Sắp tới các ngành thuế, kho bạc... sẽ cắt giảm sắp xếp lại theo liên tỉnh, liên huyện. Trong ảnh: cán bộ Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM hỗ trợ người nộp thuế - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo thông cáo mới nhất về tình hình thu, chi ngân sách 4 tháng đầu năm được Bộ Tài chính công bố ngày 11-5, tổng số thu nội địa đạt 446.4000 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, đóng góp vào tổng số thu 4 tháng qua, thu nội địa đạt khá với hơn 368.000 tỉ đồng.
Nếu không kể các khoản thu có tính chất đặc thù như thu từ sử dụng đất, thu từ xổ số, cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước thì số thu nội địa ước đạt 281.400 tỉ đồng, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, số thu từ dầu thô đóng góp hơn 19.000 tỉ đồng, bằng 53,3% dự toán năm do giá dầu thô từ đầu năm tăng trở lại.
Mặc dù vậy, sự đóng góp của dầu thô chiếm tỉ lệ chỉ 4% tổng thu ngân sách, con số rất nhỏ so với 5-7 năm trước đây là 15-20%.
Đóng góp vào tổng số thu của cả nước phải kể đến thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Lũy kế thu 4 tháng ước đạt 90.000 tỉ đồng, giảm khoảng 2,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 31.000 tỉ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu còn 59.000 tỉ đồng, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2017.
Còn về tổng chi ngân sách trong 4 tháng qua, theo Bộ Tài chính, ước đạt 410.000 tỉ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển đạt khoảng 65.000 tỉ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi trả nợ lãi là 41.750 tỉ đồng và chi thường xuyên 301.500 tỉ đồng, tăng lần lượt 13,7% và 5,4% so với cùng kỳ.
Bình luận về tình hình thu - chi ngân sách 4 tháng qua, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định tổng thu 4 tháng có cải thiện do thu từ dầu thô và từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, bức tranh về chi thì không mấy tích cực khi chi thường xuyên, trả nợ lãi thì tăng trong khi chi đầu tư thì giảm so với cùng kỳ.
Nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên chiếm 66% tổng thu.
Hay nói cách khác là thu được 3 đồng thì ăn tiêu mất 2 đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, cho rằng ngân sách rất căng thẳng trong vài năm nay.
Số thu không đảm bảo chi vì thế gần như toàn bộ khoản chi cho đầu tư là phải đi vay. Do đó, một trong những cách để giảm áp lực lên ngân sách là chi tiêu hiệu quả thông qua việc cắt giảm biên chế.
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn