Ngày 22/11/1963, Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy bị ám sát!
Cái chết bất ngờ của Tổng thống Kennedy là một bước ngoặt lớn trong lịch sử Mỹ nói riêng và lịch sử thế giới nói chung.
Thập niên 1960 khi đó đang chứng kiến cuộc đối đầu leo thang giữa Mỹ và Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 4 thập kỷ (1946 - 1991) với những thành tựu mà người Liên Xô đang tạm dẫn đầu.
Năm 1963 đánh dấu tròn 2 năm người Liên Xô đạt được 2 thành tựu vĩ đại nhất trong cuộc đua Long - Hùm thế kỷ 20: (1) Lần đầu tiên trong lịch sử đưa người bay ra ngoài vũ trụ (do phi hành gia Yuri Gagarin thực hiện trên tàu vũ trụ Phương Đông 1 ngày 12/4/1961); (2) Khoảng 6 tháng sau đó, Liên Xô chế tạo và thử thành công quả bom nguyên tử mạnh nhất từng được thí nghiệm trong lịch sử nhân loại - Bom Sa Hoàng (Tsar Bomba) ngày 30/10/1961.
Là tổng thống chứng kiến những bước tiến nhảy vọt trên lĩnh vực vũ khí và công nghệ không gian Liên Xô, Kennedy tất yếu thực hiện những nước cờ táo bạo nhằm nhanh chóng lấy lại vị thế cân bằng trước đối thủ. Một trong số đó là tham vọng đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử có người đổ bộ Mặt Trăng.
Tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy. Ảnh: Robert Knudsen/RBTH
"Tôi tin rằng, nước Mỹ nên cam kết thực hiện cho kỳ được mục tiêu đưa người đổ bộ Mặt Trăng rồi trở về Trái Đất an toàn trước khi thập niên 1960 này khép lại." - Tổng thống Kennedy tung con bài táo bạo năm 1961 trước Quốc hội Mỹ nhằm nhanh chóng hoàn thành mục tiêu chính trị cao nhất của mình: Đánh bại Liên Xô.
Tuy nhiên...
2 năm sau lời hiệu triệu cùng những hỗ trợ tài chính cần thiết cho NASA, Tổng thống Kennedy bị ám sát. Trải qua 2 đời tổng thống kế nhiệm, năm 1969, nước Mỹ hoàn thành khát vọng dở dang của Kennedy một cách thần kỳ: Cuộc đổ bộ Mặt Trăng của phi hành đoàn Apollo 11 ngày 20/7/1969 trở thành thành tựu vũ trụ vô tiền khoáng hậu, đến nay chưa một quốc gia nào thực hiện được.
Trở lại ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát lúc 12:30 ngày 22/11/1963 khi ông cùng phu nhân đang di chuyển trên chiếc xe mui trần, thăm thành phố Dallas, tiểu bang Texas.
Cái chết đột ngột của tổng thống thứ 35 của Mỹ khiến Liên Xô phản ứng thế nào? Tờ Russia Beyond (Nga) cung cấp những thông tin xoay quanh sự kiện lịch sử khó quên trong lịch sử Mỹ này.
Tổng thống Kennedy và phu nhân trên chuyến đi định mệnh. Nguồn: Reuters
Đó là một ngày nắng ấm khi đoàn xe của Tổng thống thứ 35 Mỹ Kennedy di chuyển dọc theo đường Elm ở thành phố Dallas, Texas. Trước thịnh tình của người dân bang Texas, chiếc xe chở tổng thống đã được bỏ mái che.
Trao đổi vài lời với vợ Jacqueline, Tổng thống Kennedy quay sang đám đông và vẫy tay đôi lần. Một lát sau, vào đúng 12:30, hai trong số ba phát súng từ tầng 6 của Kho lưu trữ sách học Texas đã bắn trúng tổng thống.
Nửa giờ sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, Tổng thống Kennedy qua đời.
Tin tức về vụ ám sát Tổng thống Kennedy gây chấn động toàn thế giới, trong đó có Liên Xô. Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev thức giấc giữa đêm với thông tin của trợ lý riêng: Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát. "Chúng ta có liên quan đến cái chết này không?" - là phản ứng đầu tiên của Khrushchev sau khi hay tin người đứng đầu nước Mỹ qua đời.
Câu hỏi khó hiểu của nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev có một logic nhất định. Bởi Lee Harvey Oswald - cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ bị cáo buộc ám sát Tổng thống Kennedy ngày 22/11/1963 - có mối liên hệ với Liên Xô.
Lee Harvey Oswald trước đó đã sống ở Liên Xô 2 năm, kết hôn với một phụ nữ Liên Xô. Khi cảm thấy thất vọng với xã hội quê vợ, Lee Harvey Oswald thuyết phục vợ và con gái trở về quê hương Mỹ mùa hè năm 1962.
Lee Harvey Oswald và Marina Prusakova (người vợ Liên Xô) chụp hình tại Minsk, Liên Xô. Ảnh: Getty Images
Tin tức về vụ ám sát Tổng thống Kennedy nhanh chóng lan rộng. KGB thực hiện hàng loạt các cuộc họp khẩn cấp. Các báo cáo được giải mật năm 2017 cho biết, người đứng đầu KGB ở New York (Mỹ) là Đại tá Boris Ivanov nói với cấp dưới rằng: Vụ ám sát tổng thống Mỹ 'có vấn đề'.
Rắc rối liên quan đến cái chết đột ngột của người đứng đầu nước Mỹ xảy ra đúng như tiên liệu của người Liên Xô.
Dưới thời Kennedy, quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ- Xô có dấu hiệu tan băng phần nào. Trở lại tháng 5/1963, năm tháng trước khi bị ám sát, Tổng thống Kennedy đã tuyên bố: Đến cuối cùng thì điểm chung cơ bản nhất của tất cả chúng ta là đều sống trên hành tinh nhỏ này. Chúng ta hít thở chung một bầu không khí và tất cả chúng ta không ai là không yêu thương con cháu mình".
Kennedy thậm chí còn bày tỏ thiện chí muốn cộng tác với Liên Xô để đưa phi hành gia đổ bộ Mặt Trăng. John Logsdon, cựu thành viên của Hội đồng tư vấn NASA, nói rằng Tổng thống Kennedy đã đề nghị hợp tác không gian với Khrushchev, nhưng lãnh đạo Liên Xô đã từ chối.
Sau sự kiện Tổng thống Kennedy bị ám sát, giới lãnh đạo Liên Xô lo sợ rằng các lực lượng cực đoan chống phá nhà nước có thể lợi dụng tình hình. Các tài liệu lưu trữ cũng cho thấy, Điện Kremlin đang ở trạng thái sốc và hỗn loạn. Lãnh đạo Liên Xô lo ngại rằng, trước tình thế mất đi người đứng đầu quốc gia, một số tướng Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào Liên Xô.
Tin tức tiếp tục lan truyền trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Sáng ngày 23/11/1963, hầu hết người dân Liên Xô đều biết về cái chết của Tổng thống Kennedy. Dù là quốc gia đối đầu nhau trong cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng sự ra đi đột ngột của ông đã khiến nhiều người dân Liên Xô thương xót.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Kennedy và lãnh đạo Liên Xô Nikita S. Khrushchev tại Vienna, Áo tháng 4/1961. Nguồn: Ron Case/Keystone Press, via Hulton Archive, via Getty Images
Một ngày sau sự kiện chấn động thế giới, tờ báo Nedelya (Liên Xô) đưa hình ảnh Tổng thống Kennedy lên trang nhất.
Trong cuốn sách "Memoirs of Nikita Khrushchev: Volume 2: Reformer", con trai của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev là Sergey Khrushchev nhớ lại rằng, hay tin cái chết của người đồng cấp, ông ấy khụy xuống, tỏ rõ sự ngạc nhiên và mất mát trong mắt. Sinh thời, Tổng thống Kennedy giống như niềm hy vọng của Liên Xô. Khi mất đi, ông ấy để lại một khoảng trống lớn.
Theo các tài liệu được giải mật dựa trên các báo cáo của đặc vụ Mỹ tại Liên Xô, Điện Kremlin tin rằng vụ ám sát là kết quả từ âm mưu của các phần tử cực kỳ bất mãn với chính quyền Tổng thống Kennedy.
Kết quả này trùng khớp với cuộc điều tra năm 1966 của Erling Harrison, luật sư quận của bang New Orleans, Mỹ.
Tuy nhiên, dư luận Mỹ lại cho rằng, vụ ám sát theo một cách nào đó có liên quan đến Liên Xô (và cả Cuba). Điều này buộc Điện Kremlin phải bảo vệ chính mình.
"Chỉ có kẻ điện mới có thể nghĩ rằng lực lượng cánh tả đại diện bởi Đảng Cộng sản Mỹ thực hiện cuộc ám sát Tổng thống Kennedy." - Trích báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ.
Về phần Lee Harvey Oswald, giới chính khách Liên Xô bắt đầu gọi người này là "kẻ thần kinh không ổn định, bất trung với người dân và đất nước của hắn ta".
Ảnh bắt giữ của Lee Harvey Oswald . Nguồn: Warren Comission / Wikimedia Commons
Đồng thời, KGB nhanh chóng xóa sạch mọi dấu vết của Lee Harvey Oswald tại Liên Xô. Họ thu giữ tất cả các bức ảnh, lá thư... của Lee Harvey Oswald từ những người bạn cũ của người này trong thời gian ở Minsk, Liên Xô nhằm làm sạch mọi dấu vết trong khoảng thời gian Lee Harvey Oswald tạm trú tại Liên Xô - Giáo sư Ernst Titovets - sinh viên y khoa Liên Xô, người biết Lee Harvey Oswald, nhớ lại.
Trong một thông cáo báo chí chung, Bộ Ngoại giao Liên Xô và KGB tuyên bố rằng Lee Harvey Oswald chưa bao giờ liên lạc với chính quyền Liên Xô, do đó, những kẻ thuộc diện tình nghi nên được truy tìm tại Mỹ. Thậm chí, Bộ Chính trị Liên Xô còn nhấn mạnh, Điện Kremlin sẵn sàng cung cấp mọi thông tin liên quan đến Lee Harvey Oswald trong trường hợp Mỹ yêu cầu.
Tuy nhiên, cuộc trao đổi giữa Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Llewellyn Thompson với chính quyền Liên Xô chưa bao giờ được công bố.
"Điều này chứng tỏ, chính phủ Mỹ không muốn chúng tôi có bất cứ liên quan, dính dáng gì đến vụ điều tra hậu ám sát. Mỹ dường như muốn chôn vùi sự kiện chấn động này càng sớm càng tốt." - Anastas Mikoyan, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, viết trong một lá thứ mật.
Cuối cùng, thông tin sai lệch và tin tức giả mạo xuất hiện. Vào những năm 1960, tình báo Liên Xô đã lan truyền tin đồn về mối liên hệ của CIA với vụ ám sát Kennedy và trả tiền cho luật sư Mỹ Mark Lane, tác giả của một số cuốn sách bán chạy gây tranh cãi về vụ ám sát Kennedy (như Rush to Judgement, 1966), để nói lên sự liên quan của CIA và các thuyết âm mưu khác. Điều này được mô tả chi tiết trong các tài liệu được tổ chức tại Trung tâm Lưu trữ Churchill ở Cambridge, Vương quốc Anh.
Tất cả điều này làm giảm bớt các cuộc 'công kích' vào Liên Xô. Các cuộc điều tra sau đó không tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ Liên Xô có liên quan đến vụ ám sát.
Năm 1999, tại Cologne, Đức, Tổng thống Nga Boris Nikolaevich Yeltsin đã bàn giao cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton 80 trang tài liệu từ kho lưu trữ bí mật của Liên Xô liên quan đến Lee Harvey Oswald và phản ứng của Liên Xô về vụ ám sát.
6 năm sau ngày Tổng thống Kennedy qua đời, ngày 20/7/1969, NASA hoàn thành tâm nguyện đưa người đổ bộ Mặt Trăng của ông. Vài giờ sau thành tựu vũ trụ khiến cả thế giới sửng sốt này, người ta tìm thấy một mẩu giấy kèm một bó hoa nhỏ đặt trên mộ của Tổng thống Kennedy ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Bên trong viết rằng: "Thưa Tổng thống! Đại Bàng hạ cánh thành công!"
Đại Bàng là mật danh của mô-đun Mặt Trăng do phi hành gia Mỹ Neil Armstrong và Buzz Aldrin điều khiển, đổ bộ trực tiếp Mặt Trăng ngày 20/7/1969 lịch sử.
Bài viết sử dụng nguồn: Russia Beyond
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn