Top 10 chính trị gia sẽ làm khuynh đảo thế giới năm 2017

Thứ ba - 31/01/2017 19:30
Top 10 chính trị gia sẽ làm khuynh đảo thế giới năm 2017

 

(PL News) - Rất nhiều sự kiện đã bắt đầu từ năm 2016 sẽ tiếp tục chi phối mạnh mẽ đến bối cảnh thế giới năm 2017. Sự thay đổi chính quyền ở Mỹ, các nước châu Âu diễn ra nhiều cuộc bầu cử quan trọng và cuộc chiến chống khủng bố sẽ tiếp tục diễn ra ở Syria,....

 

Trong bối cảnh này, cùng Infonet điểm qua danh sách các chính trị gia có thể thay đổi mạnh mẽ bối cảnh thế giới năm 2017.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

1. Donald Trump

Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là một trong các sự kiện được chờ đợi nhất năm 2017. Donald Trump chính thức nhậm chức sẽ đem đến những thay đổi đáng kể đối với chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.

Donald Trump cơ bản đã xác định được các ưu tiên của mình- xem xét lại mối quan hệ với Nga, trong đó nhằm mục đích chống khủng bố. Tuy nhiên, các vấn đề chính trong thay đổi quan hệ với Nga đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ Nga-Mỹ là chính sách cấm vận chống Nga.

Việc Donald Trump bổ nhiệm một số quan chức chủ chốt trong chính quyền, ví dụ như Ngoại trưởng Rex Tillerson, cho thấy Donald Trump dự định sẽ cải thiện quan hệ với Nga. Dự định này có thành hiện thực hay không phần nào sẽ được làm sáng tỏ trong nửa đầu năm 2017.

Ngoài ra, Donald Trump trong quá trình vận động tranh cử đã không ít lần nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại vai trò của Mỹ trong đóng góp tài chính cho hoạt động của NATO. Điều này đang gây quan ngại thực sự cho các chính trị gia NATO, nhất là các nước Đông Âu. Rất nhiều dự án của NATO phụ thuộc đáng kể vào Mỹ, trong đó có việc tăng cường lực lượng ở Đông Âu.

Ngoài ra, chính sách đối nội của Mỹ dự kiến cũng sẽ có những thay đổi đáng kể. Các nhà phân tích hồi cuối tháng 12/2016 đã nhận định rằng Donald Trump có thể sẽ hủy bỏ đến 70% các đạo luật của người tiền nhiệm Obama, ví dụ như các chính sách trong lĩnh vực xã hội và nhập cư.

Tân Ngoại trưởng Mỹ

2. Rex Tillerson

Cuối tháng 1, Quốc hội Mỹ bỏ phiếu đối với ứng cử viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson do ông Donald Trump đề cử. Với tư cách là doanh nhân đầu tiên có thể giữ chức vụ then chốt trong chính quyền Mỹ, Rex Tillerson sẽ phải được sự chấp nhận của Quốc hội mới có thể nắm giữ chức vụ Ngoại trưởng Mỹ. Mối liên hệ với Nga và quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Putin, cũng như Huân chương Hữu nghị được Tổng thống Nga trao tặng sẽ khiến ôngTillerson chịu nhiều chất vấn ở quốc hội. Một số chuyên gia nhận định rằng nếu Tillerson không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ, ông Donald Trump có thể sẽ đề cử Giám đốc CIA David Patreaus vào chức vụ này.

Nếu như được Quốc hội Mỹ chấp thuận, với những kinh nghiệm của mình, Rex Tillerson có thể trở thành Ngoại trưởng độc lập hơn hẳn người tiền nhiệm John Kerry. Các mối quan hệ về công việc sẽ giúp ông Tillerson tăng cường tiếp xúc với nguyên thủ các quốc gia trên thế giới vì rất nhiều người đã có mối quan hệ với Tillerson từ trước. Và nếu Tillerson trở thành Ngoại trưởng Mỹ, quan hệ Washington-Moscow sẽ được cải thiện vì Tillerson luôn ủng hộ củng cố quan hệ với Ngavà hủy bỏ các lệnh cấm vận chống Nga.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

3. Angela Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel đón năm mới 2017 một cách khá “cô đơn” khi các đồng minh quan trọng là Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã mất chức từ trước, còn Tổng thống Pháp Hollande lại không muốn tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ nữa.

Bản thân bà Merkel đã tuyên bố rằng sẽ ra tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa. Điều này tạo nên hy vọng cho các lực lượng chính trị ủng hộ sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU). Cựu Tổng Thư ký NATO Javier Solana cho rằng chính bà Merkel cần phải thay thế Donald Trump để trở thành thủ lĩnh thế giới.

Cuộc bầu cử Quốc hội Đức sẽ được tổ chức vào tháng 9/2017 và thắng lợi của liên minh cầm quyền sẽ đảm bảo cho bà Merkel tiếp tục giữ chức Thủ tướng Đức. Mặc dù không hài lòng với chính sách nhập cư của bà Merkel nhưng vẫn có 56% người Đức tin tưởng rằng bà Merkel có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tới. Đối thủ tiềm tàng nhất của bà Merkel là Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier sẽ nắm giữ chứcvụ Tổng thống Đức nên thực trạng kinh tế Đức sẽ là yếu tố quyết định đến khả năng thắng cử của bà Merkel.

Chiến thắng của bà Merkel chưa chắc đã có những tác động tích cực đến mối quan hệ Đức-Nga. Cuối năm 2016, bà Merkel là người kêu gọi tiếp tục thực hiện các lệnh cấm vận mới chống Nga vì các hành động của Nga ở Syria.

Thủ tướng Anh Theresa May.

4. Theresa May

Thủ tướng Anh Theresa May thay thế ông David Cameron sau sự kiện Brexit ở Anh. Bà May cam kết sẽ thực hiện ý nguyện của người dân Anh và tuyên bố sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán kéo dài 2 năm với EU về Brexit.

Các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu từ tháng 3/2017 nhưng cho đến nay, London vẫn chưa đưa ra các điều kiện cho cuộc “ly hôn” này. Thời gian ngắn tới đây, bà May sẽ phải đưa ra các đề xuất của Chính phủ Anh, cho dù Brexit có thể sẽ bị Hạ viện Anh gây khó dễ.

Thàng 11/2016, Tòa án Tối cao London đã ra nghị quyết rằng Quốc hội Anh sẽ phải tham gia vào quá trình xây dựng chương trình cho các cuộc đàm phán sắp tới. Tuy nhiên, chính các nghị sỹ ủng hộ Brexit lại đang rất hoài nghi nên nhiều khả năng họ sẽ bỏ phiếu phong tỏa quá trình Brexit. Chính phủ Anh đã tuyên bố rằng sẽ hành động dựa trên quyết định của Tòa án Tối cao. Do đó, số phận của quyết định đầy cảm xúc nhất của người Anh năm 2016 sẽ phụ thuộc vào bà May.

Ứng viên nặng ký cho chức Tổng thống Pháp Le Pen

5. Marine Le Pen

Thủ lĩnh đảng “Mặt trận dân tộc” là một trong những ứng cử viên tiềm tàng cho chức vụ Tổng thống Pháp khi cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 3/2017. Ít nhất, cơ hội lọt vào vòng 2 bầu cử của bà Marine Le Pen cũng là khác cao.

Một trong những nội dung quan trọng nhất trong chương trình vận động tranh cử của bà Marine Le Pen là vấn đề quy chế thành viên của Pháp trong EU. Vấn đề tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế thành viên của Pháp trong EU đã được bà Le Pen đưa ra gần như ngay sau sự kiện Brexit ở Anh.

Bà Le Pen kêu gọi cho phép người Pháp khả năng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc “giải phóng khỏi ách nô lệ từ Brussels”. Ngoài ra, bà còn tuyên bố về sự cần thiết của nước Pháp trong việc rút lui khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Một trong những điểm nhấn của bà Le Pen là kêu gọi hủy bỏ các lệnh cấm vận chống Nga. Bà Le Pen cũng không ít lần bày tỏ sự thiện cảm và ngưỡng mộ đối với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Syria al-Assad.

6. Bashar al-Assad

Tổng thống Syria kết thúc năm 2016 với rất nhiều thành công về quân sự. Việc giải phóng thành phố Aleppo khỏi tay các lực lượng phiến quân dưới sự ủng hộ của Nga đã thực sự làm thay đổi cán cân chiến lược của các lực lượng quốc tế đang tham chiến ở Syria. Chiến thắng ở Aleppo cũng giúp vị thế của ông Assad trong các cuộc đàm phán tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, việc giải phóng Aleppo không đồng nghĩa với sự kết thúc chiến tranh ở Syria. Việc giải phóng thành phố Idlib và cuộc chiến chống khủng bố IS vẫn đang chờ đợi Syria ở phía trước. Ngoài ra, khả năng tham gia vào các cuộc đàm phán của ông Assad cũng vẫn đang để ngỏ khi số phận của ông Assad năm 2017 vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Sự thay đổi chính quyền Mỹ sẽ có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông. Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích quốc tế vẫn đang hết sức quan tâm đến chính sách của Mỹ với ông Assad.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

7. Recep Erdogan

Trải qua 1 năm đầy biến động trong quan hệ với Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lại tuyên bố mình như là chính trị gia then chốt trong cuộc chơi chính trị ở Trung Đông. Chấp nhận từ bỏ chính sách loại bỏ Tổng thống Syria Assad, ông Erdogan đã ký kết liên minh chiến thuật với Nga và Iran. Chính điều này đã góp phần quan trọng cho giải phóng Aleppo.

Việc cải thiện quan hệ với Nga sẽ đem đến cho Ankara không ít lợi ích về kinh tế, năng lượng và thương mại. Tuy nhiên, năm 2017 sẽ là năm ông Erdogan phải tập trung vào các vấn đề đối nội.

Ông Erdogan nắm giữ chức vụ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ảnh hưởng không thực sự lớn như Tổng thống các nước khác. Do đó, nhiệm vụ chính của ông Erdogan là tiến hành cải cách hiến pháp để đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước cộng hòa Tổng thống-Nghị viện.

Nếu thành công, ông Erdogan sẽ được quyền miễn trừ truy tố và có thể tại vị Tổng thống đến tận năm 2029. Tuy nhiên, ông Erdogan sẽ vấp phải không ít khó khăn trên con đường tiến hành cải cách vì đảng “Công lý và Phát triển” của ông không có đủ đa số ghế trong quốc hội. Ông Erdogan sẽ phải tiếp tục gây áp lực lên phe đối lập và dư luận xã hội nhằm đạt được mục đích của mình.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là thành viên NATO lớn đến mức Washington sẽ không mạo hiểm mất đi các lợi ích của mình chỉ vì quá trình dân chủ hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng NATO sẽ tiếp tục có những tuyên bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng.

Nghị sỹ quốc hội Ukraine, Savchenko

8. Nadezda Savchenko

Nghị sỹ Quốc hội, cựu nữ phi công Ukraine Nadezda Savchenko là người mới được phía Nga trả tự do sau thời gian ngồi tù ở Nga. Nga kết tội nữ phi công này có liên quan đến cái chết của các nhà báo Nga tại vùng Donbass của Ukraine. Sau khi được trả tự do, uy tín của Nadezda đã tăng lên đáng kể và trở thành chính trị gia được yêu mến ở Ukraine.

Tuy nhiên đến cuối năm 2016, sự độc lập và các cuộc đàm phán với lãnh đạo các khu vực tự trị ở Donbass đã khiến Nadezda Savchenko trở thành “cái gai” trong mắt chính quyền Kiev. Một số chính trị gia Ukraine thậm chí còn coi nữ phi công là điệp viên hai mang làm việc cho Nga.

Savchenko đã công khai bày tỏ mong muốn lập lại hòa bình ở Donbass và sẵn sàng đối thoại với bất cứ lực lượng nào để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine bày tỏ sự tôn trọng với Nadezda Savchenko và sẵn sàng đối thoại với chính trị gia này.

Hồi tháng 12/2016, Savchenko đã giới thiệu bản dự thảo của đảng RUNA (đảng của Savchenko) với ý tưởng chính là phi tập trung hóa quyền lực.

Cho dù ít có kinh nghiệm hoạt động chính trị nhưng Savchenko đã được ví như là “Donald Trump mặc váy” và có thể sẽ có những tác động đáng kể đến chính trường Ukraine thời gian tới.

Chủ tịch Cuba Raul Castro

9. Raul Castro

Sự nghiệp chính trị của Raul Castro bắt đầu phát triển mạnh kể từ khi ông thay anh trai Fidel Castro lãnh đạo Cuba từ năm 2008. Sau cái chết của ông Fidel Castro vào tháng 11/2016, Raul trở thành nhà tư tưởng duy nhất cho nền chính trị Cuba.

Trong vòng 8 năm cầm quyền, Raul Castro luôn nhất quán đường lối đối ngoại theo hướng củng cố quan hệ với Mỹ và Nga. Chính sách này đã đem đến các quả ngọt đầu tiên khi vào tháng 7/2015, quan hệ ngoại giao Cuba-Mỹ đã được nối lại sau 54 năm bị cắt đứt. Ông Barack Obama cũng đã đến thăm Cuba vào năm 2016 và đây trở thành chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến Cuba kể từ năm 1928.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump lại không có nhiều thiện cảm trong quan hệ với Cuba. Nguyên nhân có thể là do ông Donald Trump tiếp tục các tuyên bố về chính sách nhập cư như đã sử dụng khi vận động tranh cử. Chính vì vậy, chưa chắc ông Donald Trump sẽ từ bỏ căn cứ quân sự ở Cuba và nhà tù Guatanamo, dù những căn cứ này không có nhiều ý nghĩa về chính trị nhưng vẫn là cơ sở quan trọng để Mỹ gây áp lực lên giới lãnh đạo Cuba.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

10. Rodrigo Duterte

Tổng thống mới được bầu năm 2016 của Philippines Rodrigo Duterte nổi tiếng là một chính trị gia hay có các phát ngôn gây sốc và được ví như là “Donald Trump” của Philippines.

Ông Duterte đã từng gây sốc rất nhiều chuyên gia phân tích phương Tây vì sự quyết liệt đến tàn nhẫn khi thực hiện chiến dịch chống ma túy ở Philippines. Ông Duterte không ngại ngần khi tuyên bố về sự cần thiết phải giết chết hết tất cả những người cho dù bị nghi ngờ đang buôn bán ma túy. Ông cũng nổi tiếng là người có các phát ngôn chỉ trích đối với Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho dù Mỹ được coi là đồng minh thân cận nhất của Philippines.

Trong một phát biểu gây sốc của mình, ông Duterte đã từng ví ông Obama như là “con trai của một ả điếm”. Tuy nhiên, đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, ông Duterte dường như không thể đưa ra những tuyên bố như vậy. Tổng thống Philippines đã ngầm “cam kết” với ông Donald Trump rằng sẽ tiếp tục trận trọng các mối quan hệ với Mỹ và cho rằng ông Donald Trump sẽ ủng hộ chiến dịch chống ma túy của Philippines.

Nguồn tin: Theo Infonet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây