Sự xuất hiện của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Đại hội 19

Chủ nhật - 12/02/2017 04:07
Sự xuất hiện của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Đại hội 19

 

(PL News) - Báo Nhật nhận định, có thể ông Hồ Cẩm Đào muốn "chỉ định" người sẽ kế nhiệm ông Tập Cận Bình, giống như Đặng Tiểu Bình đã từng chỉ định ông kế nhiệm Giang.

Nikkei Asian Review ngày 11/2 bình luận, sự xuất hiện công khai hiếm hoi của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại chợ hoa xuân ngày 29 Tết Đinh Dậu (26/1/2017) có thể là dấu hiệu cho thấy những biến động về nhân sự cấp cao nước này trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau nhiều tháng có những đồn đoán về sức khỏe, ông Hồ Cẩm Đào 74 tuổi đã đi chợ hoa ở Quảng Đông hôm 29 Tết dưới sự tháp tùng của ông Hồ Xuân Hoa, 53 tuổi, hiện là Ủy viên Bộ chính trị khóa 18 kiêm Bí thư tỉnh Quảng Đông.

Được xem như một ngôi sao chính trị đang lên trong nhiều năm qua, Hồ Xuân Hoa là một trong vài gương mặt khá trẻ trên vũ đài chính trị Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn thay đổi lãnh đạo. 

Ông Hồ Cẩm Đào đi chợ hoa 29 Tết tại Quảng Đông, ông Hồ Xuân Hoa - Bí thư tỉnh tháp tùng, nhưng không thấy báo chí đưa tin. Ảnh: Liên Hợp.

Mặc dù không có họ hàng gì, nhưng dư luận gắn thêm chữ "lớn" khi gọi tên ông Hồ Cẩm Đào, chữ "nhỏ" khi nhắc đến ông Hồ Xuân Hoa, điều này phản ánh mối quan hệ thày trò - bảo trợ giữa 2 nhà lãnh đạo.

Năm 1988 ông Hồ Cẩm Đào được phân công làm Bí thư Tây Tạng đúng lúc khu tự trị này đang hỗn loạn. Hồ Xuân Hoa có mặt tại Lhasa, thủ phủ Tây Tạng thời điểm đó và ủng hộ ông Đào, với vai trò lãnh đạo tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc ở Tây Tạng.

Sau một thời gian làm Bí thư Tây Tạng, ông Hồ Cẩm Đào vào Bộ chính trị, rồi Thường vụ Bộ Chính trị trước khi trở thành người kế nhiệm ông Giang Trạch Dân.

Hiện nay Hồ Xuân Hoa cũng đã kinh qua các chức vụ khác nhau, và trở thành ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm.

Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 có 25 thành viên, bao gồm cả 7 thành viên Thường trực Bộ chính trị. Trong số 25 người, Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài - Bí thư Trùng Khánh 53 tuổi, là những gương mặt được cho là sáng giá cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyến thăm chợ hoa ở Quảng Đông của ông Hồ Cẩm Đào, ông Hồ Xuân Hoa đã gây xôn xao trong dư luận những người theo dõi chính trường Trung Quốc trong và ngoài nước.

Bởi hình ảnh 2 nhà lãnh đạo đương nhiệm và nghỉ hưu thăm chợ hoa không được báo chí chính thống nào đưa tin, nhưng được chụp và phát tán trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Thông thường, các cựu lãnh đạo hàng đầu như ông Hồ Cẩm Đào thường được bảo vệ an ninh chặt chẽ mỗi khi xuất hiện nơi công cộng, người bình thường không thể tiếp cận họ.

Nhưng những bức ảnh ông Hồ Cẩm Đào, ông Hồ Xuân Hoa đi chợ hoa 29 Tết ở Quảng Đông nhanh chóng bị bộ phận kiểm duyệt internet Trung Quốc xóa bỏ.

Thực tế họ còn đi xa hơn bằng cách ngăn chặn tìm kiếm trực tuyến bằng từ khóa "Hồ Cẩm Đào". Bất cứ ai tìm kiếm từ khóa này trên các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc đều sẽ nhận được cảnh báo, kết quả không hiển thị theo đúng pháp luật và quy định liên quan.

Việc ngăn chặn tìm kiếm trực tuyến từ khóa là tên của một nhà cựu lãnh đạo như ông Hồ Cẩm Đào, theo Nikkei Asian Review là một sự bất thường.

Tờ báo Nhật nhận định, có thể ông Hồ Cẩm Đào muốn "chỉ định" người sẽ kế nhiệm ông Tập Cận Bình, giống như Đặng Tiểu Bình đã từng chỉ định ông kế nhiệm Giang Trạch Dân.

Nhưng tình hình giờ đã thay đổi. Cuối tháng 10 năm ngoái Hội nghị Trung ương 6 đã xác lập vai trò "hạt nhân lãnh đạo" cho ông Tập Cận Bình. Ông Bình cũng đã có những "hiệu chỉnh quan trọng" ngay trước thềm Đại hội 19.

Đó là việc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương do ông Vương Kỳ Sơn lãnh đạo đã kiểm tra Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm 2015.

Tháng 2/2016, Ủy ban này kết luận, Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc vốn được xem là cái nôi của các nhà lãnh đạo như Hồ Cẩm Đào, đã quá tập trung vào "giải trí" và "tầng lớp quý tộc", đòi hỏi cơ quan này phải cải cách. [1]

Một chỉ dấu khác cũng sẽ khiến cho việc dự đoán bộ máy lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sau Đại hội 19 sẽ trở nên khó đoán hơn các nhiệm kỳ trước được tờ South China Morning Post, Hồng Kông đưa tin hôm 7/2.

Tờ báo dẫn lời ông Deng Maosheng, phát ngôn viên Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc nói với các phóng viên Hồng Kông:

"Mọi người vẫn nói 67 vào, 68 ra, tức là một số thành viên Thường vụ Bộ chính trị sẽ nghỉ hưu trước tuổi 68. Tuy nhiên Đảng sẽ quyết định việc này tùy theo hoàn cảnh. Không có tiêu chuẩn cụ thể về tuổi tác về hưu cho Thường vụ Bộ chính trị".

Bình luận của ông Deng Maosheng như là một cú sốc cho nhiều nhà quan sát chính trị Trung Quốc, những người lâu nay vẫn cho rằng "67 vào, 68 ra" là điều mặc nhiên trong việc chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo từ năm 2002 trở về đây.

Hiến pháp Trung Quốc hạn chế nhiệm kỳ chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng không quá hai khóa, nhưng không có quy định nào về giới hạn tuổi của Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Tuy nhiên năm 2002, khi ông Giang Trạch Dân chuyển giao chức vụ Tổng bí thư - Chủ tịch nước cho ông Hồ Cẩm Đào khi ông Dân 74 tuổi, các thành viên khác của Thường vụ Bộ chính trị đều nghỉ hưu khi trên 68 tuổi.

Thông lệ này được duy trì trong hai lần thay đổi lãnh đạo năm 2007, 2013, những người 68 tuổi trở lên về hưu, và người lớn tuổi nhất tham gia Thường vụ là 67 tuổi. [2]

Nguồn tin: Theo Giáo dục VN:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây