Để người Việt hạnh phúc: Chuyện ủy viên TƯ bị hành 5 năm và những cú đánh quyết định

Thứ hai - 06/11/2017 05:12
(Tri Thức trẻ) - Hơn 90 triệu người Việt đã cảm thấy hạnh phúc và thở phào, chỉ nhờ một đòn giáng quyết liệt vào thủ tục hành chính: Bãi bỏ hộ khẩu.
Để người Việt hạnh phúc: Chuyện ủy viên TƯ bị hành 5 năm và những cú đánh quyết định

 

TIN TỐT LÀNH 6/11: Để người Việt hạnh phúc: Chuyện ủy viên TƯ bị hành 5 năm và những cú đánh quyết định

Hai nhân vật đặc biệt muốn xóa hộ khẩu

 

12 năm trước (2005), có một chuyện lạ: Hai nhân vật thuộc ngành cần quản lý bằng sổ hộ khẩu nhất là công an và tư pháp, lại đồng thanh muốn xóa xổ hộ khẩu.

Ở trong hệ thống, họ thấy rất rõ hệ lụy của hộ khẩu, dù lá bùa đó khiến họ có thể dễ quản lý hơn trong một số thời điểm.

Tướng Phạm Chuyên, GĐ công an TP. HN khi đó, đã nói trên diễn đàn QH về mô hình quản lý con người ở các nước phát triển: "Họ quản lý con người về mặt hình thức rất "lỏng", chỉ cần một loại thẻ an sinh thôi.

Mỗi công dân có một số hiệu riêng - đi theo con người ấy suốt đời. Trong tấm thẻ ấy có đầy đủ các yếu tố: họ tên, dân tộc, bố mẹ, nhóm máu, vân tay...

Khi đến cư trú bất cứ nơi nào trong lãnh thổ quốc gia, cá nhân ấy chỉ phải làm duy nhất động tác đến cơ quan chính quyền kê khai, chính quyền có trách nhiệm ghi nhận kê khai ấy vào máy tính".

Một người khác, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp, ông Nguyễn Đình Lộc, cũng đã làm nóng nghị trường khi phát biểu: 

"Tôi cho rằng chúng ta đã kéo dài hơi lâu ý nghĩa của hộ khẩu, vì trong thời kỳ bao cấp mọi thứ gắn với tem phiếu mà muốn có tem phiếu là phải có hộ khẩu, nhưng bây giờ đã thời kinh tế thị trường vậy thì không thể lấy hộ khẩu để cản trở người dân thực hiện những quyền được Hiến pháp quy định như tự do đi lại, tự do cư trú, làm việc, và nhất là quyền có nhà ở".

Điều ông Chuyên nói rất mới ở Việt Nam, nhưng lại rất cũ ở những nước phát triển. Điều ông Lộc trăn trở "chúng ta kéo dài hơi lâu hộ khẩu", thì nó tiếp tục được kéo dài thêm 12 năm nữa.

Người Việt vốn được tiếng học hỏi, hòa nhập nhanh, ấy vậy mà một quyết định hành chính vẫn phải chờ tới 12 năm. 12 năm ấy, đã có biết bao nhiêu khóc cười, bao nhiêu trở lực cho phát triển.

12 năm trước đại biểu Nguyễn Thành Phong đã nêu lên một giải pháp thay thế hộ khẩu: "Với những điều bất cập nảy sinh trong vấn đề hộ khẩu hiện nay, thì nên chăng áp dụng quản lý bằng thẻ cư trú cho các lao động nhập cư, nhất là lực lượng lao động trẻ".

Nhưng phải 12 năm sau, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM mới có thể thực thi một phần ý tưởng khi xóa bỏ điều kiện "có hộ khẩu tại TP.HCM" trong tuyển dụng công chức, viên chức, kể cả cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể.

Ủy viên Trung ương cũng bị hành 5 năm

Mấy chục năm trời, người dân đã quen câu cửa miệng khi nói về một nỗi sợ ám ảnh nhất "mất sổ hộ khẩu", "mất sổ gạo". Mất cuốn sổ vạn năng ấy là mất hết.

Từ chuyện xin cấp chứng minh thư, giấy phép xây dựng, đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, xin học cho con, khám chữa bệnh…, nếu thiếu hộ khẩu chỉ có nước ngồi ôm gối khóc cho dù Bụt không bao giờ hiện ra.

Những công dân KT3 còn phải nhờ người khác đứng tên khi mua nhà đất – và do đó, họ mất luôn cả quyền có tài sản. KT3, KT4 luôn bị coi là công dân hạng ba, hạng bốn.

Một chính sách bất hợp lý bị kéo dài, không chỉ hành dân, mà còn hành cả quan chức. Câu chuyện bị hành hơn 1 năm nay không nhập được hộ khẩu Hà Nội của đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của QH, chưa nhằm nhò gì.(đọc tin chính)

Hơn 10 năm trước, ông Tráng A Pao - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội – cũng phải mất 5 năm ròng rã mới chuyển được hộ khẩu cho vợ, con từ Lào Cai về Hà Nội.

Lúc bế tắc, theo yêu cầu của cán bộ hộ khẩu, ông đã phải chìa cả giấy điều động công tác do Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt ký mà vẫn không xong.

Ông Pao lý giải sự chậm trễ rằng: "Nói thật, nếu mình chi ít tiền chắc chắn sẽ xong ngay".

Nhưng điều quan trọng là tất cả những nỗi khổ ấy sắp chấm dứt. Một đòn quyết định giáng vào thủ tục hành chính rườm rà, hại cho dân, cản trở phát triển, có thể đem lại nguồn hạnh phúc không nhỏ cho hơn 90 triệu người Việt. (đọc tin chính)

Cú đánh ấn tượng cách đây ít ngày, đòn quyết định của Bộ Công thương khi trảm tới 675 giấy phép con, đã tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư, kinh doanh bung lụa. (đọc tin chính)

Tháng trước, khi đi làm thẻ căn cước, tôi thấy vài người dân ăn mặc tuềnh toàng dõng dạc chất vấn công bộc bằng tư thế và giọng điệu của một "ông chủ". Anh công an rất nhũn nhặn giải thích. Cuối cùng hai bên đều cười, bắt tay thân thiện.

Cơ chế không minh bạch và khoa học, một quan chức cấp cao cũng có thể trở thành nạn nhân. Cơ chế đúng thì một thường dân cũng có thể hiên ngang chất vấn những người mà trước đây họ đã từng rất sợ sệt.

Mỗi năm, thế giới đều có bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc. Một nước đang phát triển và còn phải giải quyết nhiều vấn đề như Việt Nam, lẽ dĩ nhiên khó có thứ hạng cao.

Nhưng theo tôi, người Việt đặc biệt mẫn cảm với hạnh phúc. Họ hồn nhiên với những niềm vui, dù chỉ là một tấm ảnh selfie đẹp. Thậm chí có những người vui như lên đồng, trước mỗi biến chuyển tích cực.

Cả một xã hội có thể được truyền cảm hứng tột độ, cả xã hội có thể rơi nước mắt khi xuất hiện một người hùng, một người không vun vén riêng tư mà biết lo, biết nghĩ, biết hi sinh cho người khác.

Niềm vui ấy còn được nhân lên gấp bội, nếu những ám ảnh về thủ tục hành chính – vốn rắc rối hoặc phiền nhiễu mọi lúc mọi nơi – được xóa bỏ.

Trong những bước đi định hình một Chính phủ phục vụ và kiến tạo, có lẽ cú giáng lần này vào những rào cản thủ tục hành chính, là minh chứng rõ nét nhất.

Hành trình mang hạnh phúc đến cho người Việt, chắc chắn sẽ còn rất dài, nhưng nó phải bắt đầu ngay từ hôm nay, bằng những quyết định dũng cảm của những con người dũng cảm.

Nguồn tin: Soha/ Tri Thức trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây