Với phóng viên theo dõi vụ gian lận thi cử tại Sơn La năm 2018, vị giám đốc này là một ẩn số.
Trung tuần tháng 7/2018, ngay sau vụ việc phát hiện tiêu cực thi cử tại Hà Giang, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT lại lên đường đến Sơn La. Và tất nhiên, theo chân đoàn công tác không thể thiếu báo chí.
Hôm đó, trên đường di chuyển lên Sơn La, tôi vẫn nhớ trời mưa tầm tã. Xe qua thành phố Hòa Bình, đường bắt đầu có những đoạn sạt lở, ngập nước. Xe ô tô vừa đi vừa dò đường. Có những đoạn, các phương tiện chỉ di chuyển được một làn xe, vừa đi vừa đợi nhau đến cả 30 phút.
Trong thời gian ngồi trên xe, chúng tôi cũng đã kịp nối máy điện thoại gọi điện cho
giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức để xin ý kiến ông trước vấn đề dư luận đặt ra đối với kết quả thi của Sơn La. Không nói nhiều, ông Đức chỉ trả lời mấy câu, đại loại như Sở chưa nắm được thông tin gì, ông tin tưởng vào kết quả thi của học sinh trong tỉnh.
Vật vã vượt qua thời tiết, qua những lần phanh gấp, hay những đoạn đường sóc đến bắn lên nóc xe, chiều tà tôi cũng đến TP Sơn La. Quyết định được đưa ra là đến luôn trụ sở của Sở GD&ĐT. Tôi không phải là phóng viên đến sớm nhất, các phóng viên khác cũng đã nhấp nhổm ở đây.
Dừng xe trước cổng, xuất trình giấy tờ theo đúng thủ tục nhưng chỉ được bước qua “vạch” ranh giới ở cổng, không được tiến xa hơn. Chúng tôi được chánh văn phòng sở tiếp nhận cho biết sẽ ghi lại thông tin của phóng viên, khi nào có thông tin sẽ gọi điện mời đến sở. Đồng thời từ chối tất cả các câu hỏi liên quan.
Ra khỏi cổng sở, dù chiều muộn nhưng tôi vẫn thấy một vài người dân cũng đứng đó ngóng thông tin. Những cửa hàng vặt gần sở cho chúng tôi ngồi giải thẻ uống nước, tán chuyện. Dù vậy, tâm trí đứa nào cũng ngóng vào hai cánh cổng đang đóng im ỉm kia xem có nhân vật nào của sở, của Bộ đi ra để còn hy vọng. Tuy nhiên, chỉ thấy xe ô tô vào mà không thấy xe ra.
Nhưng cũng từ lúc đó, tôi không thể gọi được cho lãnh đạo sở GD&ĐT Sơn La. Với tôi, cho đến tận bây giờ, ông Hoàng Tiến Đức, nguyên giám đốc Sở Sơn La vẫn còn là một ẩn số. Ông ẩn số vì trong suốt thời gian đoàn công tác của Bộ lên làm việc (5 ngày), kể cả lúc tổ chức họp báo kết thúc vụ việc, thông tin chính thức đến báo chí cũng không thấy ông xuất hiện một lần.
Rồi suốt quãng thời gian sau đó, cho đến mấy tháng sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định đối với 44 thí sinh của Sơn La, ông vẫn không lần nào xuất hiện trực tiếp trước cơ quan truyền thông. Gọi điện thoại thì ông nói phải lên trực tiếp. Lên tận nơi thì ông nói ông bận, ông ốm, không tiếp được.
Trong ba địa phương có gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La có lẽ là người duy nhất “bế quan” đối với phóng viên. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng ít nhất xuất hiện đối diện trực tiếp với truyền thông 1 – 2 lần. Còn giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La “trốn bặt”. Câu trả lời có lẽ phải đợi kết luận điều tra giai đoạn hai vụ án gian lận thi cử tại địa phương này.