Bà Yingluck gặp gỡ người ủng hộ ở ngoài Tòa án Tối cao sau khi bà kết thúc phần tự biện hộ sáng 1-8 - Ảnh: REUTERS |
Cựu nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tiếp tục khẳng định bà không sai phạm điều gì trong quá trình thực hiện chương trình trợ giá gạo đồng thời kêu gọi thực thi công lý.
Khi ra trình bày tại Tòa án Tối cao ở thủ đô Bangkok sáng nay (1-8), bà Yingluck khẳng định bà tin rằng những chính sách trợ giá gạo (tốn kém đến 8 tỉ USD) đã đem lại lợi ích cho người nông dân Thái Lan và không vi phạm pháp luật, đồng thời khẳng định mình vô tội.
Nạn nhân của trò chính trị?
Theo trang Interaksyon, bài tự biện hộ của bà được thể hiện đầy cảm xúc với việc bà rưng rưng nước mắt khi cho rằng bà làm đúng, làm vì dân, làm tròn bổn phận của một thủ tướng và là "nạn nhân của một trò chơi chính trị".
Đây là phần phát biểu tự biện hộ cuối cùng của bà Yingluck (phía luật sư cho biết thân chủ của mình chuẩn bị đến 20 trang giấy) trước khi phiên luận tội chính thức của Tòa án Tối cao đối với bà Yingluck diễn ra vào ngày 25-8 tới.
Theo AFP, hơn 1.000 người ủng hộ bà Yingluck có mặt tại tòa và cảnh sát Thái Lan đã điều động hơn 300 nhân viên để giữ gìn trật tự, an ninh cho phiên tòa.
Những người ủng hộ đã hô vang: "Chiến đấu đi! Chiến đấu đi!" khi bà Yingluck bắt đầu xuống xe đi vào tòa.
Đảng ủng hộ gia đình Shinawatra trong những ngày qua đã lên mạng kêu gọi những người ủng hộ có mặt tại sân Tòa án Tối cao nhằm tạo sự “ủng hộ về mặt tinh thần” cho bà Yingluck.
Vì thế chính quyền của thủ tướng Prayut Chan-o-chan một mặt huy động số nhân viên an ninh đông hơn, mặt khác cũng cảnh báo sẽ có biện pháp ngăn chặn nếu người nào đó dùng mạng xã hội để kêu gọi kích động bạo lực.
Theo luật mới của Thái Lan, bà Yingluck sẽ được phép kháng cáo mà không cần đưa thêm bằng chứng.
Chính quyền huy động đến 300 cảnh sát bảo vệ phiên tòa sáng 1-8 - Ảnh: REUTERS |
Đánh vào hầu bao
Dẫu chưa có phán quyết cuối cùng về tội trạng của bà Yingluck trong vụ mua gạo với giá cao gây thiệt hại cho ngân sách, các cơ quan chức năng Thái Lan vẫn cho phong tỏa toàn bộ tài sản của bà Yingluck để dùng đền bồi nếu phán quyết của tòa đưa ra theo hướng này.
Tính đến giờ, chính quyền quân sự đang tạm thời đóng băng 37 bất động sản và 16 tài khoản ngân hàng của em gái cựu thủ tướng Thaksin.
Hôm 25-7, bà Yingluck đã chỉ trích việc tịch thu tài sản của bà là nhằm gây sức ép lên Tòa án tối cao trong phán quyết của vụ kiện bà này về tội lơ là trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong chương trình mua tạm trữ gạo gây nhiều tranh cãi.
Trên trang Facebook cá nhân, bà Yingluck viết: “Dường như chính phủ đang cố tình tạo ra điều kiện để ảnh hưởng đến kết quả xét xử, trước khi Tòa án tối cao đưa ra phán quyết”.
Trong vụ án đang được thụ lý tại tòa chuyên xét xử các nhân vật chính trị thuộc Tòa án Tối cao, nếu bị tuyên là có tội, bà Yingluck có thể bị phạt tù đến 10 năm.
Bà Yingluck cho biết tài khoản ngân hàng của bà đã bị phong tỏa trong khi tất cả các tài sản khác của bà cũng sắp bị tịch thu và nói rằng bà sẽ khiếu nại việc này. Bà nhấn mạnh: “Tôi đã không làm điều gì sai trái”.
Cũng trong ngày 25-7, Bộ Tư pháp Thái Lan cũng như luật sư của bà Yingluck Shinawatra xác nhận 7 tài khoản ngân hàng của bà Yingluck đã bị phong tỏa, liên quan đến khoản tiền phạt 1 tỉ USD về những thiệt hại do chương trình trợ giá gạo thời chính quyền của bà gây ra.
Bộ Tài chính Thái Lan cũng cho biết đang xin lệnh của tòa để phong tỏa ít nhất 12 tài khoản ngân hàng của bà Yingluck như một biện pháp sơ bộ để thu hồi khoản tiền phạt.
Động thái trên được xem là chưa từng có tiền lệ tại Thái Lan, theo đó một nhà lãnh đạo được dân bầu bị phạt tiền vì một chính sách của chính phủ.
Cựu thủ tướng Yingluck vẫn tự tin đấu tranh cho số phận của mình - Ảnh: REUTERS |
Chương trình trợ giá gạo là một nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck cùng đảng Pheu Thai, vốn đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011. Theo chương trình này, Chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường và trữ tại các kho chứa của nhà nước trên toàn quốc.
Tháng 5-2014, bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan cáo buộc vi phạm hiến pháp và lạm quyền. Sau đó cùng tháng, quân đội tuyên bố đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck và chính quyền quân sự lên nắm quyền do cựu Tư lệnh lục quân Prayut Chan-o-chan làm Thủ tướng.
Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cáo buộc bà Yingluck sao nhãng nhiệm vụ điều hành chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại lớn. Tháng 1-2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) đã bỏ phiếu nhất trí buộc tội bà Yingluck sao nhãng nhiệm vụ trong việc giám sát chương trình trợ giá lúa gạo và gây thiệt hại lớn cho đất nước.
Với lời buộc tội này, bà Yingluck bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm.
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn