Vừa qua, ngày 12/5 tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định với cán bộ quản lý sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và cán bộ quản lý ngành giáo dục TP. Quy Nhơn trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, Bộ sẽ triển khai thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức, thay vào đó sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.
Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người tỏ ra lo ngại trước thông tin này vì cho rằng ai sẽ là người giám sát các hợp đồng "ra – vào" của giáo viên để đảm bảo không có tiêu cực hay những giáo viên có tuổi là viên chức, công chức, khó có khả năng chạy theo xu thế mới sẽ đứng trước nguy cơ bị đào thải trong khi họ đã có vài chục năm cống hiến cho nghề.
Liên quan đến vấn đề này, sáng 20/5 PV Báo Infonet đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT.
TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT
* Thưa thầy, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có chia sẻ thông tin Bộ sẽ triển khai thí điểm để chuyển giáo viên từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ lớn. Thông tin này đang khiến nhiều giáo viên lo lắng, vậy quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?
TS. Lê Trường Tùng: Theo quan điểm của tôi, để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ đang làm thì giải pháp đầu tiên phải là nâng cao thu nhập của giáo viên, đặc biệt là giáo viên trường công của khối mẫu giáo và phổ thông.
Bởi lẽ, nếu không giải quyết được vấn đề thu nhập cho giáo viên thì tất cả những chính sách để thay đổi chất lượng giáo dục sẽ khó thực hiện vì lực lượng chủ yếu để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là giáo viên. Hiện tại, nhiều giáo viên của chúng ta vẫn còn lối suy nghĩ, nếu là công chức hay viên chức thì vị trí công việc sẽ ổn định, ngoài lương còn những thu nhập khác, khó bị đuổi việc, tương lai được đảm bảo…
Tôi nghĩ giáo viên phải thay đổi suy nghĩ ấy, vì nếu giáo viên có trình độ thực sự, chúng ta không dạy ở trường này thì sẽ dạy ở trường khác.
Vấn đề chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng “có vào – có ra” là một xu hướng tất yếu nếu muốn nâng cao chất lượng và phát triển giáo dục. Giáo viên buộc phải thay đổi, phải nỗ lực để nâng cao trình độ phục vụ công việc.
* Nhiều người lo ngại việc thay công chức, viên chức bằng chế độ hợp đồng “có vào – có ra” sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, nhất là thời gian vừa qua xảy ra nhiều trường hợp giáo viên hợp đồng bị đuổi việc không rõ lí do. Thầy nghĩ thế nào về điều này?
TS. Lê Trường Tùng: Tất nhiên, chuyện tiêu cực là có. Cũng không ngoại lệ việc những người nắm quyền nhất là hiệu trưởng, vì những lí do nào đó mà nhận người này nhưng lại không nhận người kia.
Đặt vị trí là một giáo viên, một người lao động ai cũng sẽ lo ngại việc mình bị đuổi việc. Đó là mối lo chung của viên chức tất cả các ngành chứ không đơn thuần chỉ trong ngành giáo dục. Thế nhưng, đặt vị trí mình là hiệu trưởng một cơ sở giáo dục và rất quan tâm đến vấn đề chất lượng thì khó chấp nhận việc giữ một giáo viên dạy không tốt.
Trong khi giáo viên dạy không tốt đó là viên chức, công chức thì hiệu trưởng không thể đuổi họ nhưng cũng không thể áp dụng các chính sách đổi mới để nâng cao chất lượng vì họ không có trình độ.
Nếu hệ thống chính sách mạch lạc, giáo viên dạy tốt thì không ai có thể đuổi được. Thậm chí, nếu bị đuổi ở trường này nhưng trường khác sẽ nhận vì tôi tin xã hội này luôn trân trọng người tài. Vì thế, để giữ được vị trí, buộc giáo viên phải nỗ lực và cố gắng để nâng cao trình độ.
Giả sử, sắp tới thực hiện chương trình tổng thể, giáo viên phải đổi mới để đáp ứng chương trình mới. Không thể có chuyện, một giáo viên có tuổi, quen dạy chương trình cũ, không dạy được chương trình mới lại được giữ lại. Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, giáo viên phải tự vận động vì xu thế chung, nếu không theo xu thế thì phải đứng ra ngoài để cho người khác đi tiếp. Đây là một cuộc chơi tương đối sòng phẳng.
Tất nhiên, khi đặt ra xu thế mới sẽ có khe hở, sẽ có tiêu cực nhưng trước khi thực hiện điều này sẽ có những quy tắc nhất định với những tiêu chí nhất định dành cho giáo viên. Chúng ta phải thừa nhận, không phải tất cả giáo viên đều “chuẩn” nhưng để họ thực hiện tiêu chí hướng đến “chuẩn” thì phải cho họ một lộ trình nhất định. Nếu trong thời gian nhất định, họ không đáp ứng tiêu chuẩn thì các giáo viên buộc phải chấp nhận việc bị “sa thải”. Nhưng quan trọng là phải minh bạch.
Xin cảm ơn thầy vì cuộc trò chuyện này!
Tác giả bài viết: Hoàng Thanh
Nguồn tin: Theo Infonet:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn