Đại án xảy ra ở OceanBank: Bàn luận về tội danh đối với hành vi Hà Văn Thắm chiếm đoạt 138 tỉ ?

Thứ bảy - 11/03/2017 10:33
(PL News) - Theo dòng sự kiện đại án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) đang được đưa ra xét xử, có ý kiến cho rằng cần truy cứu TNHS Hà Văn Thắm thêm về tội “Tham ô tài sản” đối với hành vi y chiếm đoạt 138 tỷ đồng của Ocean Bank. Vậy ý kiến này có thỏa đáng ? có đúng bản chất sự việc và qui định của pháp luật hình sự hiện hành? Hành vi này truy tố tội danh nào mới đúng luật ? Phóng viên Pháp lý cùng chuyên gia pháp luật hình sự sẽ có bài phân tích sau đây.
Hà Văn Thắm trước vành móng ngựa
Hà Văn Thắm trước vành móng ngựa

 

Không hoàn toàn thỏa đáng khi truy tố một trong ba tội danh mà cáo trạng nêu ?

Ngày 27/02/2017, Hà Văn Thắm cùng 47 bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND TP. Hà Nội.

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm bị truy tố về ba tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Với mỗi tội danh, VKS đều kèm theo dẫn chứng cụ thể về các nhóm hành vi phạm tội mà Hà Văn Thắm thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại (01/3/2017), cáo trạng của VKS vẫn chưa đề cập đến con số 138 tỷ đồng mà Hà Văn Thắm đã chiếm đoạt  của Ocean Bank để chi tiêu cá nhân.

Mặc dù phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 3 và cáo trạng của VKS vẫn chưa công bố hết. Nhưng giả sử con số 138 tỷ đồng bị Hà Văn Thắm chiếm đoạt, thì hành vi chiếm đoạt số tiền này của Hà Văn Thắm phải qui kết tội danh nào mới chính xác?

Trở lại một phần nội dung vụ án liên quan đến 138 tỷ đồng của Ocean Bank đã bị Thắm chiếm đoạt: Trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ cùng 9 hồ sơ vay vốn do Viptour – Togi làm chủ đầu tư (thực chất chỉ là công ty sân sau của Hà Văn Thắm). Bất chấp hồ sơ bị Phòng thẩm định cá nhân của Oceanbank trả lại do không đủ điều kiện, Hà Văn Thắm vẫn chỉ đạo các “thuộc hạ” này phải cho vay. Theo đó, 9 hợp đồng tín dụng và 137,89 tỷ đồng đã được giải ngân. Tiền về tài khoản của Viptour – Togi, sau đó Hà Văn Thắm rút để chi tiêu cá nhân và trả nợ cho các khoản vay khác của Thắm.

Hiện tại, OceanBank đã thu hồi hơn 27 tỷ và Cơ quan điều tra đã thu giữ 111,84 tỷ đồng, còn lại hơn 17 tỷ không có khả năng thu hồi. Đây được coi là tình tiết xem xét giảm nhẹ cho bị can và đối tượng liên quan. Tuy nhiên, “vẫn cần phải truy cứu Hà Văn Thắm về hành vi chiếm đoạt 138 tỷ đồng, nhưng không thể là ba tội danh đã nêu trong cáo trạng được” – đó là nhận định của một số chuyên gia pháp luật Hình sự.

Lý giải điều này, một số chuyên gia đã trích dẫn bình luận của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND Tối cao: Trong các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, dấu hiệu “gây ra thiệt hại” hay “hậu quả nghiêm trọng” không bao gồm trường hợp do người phạm tội tự “chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý”. Thiệt hại hay hậu quả nghiêm trọng ở đây phải là thất thoát sang cá nhân, tổ chức khác hoặc do những nguyên nhân khách quan không thể thu hồi.

Đồng thời, dấu hiệu “vì vụ lợi” trong hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (xem các Điều 165, 281 BLHS), cũng không bao gồm trường hợp “vụ lợi” bằng cách tự “chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý”. “Vụ lợi” ở đây được hiểu là những lợi ích vật chất có được từ bên ngoài như được hưởng “hoa hồng”, được thắng thầu, được tham gia dự án hay một lợi ích nào đó…Hơn nữa “vì vụ lợi” chỉ là dấu hiệu định khung tăng nặng của tội Cố ý làm trái – không có giá trị định tội trong trường hợp cạnh tranh quy phạm pháp luật hình sự.

Cũng theo ông Đinh Văn Quế, trách nhiệm quản lý tài sản trong các tội liên quan đến chức vụ, quyền hạn bao gồm hai trường hợp: Người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản như thủ quỹ, thủ kho, kế toán…và cả những người tuy không được giao trực tiếp quản lý tài sản nhưng lại có trách nhiệm trong việc quyết định thu chi, xuất nhập, mua bán…như người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, người có quyền quyết định về tài sản của cơ quan, tổ chức (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc…). Do đó, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank được coi là người có trách nhiệm quản lý tài sản của Ocean Bank theo trường hợp thứ hai (quản lý chung). Trong khi dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý” không thể thuộc về các tội kể trên, thì hành vi này lại là dấu hiệu định tội đặc trưng của tội Tham ô tài sản. Và theo nguyên tắc thu hút trong định tội danh, mọi hành vi thỏa mãn dấu hiệu trên đều bị thu hút về tội Tham ô tài sản.

Với tất cả lập luận trên, một số chuyên gia pháp luật cho rằng: Hành vi chiếm đoạt 138 tỷ đồng của cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương phải bị xử lý về tội Tham ô tài sản mới đúng. Có như vậy mới phản ánh đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội này.

Đồng tình với việc, không thể coi hành vi chiếm đoạt 138 tỷ đồng của Hà Văn Thắm là phạm một trong ba tội danh đã nêu trong cáo trạng của VKS, nhưng có ý kiến lại cho rằng hành vi trên của Hà Văn Thắm chưa hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu của tội Tham ô tài sản bởi hiện nay tồn tại rất nhiều tranh cãi và quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề xác định tội danh này.

Vậy nếu không thể truy cứu Hà Văn Thắm về tội Tham ô tài sản đối với 138 tỷ đồng nói trên thì tội danh nào mới thỏa mãn hành vi này? Còn có những tranh cãi, những quan điểm gì xoay quanh tội Tham ô tài sản? Pháp lý sẽ giúp bạn đọc giải đáp ở phần tiếp theo.

Chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước: Xử tội “Tham ô tài sản” có đúng không ?

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Ts. Đinh Thế Hưng, trưởng bộ môn Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật phân tích: Với cương vị Chủ tịch HĐQT, Hà Văn Thắm lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 138 tỷ đồng mà mình có trách nhiệm quản lý, hành vi này đã rất rõ ràng và về cơ bản nó thỏa mãn hành vi khách quan của tội Tham ô tài sản. Tuy nhiên vấn đề gây tranh cãi ở đây là, khách thể mà hành vi này xâm hại có thỏa mãn khách thể của tội Tham ô tài sản không? Nói một cách dễ hiểu hơn: tài sản mà Hà Văn Thắm chiếm đoạt có thuộc sở hữu của Nhà nước không? Ts. Đinh Thế Hưng lý giải: Điều 278 BLHS quy định về tội Tham ô tài sản không có từ nào nói rõ tài sản bị chiếm đoạt phải thuộc sở hữu Nhà nước. Nhưng trên tinh thần của khái niệm tội phạm về chức vụ (Điều 277) thì có thể hiểu chủ trương của Pháp luật Hình sự hiện hành là tài sản tham ô phải thuộc sở hữu công. Mà hầu hết nhiều người cho rằng sở hữu công ở đây là sở hữu Nhà nước. Do đó, ngay cả hướng dẫn của TAND Tối cao cũng theo chủ trương này:

“Đối với các doanh nghiệp không có vốn góp của Nhà nước thì dứt khoát không có tội tham ô ở đó, mặc dù người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, mà tùy trường hợp cụ thể xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội trộm cắp tài sản.

Đối với doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước từ 50% trở xuống và Nhà nước không giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó thì ở đó cũng không có tội tham ô tài sản, chỉ đối với doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm tỷ lệ góp vốn trên 50% và giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó thì ở đó mới có tội tham ô tài sản”.

Những người theo quan điểm của TAND Tối cao sẽ xác định không truy cứu tội Tham ô tài sản đối với Hà Văn Thắm, vì thời điểm diễn ra vụ việc, Ocean Bank chỉ có 20% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước.

“Tuy nhiên, hướng dẫn của TADN Tối cao không thể coi là văn bản cao hơn Luật nên không tránh khỏi nhiều người không phục. Có thể thấy điểm chưa hợp lý trong quan điểm của TAND Tối cao thông qua ví dụ sau: Giả sử có doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nhưng vốn điều lệ là 50 tỷ và có doanh nghiệp cổ phần chỉ với 20% vốn Nhà nước nhưng vốn điều lệ lên đến 10.000 tỷ. Nếu tham ô 20 tỷ trong doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước lại được đánh giá nguy hiểm hơn so với việc chiếm đoạt 1000 tỷ của doanh nghiệp cổ phần trong đó có 200 tỷ là của Nhà nước (và không bị khép vào tội Tham ô tài sản), thì xem ra không thỏa đáng!” – Ts. Đinh Thế Hưng lập luận.

BLHS quy định chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều người không đồng tình với hướng dẫn của TAND Tối cao, nhưng họ lại chia ra hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng bất kể doanh nghiệp có tỉ lệ vốn góp của Nhà nước bao nhiêu thì cũng đã “có yếu tố nhà nước”, hơn nữa, yếu tố tài sản chung mới là quan trọng nhất, nên người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp vẫn cấu thành tội Tham ô tài sản. Liên hệ vụ Hà Văn Thắm, và cụ thể là hành vi chiếm đoạt 138 tỉ đồng, những người theo quan điểm này cho rằng nhất định cần truy cứu cựu Chủ tịch HĐQT Ocean Bank về tội Tham ô tài sản. Quan điểm thứ hai: Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp có vốn góp nhà nước thì phải bị truy cứu về hai tội: tội Tham ô tài sản đối với phần vốn góp của Nhà nước và tội danh khác về chiếm đoạt tài sản đối với phần vốn góp không phải của Nhà nước (tùy đặc điểm của hành vi chiếm đoạt, có thể là trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm…). Theo đó, cần truy cứu TNHS Hà Văn Thắm về tội Tham ô tài sản đối với 27,6 tỷ/138 tỷ đã bị y chiếm đoạt.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, BLHS 2015 (đang tạm hoãn thi hành hiệu lực) đã sửa lại khái niệm tội phạm về chức vụ như sau: “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ”.

“Tuy chỉ thêm vào hai chữ “nhiệm vụ” nhưng BLHS 2015 sẽ mở ra một trang mới: Khách thể của các tội về tham nhũng trong đó có tội Tham ô tài sản không chỉ bó hẹp đối với tài sản của Nhà nước nữa”, Ts. Đinh Thế Hưng trao đổi.

Hành vi chiếm đoạt tài sản mà Hà Văn Thắm thực hiện không phải là trường hợp cá biệt cho các tranh cãi xung quanh tội Tham ô tài sản, điều này cũng đã xảy ra trong vụ án Phạm Công Danh khiến ông Đinh Văn Quế phải phát biểu như sau: “Nếu các hành vi này xảy ra tại Ngân hàng của Nhà nước hoặc theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 thì đó đã là hành vi phạm tội Tham ô tài sản”.

Kết mở

Mặc dù hiện tại TAND các cấp phải tuân thủ hướng dẫn của TAND Tối cao và chưa thể xử lý Hà Văn Thắm về tội Tham ô tài sản theo BLHS 2015 đối với hành vi chiếm đoạt 138 tỷ đồng . Nhưng, như đã phân tích ở trên, cũng không thể coi hành này của y là Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy tội danh phù hợp nhất lúc này dành cho hành vi chiếm đoạt 138 tỷ đồng của Hà Văn Thắm là gì? Khi nó đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội Tham ô tài sản (đối với 27,6/138 tỷ) và rất có thể cũng thỏa mãn các dấu hiệu của một số tội phạm có tính chất chiếm đoạt tài sản khác (đối với số tiền còn lại)? Đây quả là một bài toán khó đối với Hội đồng xét xử đại án nghiêm trọng này!

Tác giả bài viết: Tuệ Lâm

Nguồn tin: Pháp lý Online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây