Cách mạng công nghiệp sẽ xóa sổ nhiều nghề ở Việt Nam

Thứ năm - 13/09/2018 20:51
TPO - Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, rất nhiều nghề nghiệp sẽ bị thay thế. Trong đó, có nhiều nghề chiếm tỷ trọng lao động rất lớn ở Việt Nam như dệt may, giầy da, xây dựng...
Cách mạng công nghiệp sẽ xóa sổ nhiều nghề ở Việt Nam

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam


Thủ tướng Việt Nam đánh giá cao thành tựu kinh tế, công nghệ Singapore

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật Tổng thống Indonesia

Tầm nhìn mới cho khu vực Mekong


Sáng 13/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, diễn ra diễn đàn Tương lai nghề nghiệp ở ASEAN. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các diễn giả là các chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp đến từ Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, giới trẻ Việt Nam hiện đang rất lạc quan vào tương lai cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, về phía những nhà hoạch định chính sách, không chỉ có tâm trạng lạc quan, mà còn phải nghĩ nhiều hơn về những thách thức.

Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, rất nhiều nghề nghiệp sẽ bị thay thế. Trong đó, có nhiều nghề chiếm tỷ trọng lao động rất lớn ở Việt Nam như dệt may, giầy da, xây dựng, hay những công việc thường dành cho nữ giới như công nhân lắp ráp trong nhà máy điện tử, thư ký...

Thách thức đặt ra là phải đào tạo để mọi người có thể chuyển sang nghề mới, hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng ở trình độ cao hơn, có thể đáp ứng yêu cầu khoa học-kỹ thuật mới.

Việt Nam có 38% số lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, không chỉ phải giải quyết nhu cầu việc làm mới hay việc làm thay thế cho những người đang làm việc cho khu vực công nghiệp, dịch vụ... Việt Nam còn phải tiếp tục chuyển đổi những người đang làm nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ.

“Ở đây, tồn tại hai vấn đề. Thứ nhất, phải đào tạo để những người làm nông nghiệp, và cả những người đang làm công nghiệp, dịch vụ học được các kỹ năng với mục tiêu không chỉ học nghề mới, mà còn phải tạo ra công việc cho riêng mình. Không chỉ phụ thuộc vào việc làm các doanh nghiệp tạo ra cho họ, mà họ phải tạo ra việc làm. Với 38% nông dân hiện nay, phải làm thế nào để họ không chỉ canh tác, mà thông qua những công nghệ mới có thể tiếp cận với khách hàng ở trong và ngoài nước để họ bán sản phẩm của mình, làm các dịch vụ khác.

Thứ hai, khi đối phó với những thách thức mới trong vấn đề lao động, chúng ta phải đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập cho người lớn. Nói về học tập cho người lớn, phần nhiều hiện vẫn nói về những người trong độ tuổi từ 30-40 tuổi, ít người nghĩ ngay tới việc học tập dành cho những người trên 60 tuổi. Cuộc cách mạng này đem lại cơ hội cho tất cả, chúng ta phải chú ý hơn tới việc giúp người cao tuổi học tập, nắm bắt cuộc cách mạng này”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục. Với trẻ em, từ trước đến nay vẫn theo quan điểm văn hóa là trẻ nhỏ phải vâng lời. Nhưng bây giờ, một mặt vẫn tôn trọng văn hóa truyền thống, nhưng mặt khác phải dạy trẻ dám nghĩ khác, dám hỏi ngược lại, trao đổi lại với giáo viên.

Phó Thủ tướng cũng nói, công nghệ thông tin hiện nay có phép học mà không cần đến lớp, không cần thầy. Việt Nam hiện có 57% dân số dùng điện thoại thông minh, và đang hướng tới mở rộng diện bao phủ để người dân có thể học tập qua phương tiện này.

“Chúng tôi cũng đang thúc đẩy dự án kho tri thức học tập, đặc biệt hướng tới người cao tuổi để họ thích ứng”, Phó Thủ tướng nói. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cũng đang đổi mới các cấp học từ phổ thông, cao đẳng, đại học để tương thích với ASEAN và thế giới. “ASEAN cần hợp tác, công nhận bằng cấp của nhau, chia sẻ học liệu”, Phó Thủ tướng đề xuất.

Dù lạc quan vào tương lai nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam cần cố gắng, nỗ lực hơn các nước trong khối như Singapore, Malaysia...vì đó là những quốc gia đang sẵn sàng hơn.

Nguồn tin: www.tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây