Điều gì khiến Kim Jong-un bất ngờ tới Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình?

Thứ tư - 28/03/2018 04:24
(Dân Việt) - Chuyến thăm bất ngờ, được giữ bí mật đến phút cuối của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh đang dấy lên nhiều câu hỏi tại Washington và Seoul về những điều ông Kim làm ở Trung Quốc cũng như những gì ông muốn từ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Điều gì khiến Kim Jong-un bất ngờ tới Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình?

 


Điều Kim Jong-un muốn từ Trung Quốc
 dieu gi khien kim jong-un bat ngo toi bac kinh gap tap can binh? hinh anh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo các nhà quan sát, chuyến thăm bất ngờ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh trong 3 ngày (25.3-28.3) có nhiều ý nghĩa lịch sử. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Kim kể từ khi lên nắm quyền năm 2011. Cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đánh dấu lần đầu tiên ông Kim Jong-un tiếp xúc với một nguyên thủ quốc gia.

Theo các nhà quan sát, chuyến thăm diễn ra ngay trước khi ông Kim gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các hội nghị thượng đỉnh được ấn định vào tháng 4 và tháng 5 tới. Theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tới Bắc Kinh để tìm kiếm lời khuyên từ Chủ tịch Tập Cận Bình để đối phó với  ông Trump đồng thời chuyến thăm cũng khiến lợi thế đàm phán của ông gia tăng khi có sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Donald Kirk, bình luận viên tin tức cho các tờ báo hàng đầu như Korea Times, South China Morning Post nhận định rằng, mục tiêu lớn nhất của ông Kim trong chuyến thăm Trung Quốc là hàn gắn quan hệ với đồng minh ruột và tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh để chống lại những áp lực ngày càng tăng của Mỹ.

Ông Kim có thể muốn đảm bảo rằng, Trung Quốc sẽ đứng về phía Triều Tiên nếu Mỹ giáng đòn phủ đầu, đặc biệt sau khi ông Trump bổ nhiệm tân Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - vốn đều là những người ủng hộ chiến tranh với Triều Tiên.

Ngoài ra, ông Kim được cho là cũng mong muốn Trung Quốc kêu gọi dỡ bỏ hoặc ít nhất là nới lỏng các biện pháp trừng phạt nước này tại Liên Hợp Quốc khi bày tỏ thiện chí sẵn sàng ngừng chương trình hạt nhân. Triều Tiên đã phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có, khiến nền kinh tế nước này lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, theo News Day. Bản thân Trung Quốc trước sức ép từ Mỹ, cũng đã phải miễn cưỡng áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn, khiến sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên giảm mạnh.

"Ông Kim Jong-un đang đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn nhất. Ông ấy còn phải đối mặt với canh bạc là gặp Trump. Ông Kim nhận thức được rằng lợi thế đàm phán của ông sẽ gia tăng khi có sự hậu thuẫn của Trung Quốc, đặc biệt là khi chính quyền Mỹ có nhiều người giữ quan điểm cứng rắn với Triều Tiên", ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định.

Bắc Kinh cũng hưởng lợi từ chuyến thăm 
 dieu gi khien kim jong-un bat ngo toi bac kinh gap tap can binh? hinh anh 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phu nhân Ri Sol-ju tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên rõ ràng không phải chỉ là mong muốn từ phía Bình Nhưỡng. Nó cũng là mong muốn từ phía Bắc Kinh.

Theo Bussiness Insider, chính Trung Quốc là bên sắp xếp chuyến thăm này để đảm bảo vai trò của họ trong các cuộc thảo luận về các tiến trình trên bán đảo Triều Tiên, nhất là khi ông Tập sẽ không dự các cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Kim với Tổng thống Hàn Quốc cũng như với ông chủ Nhà Trắng sắp tới.

Theo đó, chuyến thăm của ông Kim tới Bắc Kinh đã giúp Trung Quốc khẳng định vai trò của mình, giành lại vai trò trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao đồng thời giúp ông Tập hiểu rõ những gì ông Kim muốn khi gặp các lãnh đạo từ Hàn Quốc và Mỹ.

"Trung Quốc muốn trở lại cuộc chơi. Bắc Kinh không thích bị nằm ngoài lề", Paul Haenle, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Tsinghua ở Bắc Kinh, đánh giá.

"Chuyến thăm của Kim đến Bắc Kinh chứng minh cho tất cả các nước có liên quan rằng Trung Quốc là bên giữ vai trò trung tâm trong địa chính trị Đông Bắc Á và bất kỳ giải pháp nào về Triều Tiên cũng sẽ cần sự chấp thuận của Trung Quốc", Dennis Wilder, cựu cố vấn châu Á cho George W Bush bình luận.

Cuối cùng, các nhà phân tích nhận định rằng dù vẫn còn sớm để đánh giá liệu chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Bắc Kinh có đem lại những kết quả như các bên mong muốn hay không, song trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ nổ ra, đây vẫn là thời cơ vàng để ông Kim tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc.

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây