Người vay có lợi gì khi thay đổi mức trần lãi suất cho vay từ 2017

Chủ nhật - 05/02/2017 04:29

 

(PL News) - Việc áp dụng mức trần lãi suất 20% theo quy định mới có linh hoạt và khả thi hơn mức trần lãi suất cũ hay không?Bạn đọc hỏi:

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, lãi suất cho vay không được vượt quá 20% thì có khả thi và linh hoạt hơn mức trần lãi suất cũ hay không?

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005, lãi suất vay tiền do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản. Căn cứ Điều 1 Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì  mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm. Do đó, lãi suất vay các bên có thể thỏa thuận tối đa là 13,5%/năm. Thực tế cho thấy mức lãi suất này khá hẹp nên hiện tượng cho vay vượt mức trần lãi suất hay cho vay nặng lãi diễn ra ngày càng phổ biến hơn.   

Để khắc phục hạn chế này, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Theo quy định Khoản 1 Điều 468 Bộ luật này, các bên có thỏa thuận về lãi suất vay nhưng mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.  Như vậy, mức trần lãi suất cho vay đã tăng thêm tới 6,5%/năm (từ 13,5%/năm lên 20%/năm).

Việc tăng mức trần lãi suất vay sẽ có lợi cho các ngân hàng, các công ty tài chính nói riêng và các bên cho vay nói chung. Nhưng lại khá bất lợi cho các bên vay, đồng thời cũng có thể gây khó khăn cho chính cả các ngân hàng, các công ty tài chính. Trên thực tế mấy năm gần đây, nhìn chung lãi suất cho vay của các ngân hàng không quá 20%/năm. Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng phổ biến trong khoảng 20-35%/năm, đặc biệt là lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng hiện nay có thể lên đến 26-27%/năm và của công ty tài chính lên đến 45-65%/năm. Vì vậy, nếu phải áp dụng mức trần lãi suất cho vay 20%/năm của Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ khá thấp và mâu thuẫn với nguyên tắc tự do hóa lãi suất đã được thừa nhận trong ngành ngân hàng và nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn các ngân hàng, công ty tài chính có được cho vay vượt mức lãi suất 20%/năm hay không dựa theo quy định mở rộng trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. 

Nếu còn điều gì thắc mắc cần giải đáp thêm, bạn đọc có thể gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật VOV.VN số 19006511 để được tư vấn./.

Nguồn tin: Thạc sỹ-Luật sư Vũ Hồng Hoa/HTX Luật Đống Đa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây