TQ cứng rắn với Mỹ: Do 'bắt nhầm tín hiệu' của TT Trump?

Thứ năm - 09/05/2019 03:16
Sau những tuyên bố của Tổng thống Trump, Trung Quốc cho rằng Mỹ đã sẵn sàng nhượng bộ. Đó là lý do Bắc Kinh thể hiện quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại.

Đàm phán thương mại cấp cao sẽ tiếp tục diễn ra tại Washington vào ngày 9/5. Tuy nhiên, tình thế và hy vọng dành cho cuộc đàm phán này hiện thay đổi đáng kể. Một tuần trước, giới quan sát vẫn cho rằng hai phía có thể ký kết thỏa thuận. Giờ đây, các nhà đàm phán đang nỗ lực cứu thỏa thuận khỏi sụp đổ.

Như "thêm dầu vào lửa", hôm 8/5 Mỹ chính thức làm thủ tục tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 10/5. Bộ Thương mại Trung Quốc đe dọa Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả tương tự.
 

.

TQ cung ran voi My: Do 'bat nham tin hieu' cua TT Trump? hinh anh 1
Thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo sau hai bài viết của Tổng thống Trump trên Twitter hôm 5/5. Ảnh: AP.

Mỹ sẵn sàng nhượng bộ?

Wall Street Journal dẫn lời giới quan sát cho rằng căng thẳng leo thang do Bắc Kinh nhận thấy Mỹ đã sẵn sàng nhượng bộ, và từ đó quyết định thể hiện lập trường quyết liệt hơn trong đàm phán.

Cụ thể, Bắc Kinh cho rằng việc tổng thống Mỹ buộc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell giảm lãi suất là bằng chứng cho thấy ông Trump bi quan về nền kinh tế Mỹ hơn những gì đã tuyên bố. 

Những lời hoa mỹ mà Tổng thống Trump dành cho tình bạn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như khen ngợi Phó thủ tướng Lưu Hạc phần nào thúc đẩy Bắc Kinh cứng rắn hơn. 

Bên cạnh đó, các quan chức cấp cao Trung Quốc đặc biệt chú ý tới đoạn viết trên Twitter của ông Trump hôm 30/4, với nội dung vừa chỉ trích ông Powell vừa khen ngợi chính sách kinh tế của Bắc Kinh. "Trung Quốc đang ngày một kích thích mạnh mẽ nền kinh tế của nước này trong khi giữ lãi suất ở mức thấp. Cục Dự trữ Liên bang của chúng ta thì lại không ngừng tăng lãi suất", tổng thống Mỹ viết.

"Tại sao lại liên tục yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang hạ lãi suất nếu nền kinh tế không suy yếu đi?", Mei Xinyu, nhà phân tích hợp tác với Bộ Thương mại Trung Quốc, nói. Bắc Kinh suy luận rằng nếu Mỹ không còn quyết tâm mạnh mẽ như trước, Washington sẽ sẵn sàng ký kết thỏa thuận, ngay cả khi Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn hơn.

TQ cung ran voi My: Do 'bat nham tin hieu' cua TT Trump? hinh anh 2
Trung Quốc đe dọa sẽ đáp trả tương tự nếu Mỹ tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đánh giá này vấp phải thực tế là nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu năm 2019 tăng trở lại từ cuối năm 2018, ở mức 3,2% so với 2,2% của quý trước. Báo cáo công bố hôm 3/5 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 3,6%, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua.

Nhưng đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc cũng dần ổn định sau nhiều tháng suy yếu. Tỷ lệ tăng trưởng quý đầu tiên của nước này đạt 6,4%, vượt ngoài kỳ vọng của thị trường.

Bức tranh kinh tế nói chung khởi sắc giúp Bắc Kinh tự tin hơn trong các cuộc đàm phán thương mại, cũng như tại Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường vừa qua, với sự tham dự của khoảng 40 đại diện các quốc gia. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Diễn đàn Vành đai và Con đường diễn ra "trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn để cải thiện mối quan hệ với các quốc gia khác và với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Điều này khiến Bắc Kinh trở nên cứng rắn", theo chuyên gia Cheng Li của Viện nghiên cứu Brookings.

Nhiều lần hiểu lầm

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc diễn giải sai các tín hiệu từ phía Mỹ hay ngược lại, đây cũng không phải là lần đầu tiên. 

Lịch sử các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đầy rẫy những hiểu lầm. Trong quá trình đó, hai quốc gia, với hệ thống chính trị rất khác nhau, phải vật lộn để hiểu được ý định của nhau.

TQ cung ran voi My: Do 'bat nham tin hieu' cua TT Trump? hinh anh 3
Hai phái đoàn đàm phán Trung Quốc (trái) và Mỹ tại Washington ngày 30/1. Ảnh: AP.

Chẳng hạn, khi Trung Quốc đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối những năm 1990, thủ tướng Trung Quốc đã đến thăm Washington vì nhầm tưởng rằng Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó sẽ phê chuẩn một thỏa thuận.

Vào cuối cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, Đại diện Thương mại Mỹ Charlene Barshefsky giận dữ bỏ đi khỏi bàn đàm phán, cho rằng Bắc Kinh bắt bà phải đi khắp nơi, chỉ để quay lại Mỹ và hoàn thành thỏa thuận.

Trong các cuộc đàm phán gần đây, Mỹ cho rằng Trung Quốc đồng ý làm rõ các điều luật Bắc Kinh sẽ thay đổi để thực hiện thỏa thuận thương mại theo như nội dung đàm phán. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết không có ý định làm như vậy, khiến Tổng thống Trump hôm 5/5 đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. 

"Trung Quốc thường xuyên bác bỏ những cam kết cụ thể trong các cuộc đàm phán. Đây là điều khó thực hiện, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng để đạt được thành công", Clete Willems, người từng là nhà đàm phán thương mại tại Nhà Trắng, nói với Wall Street Journal. 

Ngoài việc tăng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, ông Trump cũng cho biết "trong một thời gian ngắn", Mỹ sẽ áp mức thuế 25% lên 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị đánh thuế. Động thái này sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng đáng kể. 

Tương lai khó đoán định

Phản ứng có phần gay gắt của Mỹ làm dấy lên nghi ngờ về chuyến đi của Phó thủ tướng Lưu đến Washington. Ông Lưu dự kiến đàm phán với phía Mỹ hôm 9/5, sớm hơn một ngày so với kế hoạch ban đầu.

Không giống như những chuyến đi trước, phó thủ tướng Trung Quốc không còn được gọi là "đặc phái viên" của Chủ tịch Tập, cho thấy ông Lưu không có khả năng thực hiện những bước tiến đáng kể. 

Từ nhóm hơn 100 người theo dự kiến ban đầu, quy mô của phái đoàn Trung Quốc cũng giảm đi, tuy nhiên vẫn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn và Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân.

TQ cung ran voi My: Do 'bat nham tin hieu' cua TT Trump? hinh anh 4
Hai phái đoàn đàm phán Trung Quốc và Mỹ tại Bắc Kinh hôm 1/5. Ảnh: AP.

Trong một diễn biến khác, các quan chức Mỹ cho rằng họ đã tỏ rõ thái độ chán nản vì đàm phán và muốn Bắc Kinh đưa ra các cam kết cụ thể để thay đổi luật pháp, bao gồm bổ sung các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ và ngừng việc chuyển giao bắt buộc công nghệ của Mỹ. 

Tuần trước, ông Mick Mulvaney, quyền chánh văn phòng Nhà Trắng, được cho đã nhắc lại điều này. Đàm phán "sẽ không tiếp diễn mãi mãi. Tại một số thời điểm trong bất kỳ cuộc đàm phán nào bạn tham gia, 'chúng ta đã gần như đạt được điều gì đó vì thế chúng ta mới tiếp tục'. Mặt khác, đôi khi bạn vung tay và nói 'điều này chẳng đi đến đâu cả'".

Cũng trong hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin lại cho thấy điều ngược lại, nói rằng các cuộc đàm phán đã "đi đến những vòng cuối cùng".

Khi hai phía tiếp tục thảo luận tại Washington vào ngày 9/5, câu hỏi lớn đặt ra là liệu Trung Quốc có đồng ý với yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi luật pháp để thực hiện thỏa thuận thương mại hay không.

Điều này có thể phần nào ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc và khiến nước này mất nhiều thời gian để triển khai, tuy nhiên Bắc Kinh từng đưa ra các cam kết tương tự trong các thỏa thuận thương mại trước đó, bao gồm cả những thỏa thuận mà nước này ký kết khi gia nhập WTO vào năm 2001. 

Trong khi Trung Quốc hứa sẽ tự do hóa hơn nữa nền kinh tế, các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh không thực hiện tốt các cam kết nói trên. 

"Mỹ đã đúng khi tìm cách tiếp cận đa chiều, không chỉ dựa vào các cam kết mà còn dựa vào sự thay đổi luật pháp, để đảm bảo đường lối lãnh đạo của Trung Quốc được truyền đạt tới tất cả các cấp chính quyền địa phương", Giáo sư Mark Wu, giáo sư luật tại Đại học Harvard, nhận định. 

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây