Năm 2016: Người chiến thắng là ông Putin

Thứ ba - 24/01/2017 18:19
Năm 2016: Người chiến thắng là ông Putin
Tổng thống Vladimir Putin tham dự một cuộc họp ở Điện Kremlin ngày 25-11 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Vladimir Putin tham dự một cuộc họp ở Điện Kremlin ngày 25-11 - Ảnh: Reuters

Đầu năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều lý do để lo lắng cho một năm trước mắt. Hậu quả của áp lực trong nước và quốc tế tiếp tục xiết chặt nước Nga trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị.

Nền kinh tế Nga suy thoái 3,7% trong năm 2015 do sự kết hợp giữa giá dầu thấp và lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

Cô lập quốc tế đối với Nga trở nên tệ hơn sau hành động can thiệp quân sự vào Syria trên danh nghĩa giúp đỡ Tổng thống Bashar al-Assad.

Ngoài ra phải kể đến rạn nứt trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ chiếc tiêm kích của Nga bị không quân Ankara bắn rơi trên khu vực biên giới với Syria vào tháng 11-2015.

Nhưng sau tất cả những khó khăn đó, năm 2016 bỗng mang lại cho ông Putin những thay đổi thuận lợi, một phần nhờ sự tính toán, một phần không nhỏ khác nhờ may mắn. Có thể tổng kết “năm vàng” của ông Putin qua bốn sự kiện chính:

1. Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Đây là một kết quả được chào đón nồng nhiệt bởi tầng lớp tinh hoa chính trị của Nga trong đó có ông Putin. Ai cũng biết ông chủ Điện Kremlin có mối quan hệ trắc trở với bà Hillary Clinton - người công khai ủng hộ phe đối lập chống đối ông Putin hồi ông tái tranh cử Tổng thống năm 2012. Bà Clinton cũng ủng hộ lệnh cấm vận chống lại Nga.

Ông Trump, ngược lại, liên tục ca ngợi ông Putin và bày tỏ ủng hộ một mối quan hệ hữu hảo với Nga. Tất nhiên sẽ là ngây thơ nếu cho rằng chiến thắng của ông Trump đồng nghĩa với những xoay chuyển lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng có thể nói ông Trump là vị tổng thống thân thiện với Nga nhất mà nước Mỹ có trong nhiều năm qua.

“Niềm tin” người Nga dành cho ông Trump có lẽ càng được củng cố hơn sau khi ông xướng tên Rex Tillerson - giám đốc điều hành hãng dầu khí Exxon Mobil - cho vị trí ứng viên Ngoại trưởng Mỹ.

Ông Tillerson đại diện cho Exxon tại Nga trong nhiều năm, và qua đó trở nên thân thiết với ông Putin.

Và ông Tillerson được Chính phủ Nga truy tặng huân chương hữu nghị năm 2013. Trong quá khứ ông Tillerson cũng từng công khai phản đối lệnh cấm vận Nga.

2. Chiến dịch quân sự Syria thành công

Ít nhất cho đến giờ phút này, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad có thể gọi là thành công.

Ông Putin đã đạt được mục đích chính là củng cố chế độ Assad và bảo toàn căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải tại cảng Tartus của Syria.

Dưới sự yểm trợ của không lực, lính đặc nhiệm và cố vấn quân sự Nga, lực lượng chính phủ Syria đã tái chiếm nhiều thị trấn, làng mạc lại từ tay quân nổi dậy và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Chiến dịch tái chiếm thành phố Aleppo thành công từ tay quân nổi dậy và khủng bố IS là thắng lợi lớn đối với ông Assad.

Tất nhiên liệu nhà cầm quyền Syria có giữ được Aleppo sau đó hay không hay lại để mất vào tay IS như thành phố Palmyra hôm 11-12 lại là chuyện khác.

Về phần mình, ông Putin hẳn đã hài lòng vì Nga đã xác định được vị thế của họ trên bàn cờ Syria mà không vấp phải cản trở đáng kể nào từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh.

Ông Putin chơi đùa cùng chó cưng Yume trước khi trả lời phỏng vấn Đài Nippon và báo Yomiuri của Nhật tại Điện Kremlin ngày 6-12 - Ảnh: Reuters
Ông Putin chơi đùa cùng chó cưng Yume trước khi trả lời phỏng vấn Đài Nippon và báo Yomiuri của Nhật tại Điện Kremlin ngày 6-12 - Ảnh: Reuters

3. Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit)

Việc người dân Anh quyết rời EU, song song đó là sự trỗi dậy của các chính trị gia và đảng phái thân Nga ở châu Âu là những kết quả tích cực đối với ông Putin.

Sự ra đi của Anh - quốc gia bài xích Nga mạnh mẽ nhất trong khối EU - là một thắng lợi địa chính trị của Nga dù Matxcơva trước đó chỉ thể hiện sự trung lập về cuộc trưng cầu dân ý.

Các cuộc bầu cử tại Bulgaria và Moldova gần đây cũng chọn ra các chính trị gia thân Nga. Tại Pháp, hai ứng viên tổng thống là ông François Fillon và bà Marine Le Pen cũng là các nhân vật thân Nga và chống lại cấm vận Nga.

Dù không có bằng chứng cụ thể Nga tài trợ cho các đảng dân túy châu Âu, nhưng không có gì để nghi ngờ rằng ông Putin rất cảm kích sự tương đồng trong tư tưởng của họ với Nga.

Các yếu tố trên không có nghĩa lệnh cấm vận của EU đối với Nga sẽ sớm dỡ bỏ, nhưng chúng sẽ làm yếu đi quyết tâm của họ kéo dài tình trạng này.

Trong hai năm qua, lãnh đạo một số nước EU như Tây Ban Nha, Ý, Áo, Hy Lạp và Cyprus đã chỉ trích và nghi ngờ tác dụng của lệnh trừng phạt Nga.

4. Cứu cánh bất ngờ

Ngày 10-12 vừa qua, Tập đoàn Glencore (Thụy Sĩ) và Quỹ Thịnh vượng Qatar đồng ý mua lại 19,5% cổ phần Tập đoàn dầu khí Rosneft.

Cổ đông lớn nhất của Rosneft là chính phủ Nga. Thương vụ trị giá xấp xỉ 11 tỉ USD và mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho ngân sách của Nga vốn bị thâm hụt do giá dầu rớt.

Đây là một thành công lớn cho chương trình tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước của ông Putin, vốn xuất phát từ thực trạng kinh tế suy thoái.

Chưa kể, việc Rosneft và giám đốc điều hành Igor Sechin - một người thân cận của ông Putin - đang nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ cho thấy khả năng của Nga thu hút các nhà đầu tư bên ngoài mặc cho khó khăn.

Ngoài ra, thương vụ Roneft diễn ra vào thời điểm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Giá dầu đi lên sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Tổng kết: Tổng thống Vladimir Putin rõ ràng đang ở một vị trí thuận lợi hơn rất nhiều so với năm 2015 nhờ vào tài năng chiến lược lẫn may mắn: không có mối đe dọa nào đối với quyền lực của Điện Kremlin trong nước, một gương mặt “thân thiện” trong Nhà Trắng, một châu Âu chia rẽ và ngày càng ngả sang Nga… Ông Putin chắc chắn sẽ không bỏ lỡ những cơ hội này trong năm 2017.

Thế hệ trẻ ở Nga tin vào Putin

Một điều có thể nhận thấy trong cuộc thăm dò vừa tiến hành của tổ chức Levada là niềm tiếc nuối về Liên Xô đang dần phai nhạt đi, đặc biệt là ở thế hệ trẻ.

Theo phân tích của đài CNN, có đến 83% số người lớn hơn 55 tuổi bày tỏ tiếc nuối với kết cục của Liên Xô, và tỉ lệ này giảm dần ở các độ tuổi trẻ hơn.

Cụ thể có 63% người từ 40-54 tuổi cảm thấy tiếc, và ở những người dưới 40 tuổi, tỉ lệ này còn 40%.

Trong khi đó, thế hệ đôi mươi sinh sau thời khắc lịch sử đó có vẻ không cảm nhận sâu sắc về chuyện này. (NGỌC ĐÔNG)

Tổng thống Nga Vladimir Putin chụp ảnh cùng các em nhỏ khi ông đến thăm Trung tâm Thể thao và Sức Khỏe Trẻ em Quốc gia tại Sochi - Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin chụp ảnh cùng các em nhỏ khi ông đến thăm Trung tâm Thể thao và Sức Khỏe Trẻ em Quốc gia tại Sochi - Ảnh: AFP

Tác giả bài viết: MINH TRUNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây