Mỹ “xuống nước” muốn đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga, Moscow nói gì?

Chủ nhật - 17/03/2019 21:21
Mỹ không loại trừ khả năng diễn ra các cuộc đàm phán mới trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga và đề nghị mời Trung Quốc tham gia tiến trình đàm phán này.
Mỹ “xuống nước” muốn đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga, Moscow nói gì?

Ria Novosti đưa tin, cố vấn Tổng thống Mỹ về vấn đề An ninh quốc gia John Bolton ngày 17/3 tuyên bố không loại trừ khả năng diễn ra các cuộc đàm phán mới trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, và ông đề nghị mời Trung Quốc tham gia tiến trình đàm phán này.

The Hill trích dẫn lời cố vấn Bolton nêu rõ: "Trung Quốc hiện phát triển tiềm năng hạt nhân. Đó là một trong những lý do vì sao chúng tôi đang tìm cách tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia tại Mỹ. Và đó cũng là lý do vì sao nếu chúng tôi có một cuộc đàm phán mới về kiểm soát vũ khí, ví dụ với Nga, việc Trung Quốc tham gia tiến trình đàm phán này cũng rất hợp lý".

Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Nga, Vladimir Jabarov, cho rằng Nga sẽ sẵn sàng xem xét các đề xuất của Hoa Kỳ về việc mời Trung Quốc tham gia trong các cuộc đàm phán nếu các cuộc đàm phán này có nội dung và triển vọng thực sự. Ông nói: "Trong mọi trường hợp, hòa bình mong manh tốt hơn là một cuộc cãi vã".

Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma quốc gia Nga Yuri Shvytkin không loại trừ rằng Nga có thể đàm phán có tính đến lợi ích quốc gia của tất cả các bên. Nghị sĩ Yuri Shvytkin nói thêm, Nga sẵn sàng đối thoại, nhưng có tính đến quan điểm của mình.

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Trump

Hồi tháng 2 vừa qua (ngày 2/2), Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung và Tầm ngắn (INF) trong vòng 6 tháng trừ phi Moscow chấm dứt những hành vi mà Washington cho rằng đã vi phạm Hiệp ước được ký kết giữa hai nước vào năm 1987 này.

Đáp trả động thái của Mỹ, Tổng thống Nga Putin ngày 4/3 đã ký sắc lệnh, qua đó đình chỉ các nghĩa vụ của Nga đối với hiệp ước này.

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (có tầm bắn từ 500 - 5.500km).

Tác giả bài viết: Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn tin: infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây