1/ SƠ LƯỢC NỘI DUNG VỤ ÁN.
Nguyễn Hồng V hành nghề xe ôm tại thành phố V.T. Khoảng tháng 6 năm 2012 Trần Thị Cẩm Ly* (hành nghề massage) có hỏi mượn Nguyễn Thị Kim L. số tiền 20.000.000 đồng. L nói với V. (là bạn của L.) lấy 20.000.000 đồng giao cho Võ Thanh T. (bạn ở cùng phòng trọ với V.) mang tiền đến giao cho Trần Thị Cẩm Ly.
Đến hạn trả nợ nhưng Ly chưa trả nên khoảng 23 giờ ngày 14/1/2013 V. cùng Võ Thanh T. đến nhà số 36/9 đường THĐ, Thành phố V.T gặp Ly để đòi tiền nhưng không gặp nên V. và T. đứng đợi. Khoảng 30 phút sau, Lê Văn Tiến (bạn trai của Ly) điều khiển xe mô tô hiệu Atilla biển số 72C1… chở Ly về thì bị V. chặn đầu xe và yêu cầu Ly trả nợ. Ly nói không mượn tiền V. mà chỉ mượn Nguyễn Thị Kim L. nên Ly gọi điện cho L. đến để làm rõ. Khi vừa đến nơi, L. tát vào mặt Ly yêu cầu Ly trả tiền còn thiếu, nếu không thì, hoặc là Ly phải đi theo bọn V. để giải quyết chuyện nợ nần hoặc là đưa xe mô tô trên cho V. khi nào có đủ 10.000.000 đồng thì V. sẽ trả lại xe.
Do đã khuya và sợ Ly tiếp tục bị đánh nên Lê Văn Tiến đồng ý để cho nhóm V. lấy xe mang về phòng trọ cất giữ. Sau đó V. tiếp tục gọi điện, nhắn tin đòi tiền Ly. Ly có nói với V. là chỉ mới chuẩn bị được 5.000.000 đồng. V. yêu cầu Ly phải viết giấy nợ đúng số tiền mượn là 20.000.000 đồng và giao giấy tờ xe, chứng minh nhân dân mang tên Lê Văn Tiến cho V. thì V. sẽ giao xe lại. Do công việc cần phải có phương tiện đi lại nên Tiến đồng ý làm theo yêu cầu của V. để lấy lại xe.
Một thời gian sau, V. tiếp tục tìm Ly để đòi số tiền còn thiếu, nhưng không tìm được. Sau khi dò hỏi, biết được nơi làm việc của Ly nên khoảng 1 giờ ngày 28/9/2013 V. rủ Nguyễn Hoài K. đến khách sạn T.V, phường 2 Thành phố V.T. gặp Ly yêu cầu trả nợ, nhưng Ly trả lời không còn nợ nần gì V. nữa nên V. đánh Ly. Cùng lúc này, Lê Văn Tiến điều khiển xe mô tô hiệu Atilla biển số 72C1… đến đón Ly.
Gặp Tiến, Ly nói mới vừa bị V. đánh, Tiến quay sang chửi V. thì V dùng chân đá Tiến nhưng không trúng và bị té ngã, Tiến định lao vào đánh V. thì bị K. dùng nón bảo hiểm đánh. Do bị đánh đau nên Tiến bỏ chạy để lại xe mô tô tại hiện trường. Thấy Tiến bỏ chạy, V. nói với K. mang xe mô tô của Tiến về phòng trọ của V. cất giữ.
Sáng hôm sau, Lê Văn Tiến và Trần Thị Cẩm Ly cùng có đơn tố giác Nguyễn Hồng V, Nguyễn Hoài K và Nguyễn Thị Kim L. về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Ngày 3/10/2013 Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố V.T có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Nguyễn Hồng V. Nguyễn Hoài K. về tội cướp tài sản; Nguyễn Hồng V. và Nguyễn Thị Kim L. về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 229/2014/HSST ngày 13/10/2014 Nguyễn Hồng V. bị TAND Thành phố V.T xử phạt 09 năm tù về các tội “Cướp tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS và tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 135 BLHS.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng hành vi của mình không phạm vào các tội cướp và cưỡng đoạt tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 21/2015/HSPT ngày 28/01/2015, TAND tỉnh B.V nhận định:
Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Hồng V. về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
… Tuy anh Tiến buộc phải giao xe cho bị cáo V nhưng anh Tiến và chị Ly cũng đều hiểu là giao xe để đảm bảo cho việc trả nợ… các sự việc diễn ra sau đó một tuần đã chứng tỏ ý thức chủ quan của anh Tiến và chị Ly về việc chấp nhận giao xe cho V. để đảm bảo việc vay nợ.
Khi chị Ly trả một phần nợ thì bị cáo V. cũng trả lại xe máy cho anh Tiến. Vì vậy, án sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội cưỡng đoạt tài sản là chưa có căn cứ thuyết phục.
Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Hồng V. về tội “cướp tài sản”.
… về ý thức chủ quan của bị cáo Nguyễn Hồng V. trong việc lấy chiếc xe máy của anh Tiến, chỉ nảy sinh sau khi đánh nhau với anh Tiến. Tức là có sau khi đã dùng vũ lực đối với người có tài sản. Điều này không thoả mãn dấu hiệu về mặt chủ quan của tội cướp tài sản quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự…
Từ nhận định trên, Toà án cấp phúc thẩm đã tuyên xử:
Huỷ toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 229/2014/HSST ngày 13/10/2014 của TAND thành phố V.T, giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố V.T để tiến hành điều tra lại theo thủ tục chung.
BÌNH LUẬN.
Điều 133 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về tội cướp tài sản như sau:
“Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản …”
…
Căn cứ vào cấu thành cơ bản nêu trên của điều luật, chúng ta dễ dàng nhận thấy, đối với tội “Cướp tài sản”, việc người phạm tội dùng vũ lực là nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nói khác, hành vi dùng vũ lực là cách thức, phương tiện để người phạm tội đạt đến mục đích chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, đặc trưng cơ bản của tội phạm này là, ý thức chiếm đoạt bao giờ cũng có trước khi có hành vi dùng vũ lực.
Như vậy, vấn đề cần xác định ở đây là, mục đích và lý do của việc bị cáo dùng vũ lực trong vụ án này là gì? Xuất phát từ mâu thuẫn trong việc tranh chấp nợ nần, hay do bị cáo muốn chiếm đoạt tài sản của người bị hại?
Vấn đề này đã được chính bản án sơ thẩm xác định như sau:
“ … khoảng 01 giờ ngày 28/9/2013, V. rủ Nguyễn Hoài K. đến khách sạn T.V, trên đường T.V, phường 2, Thành phố V.T gặp chị Ly. yêu cầu chị trả nợ, nhưng chị Ly. trả lời không còn nợ gì V. nữa nên V. đánh chị Ly. Cùng lúc này anh Tiến điều khiển xe mô tô hiệu ATILLA biển số 72C1… đến đón chị Ly. … gặp Tiến, chị Ly. nói mới bị V. đánh, anh Tiến quay sang chửi V. thì V. dùng chân đá anh Tiến nhưng không trúng và bị té ngã, anh Tiến định lao vào đánh V. thì bị K. dùng nón bảo hiểm đánh ….”
Ngoài ra, tại “Đơn bãi nại” ngày 11/01/2014 chính người bị hại là anh Lê Văn Tiến. cũng như chị Ly đều xác định nguyên nhân dẫn đến việc ẩu đả như sau : “ ngày 28/9/2013 có xảy ra việc gây gổ, xô xát giữa chúng tôi và V., K, L, sự việc là do có sự hiểu lầm trong việc nợ nần, tiền bạc…”
Như vậy, chính lời khai của người bị hại cũng như bản án sơ thẩm đã xác định, việc bị cáo dùng vũ lực, đánh nhau với người bị hại là xuất phát từ mâu thuẫn, tranh cãi trong việc nợ nần giữa bị cáo với chị Ly. và anh Tiến chứ không phải bị cáo dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, việc toà án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo về tội cướp tài sản là hoàn toàn không có căn cứ.
Mặt khác, việc bị cáo mang tài sản của người bị hại về nhà trong trường hợp này, cũng không đủ cơ sở để xác định đó là hành vi chiếm đoạt. Bởi lẽ, ngay trong ngày xảy ra sự việc (28/9/2013) bị cáo đã có dự định, sẽ mang chiếc xe và giấy tờ có liên quan đến trình báo với cơ quan công an. Điều này đã được thể hiện qua lời khai của bị cáo tại Biên bản hỏi cung ngày 25/11/2013 (BL 84) như sau: “ Tôi định đầu giờ chiều ngày 28/9/2013 mang chiếc xe và giấy tờ có liên quan lên báo công an nhờ giải quyết nhưng chưa kịp đi vì chân đau, và Ly. đã gọi điện trả tiền, cho nên tôi không đi”
Lời khai trên của bị cáo cũng phù hợp với lời trình bày của chị Ly tại “Biên bản đối chất” ngày 27/6/2014 như sau:
Hỏi: trưa ngày 28/9/2013, cô Ly có gọi cho V. mang xe lên để trả tiền lấy xe không?
Đáp: khi tôi lên công an trình báo, cơ quan công an đề nghị tôi gọi cho anh V. mang xe ra để tôi trả tiền và lấy xe về.
Như vậy, trên thực tế, hành vi đưa xe về nhà của bị cáo, chỉ mới thể hiện dưới dạng chiếm giữ, cất giữ tài sản, chứ hoàn toàn chưa thể hiện các hành vi mang tính chất chiếm đoạt (như đem bán hay cất giấu, không thừa nhận mình đang giữ xe, để sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt).
Vì vậy, cũng không có cơ sở để cho rằng, việc bị cáo mang xe của bị hại về nhà trong trường hợp này, là hành vi chiếm đoạt tài sản như nhận định của bản án sơ thẩm.
(còn tiếp…)
Tác giả bài viết: Luật sư Hồ Ngọc Diệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn