Các nhà bán lẻ tại Mỹ thời gian qua lo ngại lệnh áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Trung Quốc sẽ khiến hàng tiêu dùng phổ thông tăng giá chóng mặt. Trước sức ép này, đội ngũ cố vấn Nhà Trắng đã tổ chức một cuộc họp với tổng thống Mỹ vào tuần trước.
Theo tiết lộ của một số nguồn thạo tin với CNN, các cố vấn cảnh báo áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc có thể "hủy hoại Giáng sinh". Chiến thuật đạt được kết quả như mong muốn. Tổng thống Trump tuyên bố một số lệnh áp thuế được hoãn đến ngày 15/12, chứ không bắt đầu có hiệu lực từ 1/9 như dự kiến.
Những diễn biến đằng sau quyết định hoãn áp thuế cho thấy sự bất ổn trong đội ngũ cố vấn kinh tế của ông Trump, cũng như thực tế mối quan tâm lớn nhất của nhà lãnh đạo là chiến dịch tái tranh cử.
Trước những tín hiệu về một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, thúc đẩy một phần vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Tổng thống Trump và đội ngũ đang tích cực tìm phương án chặn tâm lý lo âu của thị trường toàn cầu vươn đến Mỹ trước thềm bầu cử năm 2020.
Nhà lãnh đạo 73 tuổi đang đặt niềm tin vào một đội ngũ thường vấp phải những bất đồng nội bộ và xáo trộn nhân sự liên tục trong nhiều tháng qua. Xung quanh ông Trump giờ đây có nhiều gương mặt mới, khác với đội ngũ đã giúp ông định hình chính sách kinh tế trong nửa đầu nhiệm kỳ. Nỗi lo ngại tăng trưởng kinh tế giảm đang nhen nhóm ngay tại cánh Tây của Nhà Trắng.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump là Larry Kudlow có khả năng rời khỏi Nhà Trắng trong vài tháng tới. Truyền thông Mỹ thời gian qua nhiều lần tiết lộ ông Kudlow đã quá mệt mỏi với công việc. Một số quan chức giấu tên cho biết bất đồng trong nhóm cố vấn liên quan đến Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
Ông Trump thậm chí bắt đầu công kích một trong những bộ trưởng trung thành nhất của mình là Steven Mnuchin, lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ. Quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung nhiều sóng gió khiến tổng thống không hài lòng. Bản thân Bộ trưởng Mnuchin cũng phải đối phó với rắc rối nội bộ khi nhiều cố vấn hàng đầu của Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố ra đi trong thời gian qua.
Đội ngũ của ông Trump đang phân tán khắp nơi thay vì tập trung bàn luận chính sách. Peter Navarro đang ở Washington, còn Bộ trưởng Wilbur Ross có mặt tại New York. Mick Mulvaney, cựu lãnh đạo bộ phận hoạch định ngân sách và hiện là chánh văn phòng Nhà Trắng, đang tháp tùng Tổng thống Trump ở New Jersey.
Bộ trưởng Steven Mnuchin vẫn ở lại Washington làm việc nhưng hạn chế xuất hiện trước công chúng. Ông vừa tham gia một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và CEO các ngân hàng lớn của Mỹ vào ngày 14/8 ngay khi thị trường nổi sóng vì lo ngại suy thoái.
Trong khi nhiều quan chức Mỹ cho rằng thương chiến tăng lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái, Tổng thống Trump quy trách nhiệm cho Cục Dự trữ Liên bang. Điều này gây nên chia rẽ trong đội ngũ cố vấn của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Trưởng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, Quyền chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Tomas Philipson, chỉ vừa mới nhận vị trí được vài tuần. Sự ra đi của người tiền nhiệm Kevin Hassett, nhân vật thường xuyên xuất hiện trên truyền hình bảo vệ các chính sách của ông Trump, đã để lại một khoảng trống lớn trong việc giải thích chính sách của Nhà Trắng với công chúng.
Tiếng nói bảo vệ chính sách kinh tế của ông Trump giờ đây là Peter Navarro. Là một nhân vật chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, Navarro thường xuyên phản pháo những hoài nghi rằng nội bộ Nhà Trắng chia rẽ về chính sách kinh tế. Nhiều nguồn tin cũng tiết lộ Navarro có bất đồng với Mnuchin xoay quanh đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Nhiều quan chức Mỹ mô tả ông Trump khá bất ngờ trước tâm lý bi quan về suy thoái kinh tế bất ngờ trỗi dậy, gây sóng gió trên thị trường vào ngày 14/8. Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết nhà lãnh đạo không quá lo lắng viễn cảnh suy thoái diễn ra trong 2 năm tới.
Điều mà nhà lãnh đạo chủ yếu tập trung là tác động của suy thoái đối với tương lai của ông trên chính trường Mỹ. Tổng thống Trump không muốn cơ hội tái đắc cử suy giảm vì tình hình đối đầu thương mại diễn biến theo chiều hướng xấu.
Đội ngũ của ông Trump lẫn giới lãnh đạo đảng Cộng hòa trông cậy vào tình hình kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ để đảm bảo tấm vé tái đắc cử tổng thống. Kinh tế là lý do hàng đầu để cử cử tri ủng hộ ông Trump làm thêm 1 nhiệm kỳ.
Dẫn nhiều nguồn thạo tin, CNN cho biết các cuộc họp giữa Tổng thống Trump và đội ngũ luôn đề cao tầm quan trọng của nền kinh tế đối với cuộc bầu cử sắp tới. Điều này không thay đổi dù đội ngũ cố vấn của ông có xáo trộn nhân sự.
Theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Trump ngày một khó chịu với các buổi báo cáo đi sâu vào chuyên môn. Thay vì quan tâm đến kiến thức chuyên sâu về chính sách kinh tế, tổng thống Mỹ có xu hướng lắng nghe nhiều hơn những hàm ý chính trị từ các quyết sách.
Cuộc họp dẫn đến quyết định hoãn áp thuế hàng hóa Trung Quốc là ví dụ cụ thể nhất. Các cố vấn của ông Trump tuần qua cảnh báo nhiều CEO các công ty bán lẻ của Mỹ sẵn sàng công khai phản đối lệnh áp thuế mới.
Nhóm cố vấn thay vì tập trung vào tác động của lệnh áp thuế với tăng trưởng kinh tế Mỹ lại nhắm đến thiện cảm mà ông Trump dành cho mùa Giáng sinh.
Ông Trump tập trung vào chiến dịch tái đắc cử và muốn các quyết sách kinh tế lấy lòng cử tri. Điều này cùng với xáo trộn nhân sự trong đội ngũ cố vấn giúp Peter Navarro, nhà kinh tế có lập trường diều hâu về Trung Quốc, tăng thêm tiếng nói. Ảnh: Reuters. |
Nhà lãnh đạo lập tức yêu cầu các cố vấn tìm cách để tránh ngày hội mua sắm của người Mỹ chịu tác động tiêu cực. Việc áp thuế được đề xuất hoãn đến ngày 15/12, khi những mặt hàng bán chạy trong mùa Giáng sinh như điện thoại di động và đồ điện tử đã nhập khẩu để bắt đầu bày bán.
Đề xuất được ông Trump đồng ý mà không cần một nhượng bộ gì từ Bắc Kinh. Trong cuộc tiếp xúc với cử tri sau đó, tổng thống Mỹ khoe mình đã giải cứu thị trường khỏi "cuộc chiến mùa Giáng sinh". Trả lời Fox News ngày 14/8, Navarro gọi quyết định trì hoãn của ông Trump là "món quà Giáng sinh cho đất nước".
Với mục tiêu tái đắc cử, ông Trump đã nói rất nhiều về thành tích kinh tế của Mỹ và tình hình thị trường chứng khoán Phố Wall trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 15/8 ở New Hampshire. Ông tự tin khẳng định những cử tri không thích ông cũng phải bỏ phiếu ủng hộ nếu không muốn nền kinh tế quốc gia sụp đổ.
"Các bạn không có lựa chọn nào khác ngoài bỏ phiếu cho tôi, bằng không tiết kiệm hưu trí 401(k) của các bạn và mọi thứ khác sẽ đổ sông đổ biển. Dù bạn yêu tôi hay ghét tôi, bạn phải bầu cho tôi", ông nhấn mạnh.
Nguồn tin: Theo Zing.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn