Điểu được UBND phường Quang Trung (lúc này chưa tách phường) lập ngày 6/6/1996, dưới sự chủ trì của ông Trần Anh Sơn – cán bộ Tư pháp phường, có 13 nhân chứng tham dự thì trong đó đã có 12 nhân chứng xác nhận thửa đất đang tranh chấp là của ông Võ Hồng Thanh, còn gọi là ông Chấn (cha ruột của ông Võ Hồng Khoa) khai phá tạo lập từ năm 1976. Tuy nhiên từ đó cho đến nay, vợ chồng ông Hòa bà Điểu không còn tranh chấp, khiếu nại với gia đình ông Khoa.
 
     Ngày 02/8/2018, UBND phường Ghềnh Ráng tổ chức hòa giải việc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa ông Võ Hồng Khoa với bà Nguyễn Thị Sanh và bà Nguyễn Thị Hồng. Buổi hòa giải do ông Vũ Huy Hảo - PCT UBND phường chủ trì, có sự tham gia của đầy đủ các ngành có chức năng liên quan (Tư pháp, Địa chính - xây dựng, Văn phòng – thống kê, Tài chính kế toán, Mặt trận, HĐND, Hội CCB, Dân vận, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân). Buổi hòa giải bất thành, thế nhưng các thành viên tham dự cuộc họp cũng đã ghi nhận phần đất đang tranh chấp đã được xác nhận của các nhân chứng từ năm 1996, ranh giới thửa đất của ông Khoa tạo lập năm 1976 giáp liền với đất rẫy ông Xướng về phía Tây. Đặc biệt trong số các nhân chứng xác nhận năm đó, có xác nhận của ông Nguyễn Xướng. “Ông Xướng là cha của chị Hồng, chị Sanh. Ông Xướng là chủ lô đất giáp cận và ông đã ký vào đơn của anh Khoa” – ông Đinh Như Đồng, cán bộ địa chính phường lưu ý.

       Trả lời PV qua điện thoại (sáng 25/8) về việc gia đình bà Hồng ngang nhiên xây dựng nhà hàng để kinh doanh dịch vụ ăn uống trên đất chưa được công nhận quyền sử dụng tại khu vực 3, phường Ghềnh Ráng, ông Nguyễn Văn Thành – Đội trưởng Đội Trật tự đô thị TP. Quy Nhơn cho biết: “…UBND phường Ghềnh Ráng đã ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của gia đình bà Hồng, bà Sanh gần 20 ngày nay rồi. Còn thời gian cưỡng chế cụ thể tôi không nhớ cụ thể”. Để có thêm thông tin, PV đã kết nối điện thoại với ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng nhưng ông Thiện tắt máy.                                 

Và Giấy sang nhượng đất hoa màu của ông Xướng lập 19/02/2005 (có chữ ký của 2 chị em bà Hồng và bà Sanh) thừa nhận ranh giới đất ở phía Đông giáp với đường cái đi, chứ không phải bao trùm lên phần đất ông Khoa.
 
       Bà Hồng và bà Sanh viện dẫn, phần đất tranh chấp là của ông Nguyễn Xướng (cha ruột) mua lại của ông Đặng Nhất vào năm 1989, có ghi rõ giới cận phía Đông giáp liền với đường cái gần Xí nghiệp Bông Hồng (tức bao trùm lên cả phần đất của gia đình ông Khoa tạo lập). Tuy nhiên rất có thể khi mua bán, ông Nhất đã có sự nhầm lẫn, nên tại Giấy sang nhượng đất hoa màu cho 2 đứa con gái là bà Hồng và bà Sanh (lập ngày 19/02/2005), ông Xướng đã chủ động “đính chính” giới cận phía Đông của thửa đất mua lại của ông Nhất giáp liền đường cái đi (chứ không phải giáp với đường cái gần Xí nghiệp Bông Hồng). Giấy sang nhượng này không những có chữ ký của vợ chồng ông Xướng và những người làm chứng gồm ông Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Thi và Nguyễn Thành; mà còn có cả chữ ký của bên nhận sang nhượng là bà Hồng, bà Sanh (?!)
 
     Từ sự phân tích trên, theo Luật gia Trương Việt Kon Tum – Hội Luật gia tỉnh Bình Định, có cơ sở để cấp có thẩm quyền thụ lý và giải quyết Đơn khiếu nại của ông Khoa theo hướng bác đơn tranh chấp của bà Sanh, bà Hồng và trước đó là tranh chấp của vợ chồng ông Hòa bà Điểu. Được biết hiện nay thửa đất đang tranh chấp chưa có tên chủ sử dụng và không vi phạm quy hoạch, do đó có căn cứ để hướng dẫn ông Khoa làm thủ tục kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
                                                                                           
 Điều 21 Nghị định 43/CP về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2913:Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định: Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định… thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư nơi có đất”.

Tác giả bài viết: TỔ PHÓNG VIÊN MT

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây