Cố vấn lo lắng những bất thường của TT Trump tại LHQ

Thứ ba - 25/09/2018 22:31
Trước khi TT Trump chủ trì phiên họp sắp tới tại LHQ, các cố vấn của Mỹ đã lên kế hoạch cho mọi tình huống, nhưng với một lãnh đạo khó lường như ông, mọi điều đều có thể xảy ra.
Cố vấn lo lắng những bất thường của TT Trump tại LHQ

 

Trong bài phát biểu đầu tiên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) năm ngoái, TT Mỹ Donald Trump nhạo báng nhà lãnh đạo Triều TiênKim Jong Un là "người tên lửa" và đe doạ sẽ "phá huỷ hoàn toàn" Triều Tiên. Tổng thống đồng thời cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), hay còn được biết đến là thoả thuận hạt nhân Iran, hiệp định mà ông cho là "sự xấu hổ của nước Mỹ". 

Tuần này, Tổng thống Trump quay lại LHQ để ca ngợi cuộc đàm phán mà ông đã tham gia cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên, người mà bây giờ theo ông là "rất đáng kính" dù nhiều bằng chứng cho thấy ông Kim vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng xây dựng kho vũ khí hạt nhân sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6. 

Và dù đã thực hiên cam kết "xé bỏ" thoả thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Trump vẫn khẳng định ông luôn sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Trước kỳ họp thường niên tại trụ sở LHQ ở New York, sự khó lường của tổng thống Mỹ không khỏi khiến các cố vấn của ông phải "đau đầu" đối phó.

Co van lo lang nhung bat thuong cua TT Trump tai LHQ hinh anh 1
Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5. Ảnh: New York Times.


Nhà lãnh đạo "không biết các phép tắc ngoại giao"

Đối với các cố vấn của Tổng thống Trump, nguy cơ lớn nhất tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ năm nay hoàn toàn ngược so với năm ngoái: Không phải là ông Trump thiếu phép tắc ngoại giao một cách đáng lo ngại, mà ông đang có thái độ quá nhiệt tình với một đối thủ khó lường như Triều Tiên. 

Các cố vấn cấp cao hiểu rõ việc kiềm chế xu hướng hiếu chiến của Tổng thống Trump khó khăn đến mức nào. Thay vào đó, họ nỗ lực thầm lặng để ngăn cản ông Trump đưa ra thêm bất kỳ nhượng bộ nào với Triều Tiên, điều mà họ cho là có thể phá hoại mọi nỗ lực gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Các cố vấn cũng muốn tránh những cuộc đối đầu trực tiếp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Iran, sự kiện mà tổng thống Mỹ chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó.

Hầu hết cố vấn tại Nhà Trắng đều có quan điểm "diều hâu" đối với Iran và Triều Tiên, họ ưa chuộng việc gây áp lực lên các quốc gia này hơn là thương lượng.

Viễn cảnh ông Trump gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc họp Đại hội đồng LHQ sắp tới khiến các cố vấn Mỹ lo ngại, chủ yếu là vì ông Moon có thể sẽ gây áp lực buộc Tổng thống Trump nhượng bộ Triều Tiên để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Co van lo lang nhung bat thuong cua TT Trump tai LHQ hinh anh 2
Tổng thống Trump gặp gỡ Tổng thống Moon tại Nhà Trắng hồi tháng 5. Ảnh: AP.


"Tổng thống Mỹ đến LHQ lần này để đe doạ, nhưng ông ấy cũng muốn đạt được những thoả thuận thế kỷ", ông Robert Malley, cựu quan chức thuộc chính quyền Barack Obama từng trợ giúp việc đàm phán thông qua thoả thuận hạt nhân Iran, nói.

"Đối với Triều Tiên, (các cuộc đàm phán) có hiệu quả vì nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thái độ hợp tác", ông Malley nói. "Vấn đề mà ông Trump phải đối mặt tại Iran đó là Tổng thống Rouhani tin rằng một cuộc gặp gỡ sẽ càng củng cố chiến lược trừng phạt của Washington đối với Tehran". 

Các quan chức Mỹ khẳng định họ khá tự tin rằng cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Rouhani sẽ không xảy ra, chủ yếu là vì phía Iran từng nói họ không hứng thú với việc này.

Hôm 21/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặt thêm rào cản với Iran, ông cho biết Mỹ có vài "yêu cầu đơn giản" buộc Iran phải thực hiện được trước khi hai bên có thể tiến hành đàm phán, gồm việc dừng mọi cuộc thử nghiệm tên lửa và "ngưng trở thành quốc gia trợ giúp khủng bố lớn nhất thế giới". 

Tuy nhiên, đưa ra yêu cầu với Iran là một chuyện, kiểm soát quan điểm của ông Trump là một chuyện hoàn toàn khác. Vị tổng thống thường nghĩ rằng ông có thể dễ dàng vượt trội hơn so với các lãnh đạo khác, hoặc dễ dàng đạt được thoả thuận trong các cuộc đàm phán. 

Nội bộ rối ren vì dòng "tweet" của tổng thống

Trong quá trình chuẩn bị cho phiên họp ngày 26/9 tại LHQ, Tổng thống Trump tỏ rõ ý muốn sự kiện này chỉ xoay quanh vấn đề Iran.

Ông lập ra danh sách các yêu cầu Iran buộc phải thực hiện nếu muốn Mỹ tiến hành đàm phán thoả thuận hạt nhân mới, đồng thời đe doạ trừng phạt các đồng minh như AnhPháp và Đức, những nước tham gia ký kết thoả thuận JCPOA năm 2015, nếu các nước này không cắt đứt mọi quan hệ thương mại với Tehran đến tháng 11. 

Anh và Đức phản đối ý tưởng trên. Hai quốc gia này cảnh báo một phiên họp chỉ xoay quanh vấn đề Iran sẽ làm lộ thêm chia rẽ giữa các đồng minh phương Tây, khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận mà các nước châu Âu tin rằng có thể ngăn chặn Iran sản xuất nguyên liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí. 

Ban đầu, đề nghị của các nước châu Âu bị Mỹ phớt lờ, New York Timesdẫn lời một nhà ngoại giao thuộc EU. Tuy nhiên, sau đó Nhà Trắng thay đổi ý định nhờ cố vấn an ninh John R. Bolton, người từng là đại sứ Mỹ tại LHQ. Ông Bolton hiểu rõ nếu vấn đề Iran được đem ra thảo luận trong phiên họp tới đây, Tổng thống Rouhani sẽ được phép tham dự để phản hồi các thắc mắc. 

Sau cùng, Mỹ quyết định mở rộng nội dung phiên họp, bàn về việc chống vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học và sinh học, thay vì chỉ nhắm vào Iran. New York Times chỉ ra rằng đây cũng là nội dung phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ đầu tiên của cựu tổng thống Barack Obama vào năm 2009. 

Co van lo lang nhung bat thuong cua TT Trump tai LHQ hinh anh 3
Cố vấn an ninh John R. Bolton từng là đại sứ Mỹ tại LHQ. Ảnh: AP.


Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại làm mọi chuyện rối ren khi đăng một dòng "tweet" hôm 21/9, ông nói: "Tôi sẽ chủ trì một cuộc họp Đại hội đồng LHQ về vấn đề Iran vào tuần tới!".

Động thái này nhiều khả năng sẽ làm các nước châu Âu đặt nghi vấn với Mỹ. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho rằng các quan chức tại Nhà Trắng không thể đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho dòng "tweet" của Tổng thống Trump, nhưng lại đề nghị EU bỏ qua tuyên bố này và đảm bảo phiên họp sắp tới diễn ra đúng kế hoạch. 

Trong khi đó, Tổng thống Rouhani dự định tận dụng thời gian tại New York để tấn công Washington và khiến Mỹ ngày càng tách biệt với các nước châu Âu. Hôm 23/9, ông Rouhani cáo buộc Mỹ chịu trách nhiệm cho vụ xả súng đẫm máu trong buổi lễ duyệt binh của Iran, sự việc khiến 25 người thiệt mạng, 70 người bị thương.

Trước các chuyên gia và nhà báo tham dự kỳ họp sắp tới của LHQ, Tổng thống Rouhani có thể sẽ khắc hoạ Iran là một quốc gia hoà bình đã đạt được thoả thuận với phương Tây và tuân thủ đúng các quy định đã được thống nhất, nhưng sau đó lại bị Mỹ quay lưng.

Hôm 21/9, tờ Washington Post đăng tải một bài viết của Tổng thống Rouhani. Trong đó, ông cho biết khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran, ông "đã có thể đáp trả và tuyên bố Iran cũng rút khỏi thoả thuận này, điều chắc chắn sẽ đẩy khu vực vào tình trạng nguy hiểm và bất ổn hơn nữa". 

Co van lo lang nhung bat thuong cua TT Trump tai LHQ hinh anh 4
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại LHQ hồi năm 2017. Ảnh: Getty.


Thay vào đó, tổng thống Iran khẳng định ông không "cắn câu". Theo ông Rouhani, chính quyền Trump "mong Iran rút khỏi thoả thuận hạt nhân một cách nóng vội để có thể dễ dàng kêu gọi các đồng minh quốc tế chống lại Iran và tự động khôi phục các lệnh trừng phạt trước kia. Nhưng chúng tôi chọn cách phá hỏng dự định đó". 

Tuy nhiên, chưa rõ ông Rouhani sẽ duy trì được tình trạng này trong bao lâu khi sản lượng dầu thô xuất khẩu của Iran đang giảm mạnh. Các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu từng tuyên bố đầu tư và thiết lập quan hệ buôn bán với Iran đã rút khỏi quốc gia này. Cơ quan tình báo của Mỹ ước tính hậu quả mà Iran phải gánh chịu là vô cùng tàn khốc và có khả năng khiến chính quyền Tổng thống Rouhani lung lay. 

Ngược lại, châu Âu nhận định các lệnh trừng phạt chỉ có tác dụng khuyến khích lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, đơn vị quân đội có quan điểm cứng rắn và chống thỏa thuận hạt nhân tại Iran, kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân.

Gương mặt vô cảm của thủ tướng Nhật Bản

New York Times cho biết các quan chức tại châu Âu thừa nhận họ không có cách gì để bù đắp cho Iran trước những lệnh trừng phạt từ Mỹ, và nhiều chuyên gia nhận định ông Rouhani khó có thể giữ vững cam kết không rút Iran khỏi thỏa thuận JCPOA dưới sức ép từ Mỹ và từ những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt. 

Trong khi đó, viễn cảnh Tổng thống Trump và Tổng thống Moon gặp gỡ tại sự kiện lần này cũng khiến các cố vấn lo ngại. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang gây áp lực, buộc ông Trump ký kết hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Điều này chắc chắn là ước muốn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un vì đây là cách Bình Nhưỡng chấm dứt tình trạng bị cộng đồng quốc tế cô lập. 

Các cố vấn tại Nhà Trắng đã tìm cách ngăn chặn cuộc gặp giữa hai lãnh đạo, họ cho rằng Mỹ đã nhượng bộ đủ với việc dừng tập trận chung với Hàn Quốc. Trong trường hợp bất kỳ sự nhượng bộ nào khác được đưa ra, Tổng thống Trump sẽ trông có vẻ như bị ông Kim "điều khiển". 

Co van lo lang nhung bat thuong cua TT Trump tai LHQ hinh anh 5
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim gặp gỡ hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.


Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tin rằng ông đã có "một đối tác đầy cảm thông tại Nhà Trắng, người đã đồng ý tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh với ông trái với ý định của các cố vấn và cùng ông đưa ra tuyên bố chung tại Singapore, điều không hề có lợi cho chính sách hướng đến phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên của Mỹ", bà Jung H. Pak, cựu giám đốc Triều Tiên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), viết. 

Một số quan chức lo ngại Tổng thống Trump có thể đã cam kết ký hiệp định hòa bình với Triều Tiên khi ông gặp riêng nhà lãnh đạo Kim trong cuộc hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6. Nhưng bởi vì không có bất cứ bản ghi chép nào tường thuật cuộc gặp riêng, các cố vấn không thể biết ông Trump thực sự đã nói những gì, New York Times dẫn một nguồn tin hoạt động trong lĩnh vực tình báo cho biết. 

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đang thúc đẩy cuộc gặp tiếp theo với tổng thống Mỹ, và ông Trump cũng đón nhận ý tưởng này. Tuy nhiên, ông có thể nhận thông điệp cảnh báo từ một lãnh đạo khác: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người cùng ông Trump dùng bữa tối tại New York hôm 23/9. 

Nhật Bản chia sẻ sự nghi ngờ với các cố vấn tại Nhà Trắng về vấn đề Triều Tiên. Hồi tháng 4, khi Thủ tướng Abe đến thăm Tổng thống Trump ở bãi biển Palm, bang Florida, ông Trump đã trò chuyện nhiệt tình về việc ký hiệp định chấm dứt chiến tranh. "Nhiều người không nhận ra là Chiến tranh Triều Tiên chưa kết thúc", ông nói. "Nó sẽ chấm dứt ngay từ lúc này".

Ông Abe chỉ nhìn Tổng thống Trump với gương mặt vô cảm. 

Nguồn tin: Theo Zing.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây