Tố tụng đại án Oceanbank và những vấn đề pháp lý cần làm rõ

Thứ năm - 23/03/2017 04:50
(PL News) - Thu hút mọi sự chú ý của truyền thông và dư luận trong suốt một thời gian dài nhưng vào ngày 8/3, việc xét xử đại án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Oceanbank đã tạm bị gác lại sau quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của HĐXX Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Quyết định này nhận được rất nhiều sự tán đồng của giới chuyên gia pháp luật hình sự bởi cáo trạng ban đầu của VKS bị đánh giá là thiếu nhiều nội dung quan trọng chưa được làm rõ.
Hà Văn Thắm – “nhân vật chính” trong Đại án xảy ra tại Oceanbank
Hà Văn Thắm – “nhân vật chính” trong Đại án xảy ra tại Oceanbank

 

Mặc dù phải chờ kết luận điều tra bổ sung thì vụ án mới có thể tiếp tục được làm sáng tỏ. Nhưng có rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra, dễ nhận thấy và được các chuyên gia pháp luật hình sự đưa ra bàn luận xoay quanh vụ án chấn động này. Đó cũng như những “gợi mở” mà giới chuyên gia hy vọng các cơ quan tố tụng sẽ “lưu tâm” trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo. Đồng thời qua tố tụng đại án này, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự để đấu tranh hiệu quả, nghiêm khắc hơn với tội phạm kinh tế.

Có thể xử lý về tội Tham ô tài sản đối với phần vốn của Nhà nước tại Ngân hàng cổ phần không?

Trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Oceanbank thì ban đầu, cáo trạng của Viện kiểm sát (VKS) chỉ truy tố các bị can với 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng này của VKS đã gây tranh cãi và bị đánh giá là chưa phản ánh đúng, đầy đủ bản chất của các hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án. Theo cáo trạng thì hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng trong cấu thành 3 tội danh nói trên là do thất thoát, lãng phí, hoặc bị người khác chiếm đoạt chứ không thể do chính người phạm tội chiếm đoạt. Trong khi đó, một số tài sản của Oceanbank cùng nhiều khách hàng bị chính các đối tượng phạm tội trong vụ án chiếm đoạt. Vì vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải truy cứu các bị can về các tội danh có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản mới chính xác.

Đặc biệt một số chuyên gia còn nhận định, 2 trong số nhiều hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Oceanbank có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản: Thứ nhất là hành vi của Hà Văn Thắm chiếm đoạt 138 tỷ đồng của Oceanbank thông qua hình thức vay vốn (sai quy định); Thứ hai là hành vi của Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 246 tỷ đồng của Oceanbank thông qua việc chỉ đạo thực hiện cơ chế chính sách chi lãi ngoài.
Để làm rõ hơn nhận định này, xin quay trở lại các phần nội dung liên quan đến hai khoản tiền nói trên:

Nội dung thứ nhất: Trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ cùng 9 hồ sơ vay vốn do Viptour – Togi làm chủ đầu tư (thực chất chỉ là công ty sân sau của Hà Văn Thắm). Bất chấp hồ sơ bị Phòng thẩm định cá nhân của Oceanbank trả lại do không đủ điều kiện, Hà Văn Thắm vẫn chỉ đạo các “thuộc hạ” này phải cho vay. Theo đó, 9 hợp đồng tín dụng và 137,89 tỷ đồng đã được giải ngân. Tiền về tài khoản của Viptour – Togi, sau đó Hà Văn Thắm rút để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho các khoản vay khác của Thắm.

Nội dung thứ hai: Đối với khoản tiền 246 tỉ đồng của Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ là TGĐ, ủy viên HĐQT Oceanbank và đại diện phần vốn góp của PVN tại NH, đã cùng Hà Văn Thắm bàn bạc và chi lãi suất ngoài hợp đồng. Mặc dù từ t5/2011, Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển về PVN nhưng Sơn vẫn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu (Tổng Giám đốc mới) tiếp tục chăm sóc một số khách hàng là doanh nghiệp của PVN. Lợi dụng uy tín và địa vị, cơ chế chính sách chi lãi ngoài, sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN, Nguyễn Xuân Sơn đã rút số tiền nói trên để sử dụng cá nhân.

Mặc dù không thuộc trường hợp có trách nhiệm quản lý trực tiếp tài sản (như thủ quỹ, thủ kho, kế toán…) nhưng với vị trí Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm là người có trách nhiệm quản lý chung đối với tài sản của ngân hàng; Nguyễn Xuân Sơn giữ vai trò đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng cũng có trách nhiệm quản lý chung đối với phần vốn góp này. Do đó, cả hai đều có thể là chủ thể có tội

Tham ô tài sản.

Theo nguyên tắc thu hút khi định tội danh trong BLHS, mọi hành vi thỏa mãn dấu hiệu “lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” đều bị thu hút về tội Tham ô tài sản. Do đó, cho dù là “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế hay vi phạm quy định về cho vay hay bất kỳ thủ đoạn nào khác rồi “chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” thì đều phải xử lý về tội Tham ô tài sản.

Với những phân tích trên, một số chuyên gia pháp luật hình sự cho rằng: Hành vi chiếm đoạt 246 tỷ đồng của Nguyễn Xuân Sơn có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản. Đồng thời nếu làm rõ được mục đích chiếm đoạt tài sản của Hà Văn Thắm thông qua hình thức vay vốn thì cũng phải truy tố y về tội danh này. (Bởi rất có thể Hà Văn Thắm sẽ khai rằng “tôi chỉ vay chứ không có ý định chiếm đoạt và có vay sẽ có trả”).

Mặc dù hai hành vi nói trên của Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản nhưng muốn truy cứu về tội này lại phụ thuộc vào chủ trương hướng dẫn của TANDTC. Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định chung chung rằng tài sản bị chiếm đoạt trong tội Tham ô tài sản phải thuộc sở hữu Nhà nước, tuy nhiên TANDTC lại hướng dẫn như sau: “…Chỉ đối với doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm tỷ lệ góp vốn trên 50% và giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó thì ở đó mới có tội tham ô tài sản”.

Những người theo quan điểm của TANDTC sẽ xác định không truy cứu tội Tham ô tài sản đối với Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn vì thời điểm diễn ra vụ việc, Ocean Bank chỉ có 20% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước (PVN).

Hướng dẫn của TADNTC không thể coi là văn bản cao hơn Luật nên không tránh khỏi nhiều người không phục, nhưng họ lại chia ra hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng bất kể doanh nghiệp có tỉ lệ vốn góp của Nhà nước bao nhiêu thì cũng đã “có yếu tố nhà nước”, hơn nữa, yếu tố tài sản chung mới là quan trọng nhất, nên người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp vẫn cấu thành tội Tham ô tài sản. Liên hệ vụ án Oceanbank, những người theo quan điểm này cho rằng nhất định phải truy cứu Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn về tội Tham ô tài sản.

Quan điểm thứ hai: Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có vốn góp nhà nước thì phải bị truy cứu về hai tội: tội Tham ô tài sản đối với phần vốn góp của Nhà nước và tội danh khác về chiếm đoạt tài sản đối với phần vốn góp không phải của Nhà nước. Theo đó, tội Tham ô tài sản sẽ được xác định với 27,6/138 tỷ mà Hà Văn Thắm chiếm đoạt và 49,2/246 tỷ mà Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt (của Nhà nước). Đối với số tiền còn lại (thuộc về phần vốn góp của các cổ đông ngoài Nhà nước) có thể xử lý hai đối tượng trên về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Thật ra, bất cập về khách thể của tội Tham ô tài sản đã được đưa ra tranh luận, nghiên cứu từ khá lâu và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, BLHS 2015 (đang tạm hoãn thi hành hiệu lực) đã cho phép áp dụng tội Tham ô tài sản đối với cả tài sản của doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Sự thay đổi này được đánh giá là rất tiến bộ và thiết thực, phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên BLHS 2015 lại chưa thể áp dụng cho vụ án này.

Trong khi đó, với quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, HĐXX đã đưa ra nhận định: “hành vi của Nguyễn Xuân Sơn có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ban hành và tổ chức chỉ đạo những hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền 246 tỉ đồng, trong số đó có ít nhất 20% là phần đóng góp của PVN” (chính là dấu hiệu của tội Tham ô tài sản), “nhưng cáo trạng lại truy tố bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là chưa chính xác”. Nhận định này được xem là phù hợp với quan điểm thứ hai mà chúng tôi đề cập ở trên. Thế nhưng, theo BLHS hiện hành thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ hướng dẫn chung của TANDTC về “tài sản Nhà nước” với mốc 50% đã nêu ở trên.

Vậy tội danh nào phù hợp nhất dành cho hành vi chiếm đoạt 138 tỷ của Hà Văn Thắm và hành vi chiếm đoạt 246 tỷ của Nguyễn Xuân Sơn? Khi nó đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội Tham ô tài sản (đối với 27,6/138 tỷ và 49,2/246 tỷ) và cũng thỏa mãn các dấu hiệu của một số tội phạm có tính chất chiếm đoạt tài sản khác (đối với số tiền còn lại)? Đây quả là một bài toán khó dành cho các cơ quan tố tụng trong giai đoạn điều tra bổ sung và xét xử lại sắp tới!

Đâu là bản chất của hành vi “hưởng lợi” từ lãi suất ngoài hợp đồng ?

Theo cáo trạng cho biết: Nhằm huy động vốn và giữ chân các khách hàng VIP của Oceanbank, chủ trương chi lãi ngoài và lãi suất vượt trần đã được Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn chỉ đạo thực hiện ngay từ khi Nguyễn Xuân Sơn bắt đầu tham gia quản lý ngân hàng này với chức danh TGĐ, đồng thời là người đại diện phần vốn góp của PVN.

Lợi dụng sự phụ thuộc của NH về lượng tiền gửi rất lớn của PVN, từ cuối năm 2009 – đầu năm 2010, Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc và thống nhất với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỉ giá dưới hình thức thu phí của khách hàng thông qua Cty BSC trái quy định của NHNN. Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 69 tỉ đồng từ BSC. “Hành vi này có dấu hiệu của tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ như cáo trạng của VKS đã truy tố” – Quan điểm này của HĐXX đã nhận được rất nhiều ý kiến tán đồng và hứa hẹn sẽ được “hiện thực hóa” trong giai đoạn điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, PVN không phải khách hàng duy nhất được “ăn lộc” của Oceanbank. Từ năm 2011 đến 2014, có hàng ngàn cá nhân và hàng trăm tổ chức kinh tế khác gửi tiền tại OceanBank và nhận tiền lãi suất ngoài hợp đồng. Trong đó, chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc PVN (như PVEP, PVOil, BSR, VSP…), Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà… Các đơn vị này có dấu hiệu móc ngoặc với nhân viên của Oceanbank nhận tiền lãi ngoài, để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.

Giới bình luận cho rằng: Hành vi “hưởng lợi” bất chính của các khách hàng này đã khá rõ ràng. Tuy nhiên đối với các khách hàng là các tổ chức kinh tế thì cần tiếp tục làm rõ hơn nữa bản chất của hành vi nói trên: Số tiền thu về phục vụ cho quỹ chung của đơn vị hay bị chiếm đoạt bởi người có chức vụ, quyền hạn là đại diện cho phần vốn góp của doanh nghiệp tại Oceanbank?

Theo đó, nếu có hành vi chiếm đoạt để hưởng lợi cá nhân thì cần xử lý về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; còn nếu chỉ vì động cơ vụ lợi đơn thuần để mang lại lợi ích chung cho cả đơn vị thì có thể xử lý nhẹ nhàng hơn với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo diễn biến chung của vụ án, HĐXX đã xác định cơ quan điều tra cần phải làm sáng tỏ số tiền mà các tổ chức, cá nhân đã nhận để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi phạm tội của các cá nhân có liên quan, đồng thời có căn cứ giải quyết triệt để vấn đề dân sự. Có thể ở phần sau của vụ án sẽ có thêm nhiều bị cáo có tư cách tương tự Nguyễn Xuân Sơn – tư cách đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp tại Oceanbank ?

Còn những ngân hàng nào “chăm sóc khách hàng” giống Ocean Bank?

Giữa phiên tòa xét xư sơ thẩm, Hà Văn Thắm khẳng định: Vấn đề “chăm sóc khách hàng” bằng cách chi lãi suất ngoài, trả lãi suất vượt trần đã có từ lâu và OceanBank không phải là NH đầu tiên làm việc này.
Lời khai này của Hà Văn Thắm có được xem như một cú đánh động hé lộ góc khuất của hệ thống ngân hàng ? Một số chuyên gia kinh tế bình luận rằng: Thực tế có thời kỳ cho thấy do cần huy động vốn từ nguồn tiền gửi của khách hàng, các ngân hàng đã bước vào cuộc đua lãi suất bất tận. Oceanbank dưới thời Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm cũng không phải ngoại lệ.

Trước đó, một số vụ đại án khiến dư luận quan tâm như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh… nhiều cán bộ ngân hàng đã phải vướng vào vòng lao lý vì chi tiền lãi suất ngoài hợp đồng.

Thực trạng trên được lý giải như sau: Việc đầu tư nhiều, kinh tế tăng trưởng nóng khiến các NH phải giải bài toán thanh khoản. Ngân hàng nào cũng cần tiền để cho vay và hút tiền gửi từ người dân. Nếu không huy động lãi suất cao thì không thu hút được người gửi tiền mà huy động lãi suất cao sẽ vi phạm pháp luật nhưng nhiều ngân hàng đã “nhắm mắt làm liều”.

Cũng chính vì mức lãi suất hấp dẫn, nhiều khách hàng đã chọn cách gửi tiền vào ngân hàng thay vì mang tiền đi kinh doanh. Tuy nhiên tiền vào ngân hàng lại chảy lòng vòng vào các lĩnh vực ảo. Điều này có lợi cho ngân hàng nhưng lại có hại cho nền kinh tế, làm lạm phát tăng cao.

Mặc dù tuyên bố của Hà Văn Thắm tại phiên tòa chưa thể là căn cứ để Cơ quan công an mở cuộc điều tra các ngân hàng khác về hiện tượng chi lãi ngoài. Nhưng từ đây ngân hàng Nhà nước cần phải rà soát và tiến hành thanh kiểm tra toàn bộ hệ thống các TCTD để làm rõ thực trạng nói trên đã và đang tồn tại ở ngân hàng nào? Mức độ vi phạm ra sao? Từ đó có các biện pháp phối hợp với cơ quan công an để xử lý đúng pháp luật.

Hiện nay, về cơ bản ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định về trần lãi suất: Thông tư 07/2014 đã cho phép TCTD áp dụng lãi suất bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường; Thông tư 39/2016 cũng cho phép TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng (chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt). Tuy nhiên các hành vi chi lãi ngoài huy động vốn và trả lãi suất vượt trần xảy ra trước khi các Thông tư này có hiệu lực nhất thiết cần được làm rõ và xử lý thích đáng!

Cần truy trách nhiệm quản lý gây thất thoát phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng cổ phần

Đối với khoản đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại Oceanbank, khi được chủ tọa phiên tòa yêu cầu làm rõ trách nhiệm, đại diện PVN rất tự tin cho rằng: Việc đầu tư vốn vào OceanBank, phía PVN đã làm đúng với các quy định của pháp luật, còn việc quản lý tiền là do phía ngân hàng này.

Câu trả lời này chắc chắn sẽ dấy lên sự bức xúc mạnh mẽ trong dư luận. Nó cho thấy sự thoái thác, chối bỏ trách nhiệm trong việc sử dụng và quản lý phần vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp cổ phần nói chung và trong Ngân hàng TMCP Đại Dương nói riêng.

Sau quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án, một số chuyên gia pháp luật hình sự đưa ra quan điểm: Trước hết, trách nhiệm nói trên cần được làm rõ từ phía Nguyễn Xuân Sơn bởi có một giai đoạn đối tượng này được PVN cử sang Oceanbank làm Tổng Giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT Oceanbank đồng thời là đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng này. Với vị trí đó, Nguyễn Xuân Sơn vừa có trách nhiệm chung trong việc quản lý tài sản của Oceanbank vừa có trách nhiệm riêng biệt đối với phần vốn góp của PVN.

Phần vốn của PVN cùng các cổ đông tại Oceanbank bị thất thoát do nhiều nguyên nhân và một trong số đó thuộc về chủ trương chi lãi ngoài do Nguyễn Xuân Sơn cùng Hà Văn Thắm cấu kết ban hành và chỉ đạo thực hiện. Sự việc này đã gây thiệt hại cho Oceanbank tổng cộng hơn 1.576 tỷ đồng trong đó có 20% thuộc về phần vốn của PVN.

Do đó, bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm chung về thiệt hại gây ra cho Oceanbank (cáo trạng của VKS mới chỉ đề cập đến khía cạnh này), Nguyễn Xuân Sơn còn phải chịu trách nhiệm về 800 tỷ bị thất thoát của PVN với tư cách đại diện phần vốn này của PVN tại Oceanbank và phải chịu trách nhiệm hình sự xoay quanh hai tội: Cố ý làm ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc/và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trách nhiệm đối với sự việc gây thất thoát số tiền 800 tỷ đồng của PVN nói trên không thể chỉ dừng lại ở cá nhân Nguyễn Xuân Sơn. Bởi việc cử Nguyễn Xuân Sơn sang Oceanbank tham gia quản lý ngân hàng đồng thời làm đại diện cho phần vốn góp của PVN thuộc về những người có quyền trong ban lãnh đạo của PVN. Ngoài ra, những người này cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát Nguyễn Xuân Sơn trong việc thực hiện quyền đại diện phần vốn góp của đơn vị mình tại Oceanbank. Theo đó cũng cần phải điều tra làm rõ trách nhiệm của những người này để xử lý đúng pháp luật về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đó là những bình luận, nhận định của một số chuyên gia pháp luật quan tâm đến đại án kinh tế, tham nhũng chấn động này, thậm chí còn có những “gợi ý” về tội danh tương ứng với các dấu hiệu ban đầu của các hành vi liên quan đến khoản thất thoát 800 tỷ đồng của PVN nói riêng và các nội dung khác của vụ án nói chung. Hy vọng trong giai đoạn điều tra bổ sung sắp tới, tất cả những vấn đề nói trên sẽ được cơ quan điều tra lưu ý làm sáng tỏ để xử lý đúng người, đúng tội và đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Tác giả bài viết: Tuệ Lâm

Nguồn tin: Pháp lý Online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây