Công ty Kỹ thuật và Thiết bị Hàn kiện Công ty cổ phần Vận tải Hành khách Thanh Xuân

Thứ bảy - 04/03/2017 21:56
(PL News) - ​​​​​​​Tiếp tục với loạt bài bình luận án của chúng tôi, VLU trong tháng này tìm hiểu vụ án giữa Công ty Kỹ thuật và  Thiết bị Hàn và Công ty cổ phần Vận tải Hành khách Thanh Xuân, đây là một vụ án của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội từ năm 2006 có liên quan đến thủ tục phê chuẩn việc bán cổ phần.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

CÔNG TY KỸ THUẬT & THIẾT BỊ HÀN KIỆN CÔNG  TY CỔ PHẦN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH THANH XUÂN

Vụ án số 122/2006/TLST-KDTM do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết. Vụ án khởi kiện ngày 30/11/2006, được thụ lý ngày 19/12/2006 và được xét xử sơ thẩm trong suốt hai ngày 10 và 15/05/2007. Bản án số 52/2007/KDTM-ST đã được tuyên sau đó.

Các dữ kiện

Bị đơn trong vụ việc này, Công ty Thanh Xuân (Công Ty), nguyên là một doanh nghiệp nhà nước và nay đã chuyển đổi sang công ty cổ phần theo chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp trong cả nước từ năm 1999. Tháng 04/2003, đại hội đồng cổ đông của Công Ty đã thông qua một nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 5.5 tỉ đồng lên 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, đại hội đồng cổ đông đã không quyết định các loại cổ phần và tổng số cổ phần được chào bán của mỗi loại. Đầu tháng 01/2005, Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc của Công ty đã quyết định bán 25.000 cổ phần cho một số người mua, bao gồm Công ty  Kỹ thuật và  Thiết bị Hàn nhưng không thông báo cho các cổ đông. Nguyên đơn trong vụ án đã mua 10.000 cổ phần. Sau đó, việc bán những cổ phần này (Bán Cổ Phần) đã được đại hội đồng cổ đông của Công Ty thông qua bằng Nghị quyết số 11/HĐQT ngày 07/04/2005. Tên của nguyên đơn đã được ghi vào trong hồ sơ, sổ sách của Công Ty với tư cách là một cổ đông. Từ đó, nguyên đơn đã tham gia bỏ phiếu tại đại hội đồng cổ đông và đề cử thành viên vào Hội đồng quản trị của Công Ty.

Không hài lòng với cách thức

Dường như, một số cổ đông không hài lòng với việc Bán Cổ Phần và cách mà nguyên đơn đã tham gia công việc của Công Ty. Điều này đã dẫn đến một đại hội đồng cổ đông bất thường được triệu tập vào ngày 09/11/2006 (Đại Hội Đồng Cổ Đông Bất Thường) để xem xét lại việc Bán Cổ Phần. Trong Đại Hội Đồng Cổ Đông Bất Thường, các cổ đông đã thông qua Nghị quyết số 186/HĐQT để hủy bỏ việc Bán Cổ Phần được cho rằng trái luật cho nguyên đơn. Hiệu lực của Nghị quyết (Nghị Quyết 186) nằm ở trọng tâm vụ kiện này.

Ngày 30/11/2006, nguyên đơn đã mang vụ kiện này ra trước Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để bắt đầu yêu cầu hủy bỏ Nghị Quyết 186 và yêu cầu tuyên bố rằng việc Bán Cổ Phấn là có hiệu lực. Tuy nhiên, trước tòa sơ thẩm diễn ra, việc yêu cầu tuyên bố việc bán cổ phần có hiệu lực đã được rút lại và nguyên đơn chỉ giữ lại yêu cầu hủy bỏ Nghị Quyết 186.

Các lập luận

Cơ sở cho yêu cầu của nguyên đơn là Đại Hội Đồng Cổ Đông Bất Thường và quá trình bỏ phiếu của nó đã không được tổ chức theo đúng Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Điều lệ của Công Ty. Cụ thể, nguyên đơn đưa ra lập luận rằng:

(i) Ban kiểm phiếu chỉ được chọn bởi Chủ tọa, mà chưa được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông, như yêu cầu của luật;

(ii) Có nhiều sai sót trong quá trình kiểm phiếu;

(iii) Số lượng cổ phần do nguyên đơn nắm giữ đã không được ghi một cách chính xác trong thẻ bỏ phiếu;

(iv) Tỷ lệ bỏ phiếu đã được tính trên cơ sở của số vốn lúc ban đầu của Công Ty là 5.5 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ thực tế lúc này của nó là 8 tỷ đồng; và

(v) Đại hội đồng cổ đông không có đủ thẩm quyền để hủy bỏ việc Bán Cổ Phần.

Công Ty với tư cách là bị đơn, đã phản bác rằng đó là sai sót của Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc khi quyết định việc Bán Cổ Phần bởi vì Đại hội đồng cổ đông chưa thông qua các loại cổ phần và số lượng cổ phần được chào bán cho mỗi loại. Vì thế, theo bị đơn, Nghị Quyết 186 hủy bỏ việc Bán Cổ Phần là cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cổ đông. Thứ hai, bị đơn phủ nhận việc cho rằng ban kiểm phiếu đã không được đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Thứ ba, bị đơn lập luận rằng, Nghị Quyết 186 có giá trị và hợp pháp vì nó đã được thông qua với 65% số phiếu biểu quyết, cụ thể, theo Điều lệ hiện tại của Công Ty đối với loại nghị quyết này chỉ yêu cầu 51% số phiếu biểu quyết.

Quyết định

Hội đồng xét xử đồng ý với nguyên đơn về cơ sở cho rằng Đại Hội Đồng Cổ Đông Bất Thường không được tổ chức đúng theo yêu cầu của luật. Đặc biệt, Hội đồng xét xử đã chỉ ra những điểm trái luật như sau:

(i) Tại Đại Hội Đồng Cổ Đông Bất Thường, Chủ tọa đã giới thiệu hai thư ký để lập biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, trong khi tại điểm c, khoản 2, Điều 103 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định Chủ tọa sẽ cử một người đóng vai trò thư ký để lập biên bản họp Đại hội đồng cổ đông. Hơn nữa, khoản 14.8 của Điều lệ Công Ty nêu rằng: “những người tham dự đại hội sẽ bầu ra một thư ký  để lập biên bản họp Đại hội đồng cổ đông…”. Do đó, việc chỉ định thư ký nên được tất cả các cổ đông có mặt tại đại hội chấp thuận. Điều này đã không được thực hiện. Vì thế, việc chỉ định hai thư ký mà không có sự chấp thuận của cổ đông là một sự vi phạm Điều lệ Công Ty và Luật Doanh nghiệp năm 2005;

(ii) Vi phạm thứ hai mà Hội đồng xét xử đã chỉ ra là ban kiểm phiếu do Chủ tọa chỉ định mà không được đại hội chấp thuận như yêu cầu tại điểm d, khoản 2, Điều 103 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Hơn nữa, ban kiểm phiếu đã báo cáo có bảy (07) phiếu trắng trong khi nguyên đơn đã trình bày tại phiên tòa là có 11 phiếu đã không được bỏ vào thùng phiếu. Do đó, Hội đồng xét xử kết luận rằng có nhiều sai sót trong quá trình kiểm phiếu; và

(iii) Quá trình bỏ phiếu phải được thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 103 Luật Doanh nghiệp năm 2005 là thu thập các thẻ phiếu tán thành trước sau đó mới thu những thẻ phiếu không tán thành. Sau đó, những thẻ phiếu tán thành và thẻ phiếu không tán thành sẽ được kiểm để đưa ra kết quả. Hội đồng xét xử nhận định rằng trong Đại Hội Đồng Cổ Đông Bất Thường, việc Công Ty chỉ cung cấp cho cổ đông một thẻ bỏ phiếu mà cổ đông được yêu cầu gạch bỏ hai chọn lựa tán thành hay không tán thành như là sự tước quyền của cổ đông. Hội đồng xét xử kết luận quá trình bỏ phiếu đã không được thực hiện theo yêu cầu của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và đây là một vi phạm khác trong việc tổ chức Đại Hội Đồng Cổ Đông Bất Thường.

Về cơ bản, Hội đồng xét xử đã nhận định rằng Đại Hội Đồng Cổ Đông Bất Thường và quá trình bỏ phiếu của nó không được tổ chức phù hợp theo yêu cầu của pháp luật. Vì vậy, Nghị Quyết 186 không có giá trị và bị hủy bỏ. Bản án đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn là Công Ty phải chịu án phí.

Bình luận

Các sự kiện trong vụ việc này đưa ra một số vấn đề pháp lý thú vị có liên quan đến điều chỉnh hoạt động công ty theo Luật Doanh nghiệp. Ví dụ, một vấn đề nổi bật liên quan đến hiệu lực của Nghị Quyết 186 đã được thông qua với một tỷ lệ là 65% số phiếu biểu quyết trong khi đó Điều lệ Công Ty chỉ yêu cầu một tỷ lệ là 51% số phiếu biểu quyết nhưng Luật Doanh nghiệp thì yêu cầu một tỷ lệ là 75% số phiếu biểu quyết đối với những loại nghị quyết như vậy. Điều lệ này đã được soạn theo theo Luật Doanh nghiệp cũ năm 1999 theo đó chỉ yêu cầu một tỷ lệ 65% số phiếu biểu quyết cho loại nghị quyết này. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực lúc mà Nghị Quyết 186 đã được thông qua, và hiện yêu cầu là tỷ lệ 75% số phiếu biểu quyết. Câu hỏi thú vị ở đây là liệu yêu cầu tỷ lệ 51% số phiếu biểu quyết trong Điều lệ hay là yêu cầu tỷ lệ mới 75% số phiếu biểu quyết trong Luật Doanh nghiệp mới. Vấn đề nổi bật khác là việc đại hội đồng cổ đông của một công ty ban hành một nghị quyết để hủy bỏ việc bán cổ phiếu đã được thông qua bởi một nghị quyết trước đó cũng của đại hội đồng cổ đông này liệu có hợp pháp.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Nếu như Hội đồng xét xử xem xét những vấn đề trên, quyết định của Hội đồng xét xử phân xử cho nguyên đơn sẽ thuyết phục hơn. Ví dụ, Hội đồng xét xử có thể nhận định rằng Nghị Quyết 186 vô hiệu vì Luật Doanh nghiệp mới hiện yêu cầu một tỷ lệ là 75% số phiếu biểu quyết đối với loại nghị quyết này và Điều lệ phải phù hợp với Luật. Thay vào đó, Hội đồng xét xử có thể nhận định rằng Nghị Quyết 186 vô hiệu vì việc Bán Cổ Phần đã được thông qua bởi đại hội đồng cổ đông vào ngày 07/04/2005 và có lẽ, đại hội đồng cổ đông không được phép thông qua một nghị quyết mới để hủy bỏ một nghị quyết có hiệu lực trước đó về việc bán cổ phần cho bên thứ ba.

Vấn đề quan trọng không được xem xét

Thật đáng tiếc là thay vì giải quyết các vấn đề thật sự quan trọng nói trên, Hội đồng xét xử lại chọn chấp thuận cho nguyên đơn với một số căn cứ mang chỉ tính kỹ thuật, điều mà dường như là căn cứ ít quan trọng. Ví dụ, Hội đồng xét xử xem xét vấn đề với sự kiện là hai thư ký đã được chỉ định, hơn là điều theo yêu cầu của luật. Một ví dụ khác, Hội đồng xét xử xem xét vấn đề với sự kiện quá trình bỏ phiếu được thực hiện hơi khác một chút so với luật định. Một điều đáng ngạc nhiên là liệu vấn đề kỹ thuật không hợp lệ đó có gây ra bất cứ một hậu quả thực sự nào không và liệu nó có thích hợp để đưa vào làm căn cứ để quyết định một nghị quyết có hiệu lực hay không. Trong khi quyết định của Hội đồng xét xử có thể là đúng, nhưng Hội đồng xét xử đã bỏ qua cơ hội để làm sáng tỏ những vấn đề pháp lý quan trọng và làm cho bản án thêm thuyết phục hơn.

Bài học được rút ra từ vụ án này là trong khi tiến hành đại hội đồng cổ đông hoặc một công việc nào đó của công ty, điều cần thiết là phải tuân thủ hoàn toàn theo từng câu chữ của Luật Doanh nghiệp. Bất kỳ một sự sai lệch nào cũng đều có thể dẫn đến rủi ro là nghị quyết có thể sẽ bị tuyên là vô hiệu, bất kể sự sai lệch đó có thể là vô hại và không có hậu quả thực tế nào. Do đó, lời khuyên tốt cho những người quản lý doanh nghiệp là nên tham vấn thường xuyên về các quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định trong Điều lệ công ty để đảm bảo các quy trình được tuân thủ tuyệt đối.

Tác giả bài viết: Luật sư Ngô Minh Hưng

Nguồn tin: Nguồn: Vietnamese Legal Update.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây