Lý do gì để khởi động cuộc chiến?
Theo bình luận viên Shamus Cooke từ trung tâm nghiên cứu Toàn cầu hóa (Canada), "bão táp chính trị" đang vây quanh Tổng thống Donald Trump và ông chỉ có một lối thoát: Khởi động một cuộc chiến.
Mỹ có thể lấn sâu vào Syria khi những đối thủ của ông Donald Trump đang muốn bới móc các vấn đề quanh cuộc xung đột ở quốc gia này.
Tổng thống Donald Trump sẽ lấn sâu hơn vào chiến trường Syria? |
Theo Cooke, chưa khi nào các đảng viên Dân chủ lại đoàn kết trong việc công kích một nhân vật như ông. Và để tránh sức ép quá lớn từ phía đảng Dân chủ, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải mạnh tay trong vấn đề Syria.
Chiến lược Syria của Tổng thống Trump giờ đây dựa trên cách phản ứng của đảng Dân chủ sau cuộc tấn công đầu tiên của ông vào căn cứ không quân Syria hồi đầu tháng 4.
Như một sự hài lòng hiếm hoi, phe đối lập chính trị đã dừng lại những chỉ trích để dành một chút ít sự ca ngợi cho ông chủ Nhà Trắng.
Ngày 18/5, Washington tiếp tục tấn công vào quân đội Syria từ một căn cứ quân sự mới do người Kurd ở Syria kiểm soát, nơi có ít nhất 1.000 binh lính Mỹ hoạt động.
Không giống như cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk lần trước, đợt tấn công này đã khiến phương tiện truyền thông Mỹ lúng túng về ý định thực sự của ông Trump, thậm chí một số hãng tin còn không nhắc đến sự việc này hoặc chỉ đưa tin thưa thớt.
Tuy nhiên nhà báo huyền thoại người Anh ở chiến trường Trung Đông Robert Fisk cho rằng động thái mới của Washington lại mang ý nghĩa sâu xa hơn rất nhiều: "... Dù người Mỹ mô tả đó là một hành động nhỏ, nhưng nó lại là phần quan trọng trong màn đối đầu giữa Mỹ và Chính phủ Syria trong việc kiểm soát biên giới phía đông nam...".
Khôi phục trật tự bằng "sức mạnh cứng"
Nhiều chuyên gia đã bác bỏ cuộc tấn công ban đầu của Tổng thống Trump chỉ mang ý nghĩa "tượng trưng" như một động thái làm hài lòng giới chính trị trong nước, khi thực tế nó thực sự đã bắt đầu một cuộc chiến tranh mới.
Cuộc tấn công bằng Tomahawk chỉ là phần mở đầu. (Ảnh minh họa) |
Tờ New York Times cho rằng cả Nga, Mỹ đều đang có cùng mục tiêu đó là chiếm đóng khu vực Đông Syria và khu vực xung quanh Deir Al-Zour. Khu vực này có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ trong việc bình ổn Iraq, nơi Mỹ tập trung đầu tư về quân sự và chính trị dài hạn.
"Nói tóm lại: Quân đội Mỹ muốn chiếm khoảng trống quyền lực do IS để lại, bởi vì lãnh thổ Syria là chiến lược quan trọng đối với nước này", Cooke nhận định.
Do đó, Chính phủ Syria - với sự hỗ trợ của Nga và Iran – đang khẩn trương quét sạch IS trước khi liên minh Mỹ-Kurd tuyên bố lãnh thổ là của mình kiểm soát.
Theo Global Research, những chính khách Dân chủ có tiếng nói đang ủng hộ Tổng thống Trump với mục tiêu nói trên.
Tờ New York Times giải thích, “sức mạnh mềm” dưới thời Obama đã chứng minh bằng sự thất bại và hiện tại chính quyền Trump sẽ khôi phục lại trật tự bằng “sức mạnh cứng”.
Mặc dù vậy, khi những quả tên lửa của Tổng thống Trump rơi xuống Syria, kèm theo đó là những tiếng tung hô kêu gọi nhà lãnh đạo Mỹ mở rộng cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông; càng ngày mối đe dọa về một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga càng trở nên hiện hữu.
Học thuyết Trump
Chuyến công du đầu tiên tới Ả Rập Saudi đã mang lại một cái nhìn sâu hơn về Học thuyết Trump. Tổng thống Mỹ ký kết một hợp đồng vũ khí khổng lồ với giá trị 350 tỷ USD trong 10 năm và phía Saudi muốn một phần số tiền này để tiến tới một liên minh quân sự "NATO Ả Rập".
Ai sẽ là mục tiêu mà liên minh này chống lại? Chính quyền Trump đã cho biết Iran là mục tiêu chính và do đó Syria có thể sẽ là "món khai vị".
Nhà báo Robert Fisk phân tích, không phải ngẫu nhiên Tổng thống Trump đã lựa chọn Ả Rập Saudi. Mục đích rất đơn giản là để chuẩn bị cho người Sunny mở đầu cuộc chiến với người Shia (Iran, Syria, Hezbollah).
Liên minh "NATO Ả Rập" đang dần hiện hữu qua hợp đồng 350 tỷ USD. |
Một liên minh "NATO Ả Rập" do Mỹ dẫn đầu sẽ là điều không thể xảy ra trong thời điểm trước đây, khi Mỹ đã bị mất cảm tình ở khu vực Trung Đông.
Sự cởi mở đến từ các Chính phủ vùng Vịnh lần này đã cho thấy, Tổng thống Trump đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hơn với các đồng minh khu vực thay vì cách tiếp cận dưới thời Obama.
Chiến lược hiện tại của Tổng thống Trump tại Syria giống như cuộc thử nghiệm của Tổng thống Bush ở Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Ông đã sử dụng vùng cấm bay ở miền đông bắc Iraq dưới sự kiểm soát của người Kurd, mà thực tế đã chia rẽ nước này; cho phép người Kurd nắm giữ vị thế ảnh hưởng lớn như hiện tại.
Sự phân chia khi đó đã làm Iraq suy yếu trước cuộc xâm lược chính thức vào năm 2003 của Mỹ.
Người Kurd hiện tại ở Syria đang nhận được trang bị vũ khí và hứa hẹn tương tự như người Kurd ở Iraq năm xưa, nhưng họ cũng có những lo ngại về liên minh mới.
Trong cuộc chiến tuyệt vọng chống lại ISIS người Kurd đã chấp nhận liên minh với siêu cường quân sự thế giới. Quê hương người Kurd bị “nạn chuột hoành hành” và họ mời “một con hổ” về để giải quyết vấn đề.
Nhưng một khi những “con chuột” chết đi, “con hổ” sẽ vẫn đói và tìm đến mục tiêu khác. Không những vậy, người Kurd còn sống bên cạnh một “con hổ” khác chính là Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd dường như đang bị lợi dụng như một quân cờ trên chiến trường và tương lai sẽ đi về đâu là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Nguồn tin: Theo Người đưa tin:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn