Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi có khả thi?

Thứ ba - 10/10/2017 22:14
(Phapluat News) - Thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đã đến mức báo động khiến nhiều người phải bỏ mạng. Thậm chí không ít trẻ vị thành niên sử dụng rượu bia bừa bãi kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Đây là lý do chính dẫn đến sự ra đời của Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, trong đó có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi có khả thi?

 

Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu (thay thế Nghị định 94/2012) có hiệu lực từ 1-11 tới quy định, một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu là bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động. 

ảnh 1
Sự tồn tại của nhiều điểm nấu rượu thủ công khiến công tác quản lý chất lượng và việc tiêu thụ loại rượu này gặp nhiều khó khăn

Quy định là cần thiết

Sau khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP được ban hành đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Hầu hết người dân đồng tình với việc hạn chế bán rượu cho người chưa thành niên song lại tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của quy định này. Anh Đỗ Đình Thảo, ở ngõ 395 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, hiện nhiều nước trên thế giới đã cấm người chưa đủ 18 tuổi mua rượu. Do đó, quy định này rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Hơn nữa, người chưa thành niên chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn nhiều hạn chế. Nếu cho phép nhóm đối tượng này sử dụng rượu là rất nguy hiểm.

“Tuy vậy, điều quan trọng là làm thế nào để quy định này có thể đi vào cuộc sống, bởi vẫn có không ít trẻ đi mua rượu với danh nghĩa “mua hộ”, không ít nhà tự nấu rượu rồi cho con em mình uống. Ngoài ra, việc xác định nồng độ cồn trong rượu cũng là điều đáng bàn, đặc biệt là đối với việc sản xuất rượu thủ công tại các gia đình” - anh Đỗ Đình Thảo băn khoăn.

Với quan điểm tương tự, anh Vũ Xuân Quang - nhân viên ngân hàng ở quận Hoàn kiếm, Hà Nội cho rằng, việc kinh doanh rượu đang diễn ra tràn lan. Bất kỳ ai, ở đâu cũng có thể mua rượu với nồng độ cồn cao song không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý. Hơn nữa, việc xác định người dưới 18 tuổi mua rượu với mục đích gì cũng không đơn giản. Chưa nói đến việc yêu cầu người bán từ chối bán rượu cho người dưới 18 tuổi là khó khả thi do ảnh hưởng tới nguồn thu của chính họ. 

Cần có cơ chế quản lý minh bạch

Quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không phải xuất hiện lần đầu tiên trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP, mà nó được kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu. Tiếp theo đó, Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng quy định phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi. Tuy vậy, những quy định này vẫn đang nằm trên giấy.

Để Nghị định 105/2017/NĐ-CP có tính khả thi, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trước hết, cần phải đưa rượu vào danh sách các mặt hàng cần phải kiểm soát đặc biệt từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ và sử dụng (có thể quy định mỗi chai rượu phải có một mã số), đồng thời cần có một cơ chế quản lý minh bạch. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để xác minh được độ tuổi của người mua rượu? Điều này chỉ có thể thực hiện được căn cứ vào giấy tờ tùy thân của họ như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, thẻ sinh viên... Do vậy, cần có quy định về việc, nhân viên bán rượu được phép kiểm tra giấy tờ của khách và có quyền từ chối đối với khách hàng không đủ điều kiện.

Điều đáng nói là hiện nay, hầu hết người dân thay vì đến cửa hàng chuyên kinh doanh rượu để mua, họ thường tìm đến những quán tạp hóa nhỏ lẻ, thậm chí tự nấu rượu để tiết kiệm chi phí. Tại những nơi này, việc kiểm soát độ tuổi của khách mua rượu, nồng độ cồn trong rượu hầu như không thực hiện được. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng đối với những cơ sở được cấp phép kinh doanh, buôn bán mặt hàng rượu bia. 

Do vậy, theo luật sư Lê Hồng Vân, để quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi đi vào cuộc sống, Bộ Công Thương (đơn vị chủ quản) cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị, ban, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh rượu, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu…

Nguồn tin: ANTĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây