Tòa phúc thẩm trả thù người tố cáo?!

Chủ nhật - 30/04/2017 22:25
(PL News) - BLA: Do không/chưa có điều kiện tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ vụ án, nên tôi không muốn nói những gì mà mình chưa thật sự chắc chắn biết rõ. Song về mặt quan điểm, tôi phản đối, không đồng tình với kết quả xét xử vì tăng nặng đột biến rất bất thường. Về mặt khoa học pháp lý, tôi ủng hộ và chia sẻ quan điểm dưới đây của luật sư đồng nghiệp Nguyễn Duy Bình (đăng trên trang cá nhân). Có thể tôi cũng sẽ có bình luận về vụ án này. Nội dung vụ án, diễn biến tố tụng vui lòng xem bài trên báo Tuổi Trẻ (đường link bên dưới). 
Bị cáo Mai Thị Ngọc Vân tại phiên tòa phúc thẩm (ảnh báo Tuổi Trẻ)
Bị cáo Mai Thị Ngọc Vân tại phiên tòa phúc thẩm (ảnh báo Tuổi Trẻ)



Sáng nay tôi nghe tin từ Pham Quoc Binh; Dương Vĩnh Tuyến và một số đồng nghiệp đăng tin về vụ bà Vân (người tố cáo thư ký toà TP.HCM ăn hối lộ) hiện đã bị toà Toà phúc thẩm - TP.HCM xử tăng khung, tăng hình phạt từ 9 tháng tù lên 4 năm tù. Nghe vậy sốc quá và không hiểu vì sao tăng khủng như vậy?!

Theo thông tin tôi nhận được, trong vụ án này bà Vân gây thương tích cho bị hại 13% và có 01 tình tiết tăng nặng định khung, ngoài ra bà Vân thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và có nhân thân tốt.

Như vậy, nếu toà sơ thẩm xử khung 1, đ.104 thì cũng chưa đúng. Tuy nhiên, trong vụ việc này nếu có kháng cáo, kháng nghị tăng nặng thì Toà phúc thẩm áp dụng khung 2- đ.104 - có mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù nhưng cần phải xem xét các tình tiết giảm nhẹ cũng như nhân thân người phạm tội để hạ khung, định lượng chính xác.

Nếu bà Vân có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, nhân thân tốt và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào khác, thì bà Vân vẫn phải được chuyển về khung 1 - từ 06 tháng đến 3 năm; vậy toà phúc thẩm xử 4 năm là trái pháp luật nghiêm trọng.

Nếu bà Vân không có những điều kiện trên thì toà vẫn áp dụng khung 2; tuy nhiên, với thương tích 13% (cao hơn 2% so với 11% - định lượng để truy tố khung 1) và nhân thân tốt của bị cáo, toà có quyền áp dụng mức hình phạt từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù.

Hơn nữa, trong vụ việc này bà Vân phải được hưởng thêm 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS rất quan trọng đó là "đã lập công chuộc tội" khi tố cáo hành vi của bồ đoàn tiêu cực, góp phần đấu tranh chống tham nhũng hiện đang hoành hành, cắt cổ nhân dân trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, khi xem xét vụ án này toà án nên phải xem xét đến nguyên nhân, mục đích cũng như lỗi của phía bị hại; nếu bị hại có một phần lỗi thì bị cáo còn được xem xét để giảm nhẹ TNHS.

Trong thực tiễn tố tụng trường hợp tương tự nếu có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu toà án xử án treo rất nhiều và xét thấy cũng hợp tình, hợp lý.

Chính vì vậy, tôi không hiểu vì sao toà phúc thẩm lại xử 4 năm tù, vả chăng đây là biện pháp trả thù người tố cáo, bóp méo pháp luật và thể hiện tính cửa quyền của quan toà ?!

Trong khuôn khổ thông tin, tôi cũng chưa nắm được toàn bộ nội dung vụ việc, mong các bạn bổ sung thêm để có căn cứ xác định.

Chúng ta hãy cùng lên tiếng để bảo vệ pháp luật, khích lệ tinh thần đấu tranh chống tham nhũng của nhân dân!

....................

Bài tham khảo trên báo Tuổi Trẻ:

Tăng án tù bị cáo đưa tiền "chạy án" cho chồng thư ký tòa

10/08/2016 19:04 GMT+7 

TTO - Bị TAND quận Tân Bình tuyên phạt 9 tháng tù trong phiên tòa sơ thẩm về tội “cố ý gây thương tích”, Mai Thị Ngọc Vân cho rằng mức án quá nặng và vụ án còn nhiều khuất tất nên làm đơn kháng cáo.

Phía bị hại là gia đình ông Trịnh Quang Hân cũng làm đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với Vân.

Ngày 9-8-2016, TAND TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân do thẩm phán Vũ Phi Long, phó chánh tòa hình sự, làm chủ tọa phiên tòa.

Theo hồ sơ vụ án, gia đình Vân có mâu thuẫn từ trước với gia đình ông Trịnh Quang Hân (131/16 Bùi Thị Xuân, P.2, Q.Tân Bình).

Khoảng 16g30 ngày 1-6-2014, trong lúc Vân đang sửa tấm bạt che mưa trước cửa nhà thì ông Hân cũng ra quay tấm bạt che mưa (UBND P.2, Q.Tân Bình không chấp thuận cho ông Hân che tấm bạt này).

Lúc này, ông Hân cố tình để tay quay va đập nhiều lần vào dàn cây cảnh trước sân nhà Vân nên Vân bực tức nói: “Nhà ông làm gì đừng đụng chạm bên đây vì nhà tôi không đụng chạm đến nhà ông”.

Sau câu nói của Vân, ông Hân càng quay mạnh hơn làm tay quay va chạm, xây xước cây cảnh bên nhà Vân. Bực tức trước hành động “khiêu khích” của ông Hân, Vân đã dùng kềm (cây kềm Vân đang sửa bạt che mưa) đánh vào tay ông Hân.

Ngay lập tức, ông Hân chạy qua nhà Vân và hai bên đôi co. Lúc này con ông Hân là Trịnh Quốc Việt ở trong nhà chạy ra hỏi Vân: “Mày muốn gì?”. Vân đáp: “Muốn gì là muốn gì?”.

Việt lập tức xông vào đấm đá Vân, ông Hân giữ chặt hai tay Vân cho con mình đấm và nắm tóc, đập đầu Vân xuống sân nhà. Việt còn dùng tay siết cổ làm Vân ngạt thở, để tự cứu sống lấy mình Vân phải cắn vào tay Việt để thoát thân.

Vân vùng chạy đến trước cửa nhà 44/25 Phạm Văn Hai, P.2, Q.Tân Bình nhưng vẫn bị hai cha con ông Hân truy đuổi, nắm tóc và đập đầu Vân xuống đường. Thấy Vân bị chảy máu đầu và máu miệng, chủ nhà 44/25 tri hô để mọi người can ngăn.

Lúc này, em trai của Vân là Mai Khải Hoàng chạy ra “giải cứu” chị và có gây thương tích cho ông Hân với tỉ lệ thương tích 4%.

Sau vụ ẩu đả, Công an P.2, Q.Tân Bình mời hai bên lên phường lấy lời khai. Chiều 2-6-2014, khi thấy anh Việt đang dắt xe vào nhà, do còn bực tức chuyện xảy ra ngày hôm trước nên Vân đã dùng một thanh gỗ dài 65cm đánh trúng lưng anh Việt.

Lúc này, anh ruột của Việt là Trịnh Quang Trung chạy ra can ngăn cũng bị Vân dùng thanh gỗ đánh nhiều cái vào người. Cuộc “xô xát” xảy ra khiến cả đôi bên đều bị thương. Theo kết quả giám định pháp y, Việt thương tật 4%, Trung thương tật 7%.

Công an phường lần thứ 2 gọi các đương sự lên lấy lời khai.

Sau 2 lần hòa giải của công an, gia đình Vân đã qua nhà ông Hân xin lỗi và bồi thường tiền thuốc men nhưng gia đình ông Hân đều không chấp nhận. Sau đó, ông Hân và hai con Trung, Việt làm đơn tố cáo Vân về tội “cố ý gây thương tích”.

Trong một vụ việc liên quan, Mai Thị Ngọc Vân còn dính líu đến một vụ "môi giới hối lộ" đã bị khởi tố vào tháng 7-2016.

Cụ thể, trong thời gian Vân làm đơn kháng cáo và kêu oan tại TAND TP.HCM, Vân đã tiếp xúc với một thư ký tên N. của tòa hình sự TAND TP.HCM và được thư ký này đề nghị đưa tiền "chạy án" để không phải chịu án tù.

Đến ngày 18-7, Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt quả tang Vân đưa 85 triệu đồng tiền “chạy án” cho Phan Văn Khang (chồng thư ký N.).

Trong phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán chủ tọa Vũ Phi Long và các thẩm phán trong HĐXX không xét hỏi bị cáo Vân các vấn đề liên quan đến vụ "chạy án" mà chỉ tập trung làm rõ các hành vi của Vân trong vụ án "cố ý gây thương tích".

Đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 14-4-2016 của TAND quận Tân Bình, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại vụ án.

Tại tòa, xét thấy hành vi sử dụng thanh gỗ dài, có vật sắc nhọn đánh nhiều lần vào người các bị hại của Vân là có tính chất côn đồ; Vân cũng không tỏ ra thành khẩn khai báo và ăn năn hối lỗi tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Vân và chấp nhận một phần kháng cáo của các bị hại, quyết định tăng nặng án phạt và tuyên phạt Mai Thị Ngọc Vân 4 năm tù.

Chủ tọa phiên tòa đồng thời cũng công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “cố ý gây thương tích” đối với Mai Khải Hoàng (em ruột của Vân).


MINH BẰNG
------------

Quy định tại Bộ luật hình sự (1999)

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Tác giả bài viết: Ls. Nguyễn Duy Bình/ Facebook

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây