Lừa “con nợ” đi vay tiền người khác
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao: Từ năm 2009, bà Phạm Thị Thúy đã nhiều lần vay tiền của Huỳnh Thị Chính (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) để kinh doanh và cho người khác vay hưởng chênh lệch lãi suất. Ngày 05/3/2011, Thúy viết giấy xác nhận nợ Chính số tiền 32 tỷ đồng.
Nhận thấy con nợ đã mất khả năng thanh toán, không có tài sản gì có giá trị để trừ nợ, Chính nhờ Nguyễn Phú Sơn (SN 1969, ngụ quận 10, TP HCM) tìm cách đòi nợ hộ. Do trước đây nhiều lần được Chính giúp đỡ, Sơn muốn “trả ơn” nên đồng ý. Sau khi bàn bạc, cả hai đi đến thống nhất phải tìm cách buộc Thúy vay tiền của người khác để trả nợ.
Trong thời gian này, một người quen của Sơn muốn thế chấp căn nhà để vay tiền ngân hàng. Sơn giúp đỡ người này hoàn thiện hồ sơ và được được phía ngân hàng xác nhận: Ngân hàng đồng ý trên nguyên tắc sẽ thu xếp nguồn vốn cho vay tối đa là 25 tỷ nếu người vay đảm bảo điều kiện theo quy chế của Ngân hàng Nhà nước.
Chính giao bộ hồ sơ cho “con nợ” Thúy và nói nếu tìm được người cho vay tiền thì sẽ được hưởng hoa hồng. Tin lời, Thúy đã photocopy hồ sơ thành 3 bản, đem “rải” ở những “mối” chuyên cho vay. Hai người đầu từ chối với lý do không đủ tin tưởng hoặc không đủ nguồn tiền.
Người thứ 3 là bà Nguyễn Thị Minh (nhân viên một ngân hàng) đồng ý cho vay với điều kiện gặp trực tiếp người có tên trong hồ sơ. Thúy dẫn bà Minh đến gặp Sơn. Sơn cho biết “người chính chủ” thường xuyên đi vắng nên đã ủy quyền cho anh ta chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc giao dịch.
Đồng thời, Sơn nói đã làm đầy đủ các thủ tục hồ sơ nộp ngân hàng nên chỉ cần tiền trong khoảng 3-5 ngày, vay được sẽ hoàn trả ngay. Sau khi kiểm tra thông tin bà Minh đồng ý.
Hai bên thỏa thuận vay số tiền 17,5 tỷ đồng trong thời hạn 5 ngày với lãi suất 1%/ngày.
Ngày 17/3/2011, Sơn đến cơ quan của bà Minh để nhận tiền và làm giấy xác nhận nợ. Sau khi trừ lãi, số tiền thực nhận được là hơn 16,6 tỷ. Sơn mang 16 tỷ giao cho Chính, còn giữ lại hơn 600 triệu đồng. Cùng ngày, Chính yêu cầu “con nợ” Thúy viết giấy nhận còn nợ 16 tỷ đồng.
Đến ngày phải trả tiền, Sơn tắt máy. Sau đó Chính thông báo số tiền 16 tỷ đã được trừ vào khoản nợ và yêu cầu “con nợ” Thúy phải trả cho bà Minh số tiền trên. Bà Minh làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Sơn và Chính đã bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Diễn biến vụ án như nêu trên, không quá phức tạp, nhưng quá trình tố tụng của vụ án này đặc biệt gian truân.
Thời điểm bị bắt, Sơn và Chính không thừa nhận hành vi của mình, đồng thời đẩy hết trách nhiệm cho bà Thúy.
Trong suốt quá trình điều tra, cơ quan tố tụng cho hay hai bị can này cương quyết không nhận tội. Trước khi xét xử, TAND TP HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ ý thức chủ quan, sự bàn bạc giữa Sơn và Chính nhiều lần.
Gần 3 năm sau, TAND TP HCM mới đưa vụ án ra sơ thẩm lần 1. Tại tòa, hai bị cáo đồng loạt kêu oan. Chính và Sơn cho rằng giao dịch của họ là giao dịch dân sự. Cụ thể là quan hệ vay mượn tiền giữa các bị cáo và người bị hại, cùng những người có liên quan khác. Việc cấn nợ bằng các biên nhận được lập một cách tự nguyện. Hai bị cáo cho rằng họ chỉ mới đòi được một phần tiền của mình, chứ không lừa đảo chiếm đoạt của người khác.
Tuy nhiên cấp sơ thẩm nhận định, đã có đủ cơ sở để khẳng định Chính và Sơn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên tuyên phạt 2 bị cáo mức án 20 năm tù.
“Luật ngầm” nặng lãi hé lộ qua lời khai
Ngày 13/1/2015, TAND Tối cao tại TP HCM mở phiên xử phúc thẩm. HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, còn rất nhiều vấn đề cần chứng minh trong vụ án hiện không có điều kiện bổ sung, làm rõ được tại phiên tòa. Từ đó, TAND Tối cao tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Mất thêm gần 2 năm điều tra, TAND TP HCM mới mở phiên xử sơ thẩm lần hai.
Ngày 9/3/2017, hai bị cáo được đưa tới phòng từ rất sớm. Sau bốn năm bị giam giữ, Nguyễn Phú Sơn có vẻ mập mạp và tự tin. Ngược lại Huỳnh Thị Chính gầy gò tiều tụy, cúi mặt xuống đất.
Trong phần xét hỏi, cả hai bị cáo đều thay đổi 180 độ so với hai phiên tòa trước. Họ khai rành mạch, chi tiết đồng thời thừa nhận hành vi của mình như trong cáo trạng truy tố.
“Con nợ” Nguyễn Thị Thúy thì đến tòa với phong thái quý phái sang trọng. Bà thừa nhận, từ năm 2009 thường xuyên vay tiền của Chính để cho vay nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Đến tháng 3/2011, bà mất khả năng chi trả và còn nợ Chính số tiền 32 tỷ đồng.
Bà Thúy khai:
- Trước đó tôi có xin chị Chính bỏ tiền lãi và giảm tiền gốc cho tôi. Do đó, khi chị ấy gọi đến nhà làm giấy xác nhận còn nợ 16 tỷ thì tôi nghĩ là chị ấy cho tôi 16 tỷ.
Chủ tọa có vẻ ngạc nhiên:
- Bà nghĩ chủ nợ cho bà số tiền 16 tỷ thì có hợp lý không?
- Theo tôi thì hợp lý, vì trong thời gian 3 năm, số tiền tôi làm lợi cho chị ấy lớn hơn số 16 tỷ nhiều.
Ngẫm nghĩ một lúc: Nếu tôi nhớ không nhầm thì khoảng 60 tỷ.
Khi nghe đến con số 60 tỷ tiền lãi, những người trong phòng xử ai nấy đều hết sức kinh ngạc.
Tuy nhiên, phần thẩm vấn bị hại còn “choáng váng” hơn nữa.
Chủ tọa: Bà cho bị cáo Sơn vay với mức lãi suất bao nhiêu?
Bà Nguyễn Thị Minh: 1%/ ngày
- Tức là 30%/tháng?
- Đúng thế.
- Cho vay 17,5 tỷ trong 5 ngày mà lãi lên đến 825 triệu đồng, liệu có quá cao không?
Bị hại: Tôi nghĩ là cao, rất cao.
Rồi tỏ vẻ ngập ngừng: 6 năm nay tôi theo vụ án này, tiền bạc không lấy được, lại mất rất nhiều thời gian công sức. Tôi thừa nhận tôi bị lòng tham làm mờ mắt nên đã không thẩm định kỹ người vay cũng như theo dõi nguồn tiền.
Trước tòa, Sơn đề nghị chuyển số tiền 640 triệu đồng và một chiếc ô tô cho và Nguyễn Thị Minh để khắc phục hậu quả. Bị cáo Chính sở hữu một căn nhà (khoảng 7 tỷ đồng) nhưng do trước đó đã thế chấp ngân hàng nên không còn tài sản để khắc phục hậu quả.
Sau khi xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, TAND TP HCM đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phú Sơn 18 năm tù, Huỳnh Thị Chính 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguồn tin: PLVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn