Tài xế tông 2 người chết ở hầm Kim Liên có bị tội giết người?

Thứ năm - 02/05/2019 09:19
Liên quan đến vụ tài xế ô tô tông chết 2 người ở hầm Kim Liên (TP.Hà Nội), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội) đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Dư luận đặt câu hỏi, liệu lái xe có bị xử lý tội giết người?
Tài xế tông 2 người chết ở hầm Kim Liên có bị tội giết người?

 


Trao đổi với Dân Việt vào ngày 2.5, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nếu người lái xe không có chủ đích lao xe vào người nạn nhân thì không thể xử lý được về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự với lỗi cố ý gián tiếp hoặc cố ý trực tiếp.

Lý giải cho quan điểm của mình, luật sư Cường dẫn chứng, theo quy định của pháp luật thì tội giết người đòi hỏi phải có lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.

Nghĩa là người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật, có thể tước đoạt tính mạng của người khác, mong muốn hậu quả chết người xảy ra hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì mới có thể xử lý được về tội giết người.

Còn nếu người say rượu lên xe ô tô để lái đi, tham gia giao thông nhưng không có chủ ý đâm vào người khác, không cố ý lao xe vào người khác (không giống như những vụ việc người vi phạm giao thông lao xe vào tổ công tác, cảnh sát giao thông để bỏ chạy...). Trong những tình huống dùng phương tiện giao thông chống người thi hành công vụ để tẩu thoát như vậy thì mới có thể xử lý về tội giết người, bởi người lái xe biết rõ là điều khiển xe như vậy là lao thẳng vào người khác nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi vậy bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra).

 tai xe tong 2 nguoi chet o ham kim lien co bi toi giet nguoi? hinh anh 1

Theo chuyên gia pháp lý, ý kiến cho rằng cần khởi tố mọi trường hợp người lái xe say xỉn gây tai nạn giao thông về tội giết người là thiếu cơ sở lý luận về mặt chủ quan của tội phạm.

“Việc người lái xe say xỉn, điều khiển phương tiện giao thông tham gia thông thông đường bộ, không có chủ đích, không cố ý tông xe vào người khác gây tai nạn thì đây chỉ là lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả (không lường trước được hậu quả thì đây chỉ là lỗi vô ý)” – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nói.

Theo luật sư này, với lỗi vô ý gây tai nạn giao thông, hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý theo quy định tại điều 260 bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông được bộ, chứ không thể xử lý về tội giết người.

Tội giết người chỉ có thể được áp dụng với những hành vi tước đoạt tính mạng của người khác với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).

Bên cạnh đó, theo phân tích của vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, trong những vụ án tai nạn giao thông thì giữa người lái xe và người bị hại không có mối quan hệ mâu thuẫn, thù oán, không quen biết từ trước, hành vi lái xe không nhằm mục đích đâm vào người bị hại thì không thể khẳng định là lỗi cố ý.

 tai xe tong 2 nguoi chet o ham kim lien co bi toi giet nguoi? hinh anh 2

 tai xe tong 2 nguoi chet o ham kim lien co bi toi giet nguoi? hinh anh 3

Với việc say xỉn lái xe và gây ra hậu quả nghiêm trọng, tài xế Hiếu có thể phải lĩnh án tới 10 năm tù theo quy định của pháp luật.

Nếu những vụ án tai nạn giao thông mà cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng đã chủ đích sử dụng phương tiện giao thông để gây thiệt mạng cho người khác thì mới có thể xử lý về tội giết người.

“Trong các vụ án tai nạn giao thông đường bộ thông thường thì lỗi cố ý là cố ý với hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, còn vô ý với hậu quả thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản xảy ra.

Bởi vậy có ý kiến cho rằng cần khởi tố mọi trường hợp người lái xe say xỉn gây tai nạn giao thông về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 là thiếu cơ sở lý luận về mặt chủ quan của tội phạm (Lỗi, động cơ, mục đích).

Cũng rất khó để có thể sửa đổi hoặc bổ sung tội danh này trong bộ luật hình sự bởi thiếu cơ sở lý luận để mô tả các dấu hiệu cấu thành tội giết người với hành vi say xỉn của các lái xe.

 tai xe tong 2 nguoi chet o ham kim lien co bi toi giet nguoi? hinh anh 4

Hiếu khai đã uống rượu trước khi lái xe, chuyên gia pháp lý nhận định, đây là lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

Có chăng nếu sau này sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 (2017) thì có thể coi hành vi say xỉn gây tai nạn giao thông là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và để ở mức khung hình phạt cao nhất, tăng tính răn đe phòng ngừa đối với hành vi này mà thôi” – luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Với vụ án liên quan đến lái xe Lê Trung Hiếu (TP.Hà Nội) lái xe tông chết 2 nạn nhân ở hầm Kim Liên, theo luật sư Cường, với hậu quả chết 2 người thì khung hình phạt cao nhất cho tài xế là đến 10 năm tù.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài việc người lái xe có lỗi gây hậu quả chết người phải chịu trách nhiệm hình sự, chịu hình phạt thì người gây ra vụ tai nạn này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về dân sự bao gồm: chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng (Cấp dưỡng cho con nạn nhân đến khi trưởng thành hoặc con nạn nhân trưởng thành nhưng không có khả năng lao động phải cấp dưỡng cho bố mẹ già của nạn nhân đến khi qua đời ...) và bồi thường một khoản tổn thất về tinh thần...

Cấp dưỡng này sẽ là rất lớn tuy nhiên vẫn không thể bù đắp được những thiệt hại mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Pháp luật khuyến khích hai bên tự thỏa thuận với nhau về việc bồi thường, nếu không bồi thường thỏa đáng thì gia đình bị hại có quyền yêu cầu tòa án xem xét giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự đó.

Vào 0 giờ 10 ngày 1.5, Lê Trung Hiếu (SN 1980, Văn Cao, Ba Đình, TP.Hà Nội) điều khiển xe ô tô mang biển kiểm soát 30F 15478 đi trên đường Hầm Kim Liên hướng Tạ Quang Bửu.

Đến khu vực cột đèn KL3/2 xẩy ra va chạm với xe moto màu trắng không có biển kiểm soát, trên xe có chị Đinh Thị Hải Yến và chị Trần Thị Quỳnh chưa rõ người điều khiển, đi phía trước cùng chiều với xe ô tô trên.

Vụ tai nạn làm chị Yến và chị Quỳnh tử vong tại chỗ. Sau khi xẩy ra tai nạn giao thông, xe ô tô rời khỏi hiện trường đến ngã 3 Đại Cổ Việt -Tạ Quang Bửu thì bị tổ Y4, 141 giữ lại. Tại thời điểm kiểm tra nồng độ cồn đo được của lái xe ô tô là 0,751mg/1L khí thở.

Theo tìm hiểu, Lê Trung Hiếu đã lập gia đình và có 2 con nhỏ, hiện Hiếu đang làm kinh doanh gần nhà. Tại tổ dân phố, Hiếu là người hiền lành, ngoan ngoãn được mọi người quý mến.

Được biết, trước đây Hiếu làm việc cho cơ quan Nhà nước nhưng cách đây không lâu Hiếu đã nghỉ để về lo việc kinh doanh của gia đình. Bố của Lê Trung Hiếu cũng là một doanh nhân thành đạt, mẹ đang là giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội.

Hiếu đã kết hôn và có 2 cậu con trai, vợ Hiếu cũng đang làm trong ngành giáo dục.

Nguồn tin: danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây