Khoán xe công, phải làm đến cùng

Thứ sáu - 10/03/2017 04:40
(PL News) - Dư luận ủng hộ mạnh mẽ dự thảo quy định về khoán xe công đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, với mục tiêu đến năm 2020 giảm 30-50% tổng lượng xe và số xe phục vụ các chức danh cũng giảm mạnh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

 

Nhưng liệu mục tiêu trên đây có hiện thực hóa được không? Việc khoán xe có thực sự tiết kiệm được như các phép tính?

Làm gì để chủ trương khoán xe công không đi vào “vết xe đổ” như chủ trương tinh giản biên chế?

Những câu hỏi này Bộ Tài chính rất khó giải đáp, bởi nó phụ thuộc phần lớn vào việc thực hiện của các văn phòng trung ương, các ban, bộ, ngành và các địa phương.

Phóng viên Tuổi Trẻ từng đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hạnh Phúc - tổng thư ký, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - là: Quốc hội có ủng hộ chủ trương khoán xe công không và có gương mẫu thực hiện trước?

Ông Phúc khẳng định là Quốc hội ủng hộ chủ trương khoán xe nếu nó giúp tiết kiệm hơn khi chưa khoán, nhưng ông băn khoăn khi vẫn chưa có kết quả cuối cùng về bài toán hiệu quả với mục tiêu tiết kiệm.

“Nếu chỉ khoán từ nhà đến cơ quan thì đơn giản quá. Nếu khoán xe mà số lượng xe không giảm, số lượng tài xế vẫn như vậy, bởi vì các xe và tài xế vẫn phải phục vụ đưa đón người ta đi họp hằng ngày, thì có tiết kiệm hơn không? Chưa chắc” - ông Phúc nói.

Băn khoăn của tổng thư ký Quốc hội là hoàn toàn có lý. Dự thảo quy định mới được Bộ Tài chính đưa ra lần này cũng chỉ bắt buộc các chức danh từ thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh trở xuống (có chế độ xe đưa đón) nhận khoán 6,5 triệu đồng/tháng hoặc 16.000 đồng/km cho quãng đường từ nơi ở đến nơi làm việc.

Khi họp hành, công tác thì các đối tượng trên vẫn được sử dụng xe công đưa đón chung.

Vấn đề đặt ra là: với các chức danh như chủ tịch tỉnh, thứ trưởng, nhu cầu sử dụng xe để họp hành, công tác phục vụ nhiệm vụ điều hành hằng ngày là rất lớn.

Một bộ có 4-5 thứ trưởng được phân công đảm nhiệm các lĩnh vực, địa bàn khác nhau thì bộ đó vẫn cần 4-5 xe để phục vụ các ông (bà) này đi họp, đi công tác, không thể dùng chung 1-2 xe được.

Và một khi xe chung vẫn được phục vụ cho một người đang thực thi công vụ thì việc kiểm soát là không dễ, bởi người ta vẫn có thể dùng xe đó vào công việc cá nhân như đi đám giỗ, chơi golf, về quê...

Một số cán bộ thuộc diện có xe đưa đón tâm sự thật với phóng viên rằng họ chẳng dại gì nhận khoán một khi vẫn còn sự lựa chọn sử dụng xe công.

Để chủ trương khoán xe công được thực hiện triệt để thì phần còn lại của bài toán nêu trên cần có đáp án.

Nhiều ý kiến cho rằng đồng thời với quy định khoán xe từ nơi ở đến nơi làm việc, cần xóa bỏ luôn khái niệm “xe công” (trừ số ít các chức danh thuộc đối tượng được cảnh vệ, bảo đảm an ninh đặc biệt, xe phục vụ công tác đối ngoại) bằng cách sử dụng xe dịch vụ theo phương thức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ công tốt nhất.

Phần việc còn lại là kiểm soát tốt quá trình đấu giá số xe công đang dư thừa, giải quyết tốt chế độ chính sách đối với các tài xế mất việc làm.

Tác giả bài viết: LÊ KIÊN

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây