TIN LIÊN QUAN
Sau khi
plo.vn đăng bài: "Vụ kiện 3 con gà qua nhà hàng xóm" và bài "Tranh cãi quyết liệt vụ 3 con gà đi lạc", chúng tôi tiếp tục nhận được các ý kiến bàn luận của các thẩm phán, kiểm sát viên và sinh viên luật về vụ án vui này.
3 con gà đi lạc đã tạo nên vụ kiện thú vị. Ảnh minh họa: Internet
Thẩm phán LÊ THỊ HỒNG VÂN, TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM:
Chủ gà đã từ bỏ quyền sở hữu
Tôi không không đồng tình với quan điểm xét xử của toà.
Thứ nhất: Căn cứ Quyết định 3065 ngày 7-11-2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ban hành quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩn gia cầm) thì điều kiện chăn nuôi gia cầm tại hộ gia đình phải có chuồng nuôi cách biệt với nhà ở và khu vực chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh. Do vậy, việc bà G thả rông gia cầm là vi phạm điều cấm của pháp luật. Việc để mất gà là lỗi của bà G không quản lý vật nuôi.
Thứ hai: Căn cứ lập luận của tòa cho rằng bà G không đến nhận gà dù biết bà K đang giữ gà do hai bên có mâu thuẫn là có lý do chính đáng là không phù hợp với quy định pháp luật về quyền sở hữu. Cụ thể: căn cứ để chấm dứt quyền sở hữu là người có tài sản từ bỏ quyền sở hữu theo quy định tại Điều 237 BLDS 2015.
Thứ ba: Việc bà K biết gà của bà G nhưng không trả cũng có lý do là vì xích mích hai bên gia đình và dù đã treo cây, đăng Facebook nhưng quá lâu không ai đến nhận thì rõ ràng càng minh chứng cho việc bà G từ bỏ quyền sở hữu.
Kiểm sát viên NGUYỄN THỊ HOA HUỆ, VKSND huyện Củ Chi, TP.HCM:
Chủ gà không được để gà phá phách nhà hàng xóm
Theo tôi, HĐXX tuyên bà K bồi thường 693.000 đồng cho bà G là không hợp lý. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 232 BLDS 2015 thì trường hợp gia cầm của một người thất lạc mà người khác bắt được thì phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 1 tháng kể từ ngày thông báo nếu không ai đến nhận thì gia cầm đó thuộc sở hữu của người bắt được.
Tôi giả sử hai trường hợp:
Trường hợp 1: Sau 1 tháng bà G không đến nhận gà thì vật nuôi thuộc về bà K. Do đó, bà K không có lỗi và không phải bồi thường.
Trường hợp 2: Chưa đến 1 tháng, bà K đã tự động cho người khác, do đó bà K có lỗi. Tuy nhiên, việc bà G để gà thả rông đi sang nhà bà K phá đồ đạc và
phóng uế cũng có lỗi nên không thể bắt bà K bồi thường.
Ông TRẦN CÔNG LINH, sinh viên Luật, ở quận Tân Phú, TP.HCM:
Chủ gà có thể phải bồi thường nếu người giữ giùm gà phản tố
Trong thời hạn một tháng kể từ khi thông báo công khai việc mình đang nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, bà K được hưởng trứng và gà con do ba con gà đi lạc này sinh ra. Bà K còn được thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác trường hợp bà G được nhận lại 3 con gà này.
Đổi lại, bà K phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết ba con gà này.
Với trách nhiệm là chủ của ba con gà, bà G còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gà của bà gây ra cho người khác theo khoản 4 Điều 603 BLDS 2015. Chẳng hạn bà K bị thiệt hại do gà của bà G phóng uế, phá phách hoa màu thì bà K còn có thể phản tố, yêu cầu bà G bồi thường theo tập quán về trường hợp súc vật thả rông...
Chủ gà không qua hàng xóm nhận gà vì "lý do chính đáng"?
Sau khi phát hiện bị mất 3 con gà, bà G nghe hàng xóm nói gà của bà bị bà K nhốt tại nhà bà K. Mặc dù bà và bà K nhà gần nhau nhưng do hai bên có mâu thuẫn từ trước nên bà không đến nhận lại gà mà bà đi báo công an. Nay bà G kiện đòi bà K bồi thường giá trị 3 con gà...
Bà K thừa nhận có bắt giữ 3 con gà vào nhà bà phá đồ đạc và phóng uế bừa bãi. Bà đã biết 3 con gà đó là của bà G. Bà có mời một số người đến làm chứng, sau đó bà treo gà lên cây để “gà của ai thì người nấy đến nhận”.
Bà còn đăng hình 3 con gà lên Facebook để “tìm chủ nhân và buộc chủ khi đến nhận gà phải cam kết nhốt lại, không để gà đến phá đồ đạc phóng uế trong nhà bà nữa”. Do lâu quá mà chủ gà không đến nhận nên bà đã cho số gà này cho 3 người khác.
Tại phiên tòa, bà G và bà K tự nguyện thống nhất 3 con gà mà bà K bắt giữ của bà G với trọng lượng và giá gà thịt theo giá thị trường là 110.000 đồng/kg nên toà không thu thập thêm chứng cứ về giá gà thịt.
Theo HĐXX, việc bà G biết bà K có bắt giữ 3 con gà của bà mà bà không đến nhận là có lý do chính đáng vì 2 bà có mâu thuẫn trầm trọng từ trước, mạnh ai nấy sống, không ai nói chuyện với ai.
Việc 3 con gà vào nhà bà K, bà K không báo chính quyền địa phương mà tự ý bắt giữ trái phép. Mặc dù biết là gà của bà G mà bà K tự ý đem cho ba người khác là xâm phạm đến quyền sở hữu đối với gia cầm của bà G và gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản của bà G. Vì vậy, bà K phải có bồi thường 693.000 đồng cho bà G.
|