TS Nguyễn Mạnh Hùng: "Tại sao tôi không thích được nhận hoa?"

Thứ tư - 10/05/2017 03:37
(PL News) - Tôi hay đi nói chuyện, giảng bài. Thế là hay được tặng quà và tặng hoa. Nhưng từ lâu tôi đã không thích nhận hoa.
TS Nguyễn Mạnh Hùng: "Tại sao tôi không thích được nhận hoa?"

 

Bó hoa và rác thải

Hoa thì ai cũng thích. Hoa làm đẹp cho đời. Hoa để cúng Phật, để dâng lên bàn thờ lễ tổ tiên. Ngắm hoa đẹp ai mà không thích. Được tặng hoa ai mà không vui.

Nhưng từ lâu tôi không thích nhận hoa. Thậm chí thấy bó hoa chuẩn bị mang ra tặng là tôi thấy ái ngại.

Vấn đề là các bó hoa tặng phần lớn là bó bằng giấy ni lông. Mà ni lông phải mất cả trăm năm mới tiêu hủy. Người tặng hoa không biết rằng họ đang vô tình góp phần hủy hoại môi trường.

Cách đây chục năm tôi đi hội sách Frankfurt. Chuẩn bị khá nhiều quà Việt Nam rất đẹp và ý nghĩa. Tôi mang theo một xấp túi ni lông do công ty in chuyên để đựng sách cho bạn đọc.

Sang đến nơi, vào hội sách, tôi giật mình. Chưa kịp tặng cho bất cứ đối tác hay bạn bè nào đã thấy khắp nơi dán biển "NO PLASTIC BAG" tức là "không sử dụng túi ni lông". Tôi hoàn toàn không dám dùng túi ni lông mang theo nữa. 

Túi giấy không có nên cứ vậy tôi lấy quà ra để tặng. Các bạn rất thích. Tôi chỉ giật mình: nếu không để ý, vẫn cứ mang túi ni lông ra để đựng quà tặng bạn thì họ nhìn mình bằng con mắt gì?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Tại sao tôi không thích được nhận hoa? - Ảnh 1.


Hôm qua tôi và Đại sứ Italia tại Ấn Độ Lorenzo Angeloni (nhiệm kỳ trước ông là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam) và Tổng lãnh sự Italia tại TP HCM Carlotta Colli cùng nhà thiết kế Minh Hạnh đến giao lưu tại 1 trường Đại học Ngoại ngữ. 

Xong chương trình, Hiệu trưởng nhà trường lên tặng mỗi chúng tôi 1 bó hoa đựng trong 1 bao ly lông lớn. Tôi và chị Minh Hạnh nhìn nhau ái ngại. Không biết ông Đại sứ và bà Tổng lãnh sự Italia nghĩ gì.  

Thực ra có 1 giải pháp rất tuyệt. Đó là quấn hoa bằng 1 đai vải hoặc chính bằng lá cây. Vừa đẹp vừa sang mà bảo vệ môi trường. Bởi bó hoa kia, nếu mang về nhà vẫn phải tháo ra để cắm vào lọ chứ. 

Hơn nữa những người tặng hoa không hề để ý rằng chúng tôi chỉ lưu lại đây rất ngắn thì không thể có lọ để cắm hoa ở khách sạn mà mang hoa về Hà Nội và TP HCM thì ít xảy ra. 

Kết quả là tất cả các bó hoa được tặng đã đều nằm lại ngôi trường đó và có thể nhanh chóng bị vứt vào thùng rác. 

Tiếc nhất rằng lại xảy ra tại 1 trường đại học ngoại ngữ, nơi tiếp xúc rất nhiều với người nước ngoài và các thầy cô giáo cùng các em sinh viên đã và đang làm việc với rất nhiều người nước ngoài.

Chai nước trước mặt quan khách

Trên bàn chúng tôi ngồi quay xuống giao lưu với cả mấy trăm cán bộ và sinh viên được bày nước. Những chai nước, trước mặt mỗi người là một chai nước. Bạn nghĩ rằng đây là tốt, là bình thường đúng không?

Nhưng máy ảnh và máy quay phim chụp và quay liên tục. Lên ảnh và lên phim thấy chai nước. Vô tình đi quảng cáo cho chai nước của hãng A đó. Nước chất lượng thì thôi cũng đành, chứ thứ nước không thực sự tốt cho cơ thể thì là cả một vấn đề.

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Tại sao tôi không thích được nhận hoa? - Ảnh 2.


Thấy chai nước, tôi thường có thói quẹn đặt chai nước nằm xuống hay bỏ ra phía sau. Quả thật bạn cứ nghĩ kỹ, lên ảnh mà mỗi vị khách quan trọng lại có chai nước trước mặt thật là kỳ.

Vẫn có giải pháp. Hoặc là tháo nhãn của hãng sản xuất nước ra nhưng không bật nắp chai. Hoặc ban tổ chức đi rót nước cho các vị khách mà không cần để chai nước ngay trước mặt.

Lại nói thêm về tặng quà

Chúng tôi đến Huế giao lưu được nhà trường tặng cho món quà rất ý nghĩa. Đó là hình nhà trường làm bằng giấy đựng trong bìa. Gấp lại thành tấm bìa mòng. Mở ra thành bức tranh 3D rất đẹp. Món quà vừa ý nghĩa vùa thú vị.

Tôi rất hay đi công tác và hay tiếp các đoàn khách. Tôi thường chọn những món quà đơn giản nhưng ý nghĩa và mang chất Việt Nam.

Quà tặng không cần đắt tiền. Quan trọng là thông điệp, ý nghĩa của món quà. Khi tặng quà rất nên giải thích tại sao mình lại tặng khách món quà đó.  

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Tại sao tôi không thích được nhận hoa? - Ảnh 3.


Rồi bữa ăn

Chúng tôi cùng vị Đại sứ và vị Tổng lãnh sự đến Huế công tác và được nhà thiết Minh Hạnh dẫn đi ăn hai bữa: tối và trưa. Công nhận rằng chị Minh Hạnh rất tinh tế và chọn được 2 quán ăn rất đơn giản nhưng đậm chất Huế. 

Khi ăn các món chị Minh Hạnh đều giả thích và giới thiệu về ý nghĩa, cách làm, cách thưởng thức, hương và vị cả từng món ăn. Không chỉ 2 vị khách quý kia mà tôi cũng thấy mê.

Ăn cũng là một nghệ thuật. Ăn cũng rất đơn giản nhưng công phu. Nếu biết cách để thưởng thức thì bữa ăn trở nên ngon và ý nghĩa vô cùng.

Cuộc sống thật là tuyệt vời. Tôi hay kể cho bạn bè về 7 chữ 7 của tôi, rằng đã làm người thì phải TỬ TẾ. Đã kinh doanh là phải THỰC TẾ. Đã làm sách thì phải TINH TẾ. Làm bất cứ gì cũng cần dùng TÂM. Nhất tâm. Thành tâm.

Chợt nhận ra: Cuộc sống cho chúng ta nhiều bài học rất tinh tế và chúng ta cần học cách sống tinh tế.

Tác giả bài viết: Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books 

Nguồn tin: Tri Thức Trẻ / Soha.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây