Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: Bộ Công Thương đã can thiệp như thế nào?

Thứ tư - 27/02/2019 20:46
TP - Theo thông tin của Tiền Phong, Bộ Công Thương cùng một số đơn vị, lãnh đạo Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) thời điểm trước đã có nhiều động thái để thúc đẩy và can thiệp vào việc thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên từ rất sớm và những can thiệp này về sau đã cho thấy đây là những can thiệp sai lầm và theo thời gian khiến dự án đã ngày càng khó giải quyết khi “sức khỏe” của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) và TISCO bắt đầu đi xuống.
Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: Bộ Công Thương đã can thiệp như thế nào?
'Dự án giai đoạn 2 Gang Thép Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Bằng
'

Bất thường lời giới thiệu của Bộ Công Thương

Theo thông tin của Tiền Phong, chỉ hơn 1 năm sau khi dự án được khởi công, những dấu hiệu bất thường về việc đầu tư dự án đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là việc nhà thầu chính cho dự án là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đề nghị tăng giá trị gói thầu từ gần 43 triệu đô la lên 134 triệu đô la. Tuy nhiên, do không nhận được sự đồng ý từ VnSteel nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần xây dựng và lắp ra khỏi hợp đồng EPC, để giao lại cho nhà thầu Việt Nam. Điểm đáng chú ý, dù có những trục trặc như vậy nhưng khi TISCO triển khai giải ngân dự án và có các báo cáo về việc tăng giá gói thầu nhưng Bộ Công Thương không có động thái cụ thể nào trong việc triển khai các giải pháp để can thiệp, buộc nhà thầu phải thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, sự can thiệp của Bộ Công Thương khi đó nếu có thì những hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra về sau. Theo thông tin này, đến khoảng giữa năm 2009 khi MCC có dấu hiệu không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và Bộ Công Thương, khi đó là Thứ trưởng Lê Dương Quang phụ trách mảng, quyết liệt giám sát và gỡ khó thì sẽ không có những “vấn đề” xảy ra với bản kế hoạch tổng tiến độ V2.0-20080220 ngày 20/10/2008 của MCC và chậm bàn giao thiết kế cơ sở cả 7 hạng mục thuộc phần E từ 1 tháng đến 4 tháng và chuyển đổi một số nội dung công việc của phần P sang phần C (theo báo cáo ban đầu của TISCO, giá trị trên 50 tỷ đồng) hoặc như việc hưởng phí quản lý phần C không đúng.

Cũng theo thông tin này, ít lâu sau đó, sau một số cuộc họp với các đơn vị trực thuộc thời điểm đó, Bộ Công Thương đã có văn bản cho phép giao cho Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam đảm nhận những phần việc mà MCC trả lại.

Cụ thể, tháng 4/2009, lãnh đạo TISCO, thông qua giới thiệu bằng văn bản của Bộ Công Thương, đã ký văn bản mời VINAINCON để thảo luận về phần C của hợp đồng, định giá trị tăng thêm để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo. Khi đó, VINAINCON đã lập dự toán chi phí phát sinh tăng phần C báo cáo gửi lãnh đạo TISCO. Trước những số liệu dự toán này, TISCO cũng không thẩm định mà sử dụng số liệu chi phí phát sinh phần C hơn 15,5 triệu USD do VINAINCON lập để trình các bộ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến tháng 9/2009, TISCO và MCC đã ký hợp đồng thầu phụ với VINAINCON để thực hiện phần C với giá tạm tính là gần 43 triệu USD (tương đương khoảng hơn 764,1 tỷ đồng), thời gian thực hiện là 21 tháng.

Trong văn bản của Bộ Công Thương gửi Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) và TISCO giới thiệu VINAINCON tham gia giai đoạn 2 của dự án có viết: “VINAINCON là doanh nghiệp thuộc bộ, có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình công nghiệp. Bộ Công Thương đề nghị VNS, TISCO xem xét, chấp thuận để VINAINCON được đảm nhận toàn bộ phần công việc xây lắp của gói thầu EPC”.

Từ sự giới thiệu này, sau đó Tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ thuộc TISCO, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương đã trực tiếp và gián tiếp có liên quan trong việc ký biên bản thoả thuận phân chia công việc phần C, chuyển một số phần việc từ phần P sang Phần C, ký hợp đồng giao VINAINCON, các nhà thầu phụ khác thực hiện Phần C, thanh toán theo đơn giá điều chỉnh không đúng hợp đồng EPC làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư, gây thất thoát vốn đầu tư.

Cũng từ sự giới thiệu này đã dẫn đến việc về sau việc giám sát của Bộ Công Thương, VnSteel với dự án bị buông lỏng và dẫn tới việc lãnh đạo TISCO đã quyết làm thủ tục thanh toán tới 92% giá trị hợp đồng cho nhà thầu MCC dù các hạng mục của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành. Sau những trục trặc và cầm chắc tiền đã được thanh toán, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công và rút dần về dù công việc vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thành.

Khi được Tiền Phong đặt câu hỏi về việc làm sao những khoản chi tiêu khủng lên tới nghìn tỷ tại dự án được duyệt chi một cách dễ dàng như vậy và ai là người chịu trách nhiệm, nhiều cựu lãnh đạo của ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (trong đó có cả ông Vũ Bá Ổn, nguyên Phó Tổng giám đốc VnSteel và cũng là người đại diện vốn tại Gang Thép Thái Nguyên,…) đều khẳng định đã về hưu, câu chuyện đã lâu nên không nhớ rõ. Thậm chí có người nói đây là chuyện tế nhị, cần hỏi những người đang nắm giữ chức vụ trực tiếp của ngành thép hiện nay cũng như  hỏi ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Mãi đến năm 2014, khi những sai phạm được các cơ quan chức năng chỉ rõ và dường như không thể che lấp được, khi đó lãnh đạo nhiệm kỳ trước của VNSteel đã chỉ đạo chủ đầu tư nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Kết quả, tại đại hội đồng cổ đông bất thường của TISCO tháng 12/2014 đã miễn nhiệm tổng giám đốc TISCO.

Lỗ hổng từ báo cáo tiền khả thi của dự án

Trao đổi với Tiền Phong gần đây về hiệu quả dự án, một phó tổng giám đốc VnSteel và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường thừa nhận, bên cạnh những sai phạm về thực hiện dự án, nhiều việc doanh nghiệp đã không  lường được hết, ngay cả báo cáo tiền khả thi đến chi phí nguyên vật liệu, lãi suất tăng, huy động vốn khó khăn sau khi dự án được triển khai.

Lãnh đạo ngành thép cho rằng, dự án bị đội vốn khủng do giá cả nguyên vật liệu đã làm tăng tới 1.299 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính làm dự án tăng 1.042 tỷ đồng). Chưa kể những thay đổi về chế độ chính sách khi triển khai dự án như về thuế, tiền lương, đền bù... cũng khiến dự án đội vốn thêm 1.702 tỷ đồng). Dự án càng chậm tiến độ càng khiến vốn đội lên nhiều. Cũng theo ông Cường, thế kẹt của dự án hiện nay, nếu có đi vào hoạt động, chính là hiệu quả đầu tư không còn. Sau nhiều năm, đến nay công nghệ sản xuất thép đã thay đổi rất nhiều. Với gánh nặng đầu tư quá lớn, dự án khó có thể mang lại hiệu quả trừ phi nhận được sự ưu đãi rất lớn về thuế phí, lãi suất, khoanh nợ.

Một cựu phó tổng giám đốc VnSteel cho hay, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 mở rộng “chết” một phần vì thuộc diện dự án đội vốn nóng với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng. Khi được lập đề án, vốn tự có của chủ đầu tư chỉ có 10%, còn lại là đi vay tới 90%...“Dự án này càng làm sẽ càng lỗ nặng, khó có lợi nhuận. Việc tìm được đối tác mua dự án cũng khó khả thi”, vị này nói.

 

 

Tác giả bài viết: PHẠM TUYÊN

Nguồn tin: tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây